Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, tại Kế hoạch số 14 KH/TW, ngày 25/3/2019 của Ban Bí thư thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức thí điểm việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet, phù hợp với từng đối tượng. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các địa phương tập trung phân tích, trao đổi, thảo luận để làm rõ một số vấn đề liên quan như: Những vấn đề lý luận chung về phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; đánh giá tình hình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý đối tượng 1,2,3,4 theo Quy định số 164-QĐ/TW, ngày 1/2/2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; sự cần thiết và vai trò của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet; những nội dung cần phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet; các giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên…
Đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Trọng Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, theo Quy định số 164-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị không chỉ được bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ, mà còn được nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Quy định này, công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ cán bộ diện Trung ương quản lý đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng hoan nghênh. Đồng chí Nguyễn Trọng Hòa kiến nghị tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ cấp chiến lược, trước mắt tập trung bồi dưỡng đối với Ủy viên Trung ương khóa XIII, mở rộng đối tượng phù hợp.
Đồng quan điểm, đại diện Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) cho rằng, việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet là tất yếu trong xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục - đào tạo; qua đó, thay đổi tư duy và tổ chức thực hiện, góp phần khắc phục những hạn chế của hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng truyền thống; nâng cao hiệu quả tổ chức học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, việc phổ biến, bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cũng gặp phải khó khăn như giảng viên và học viên tuổi cao, lúng túng trong cập nhật phần mềm giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học; một số học viên điều kiện khó khăn… Do đó, cần xây dựng đội ngũ giảng viên thành thạo về công nghệ thông tin để có thể xây dựng được các bài giảng trực tuyến rõ ràng về chủ đề, trình bày mạch lạc, có hệ thống và truyền cảm nội dung; phân tích rõ ràng, dễ hiểu các sự kiện, hiện tượng cụ thể có liên quan, cho phép mọi đối tượng có thể học tập mà không phân biệt đến tuổi tác.
Bên cạnh đó, một số ý kiến tập trung thảo luận về sự cần thiết và vai trò của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet; những nội dung cần phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật… Các ý kiến nhất trí, kết quả Tọa đàm là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai "Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet".
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh vị trí và vai trò quan trọng của việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí Lê Hải Bình cũng nêu rõ 4 thách thức đặt ra đối với công tác này như: Thay đổi tư duy của người quản lý, người cung cấp và người thụ hưởng trong công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Nội dung của công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Đối tượng của công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; Công tác bảo mật trên Internet.
Đồng chí Lê Hải Bình đề nghị Ban Tổ chức tọa đàm tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu tại buổi tọa đàm. Kết quả Toạ đàm hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai “Đề án thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet” cũng như triển khai đại trà trong thời gian tới./.