PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - cho biết: Hội thảo khoa học toàn quốc "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" là bước chuẩn bị quan trọng, có tính tổng kết để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 từ đó nhìn nhận, đánh giá, góp phần bổ sung và hoàn thiện một bước đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 153 bài viết. Số lượng lớn bài tham luận cho thấy sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo các cơ quan tuyên giáo, văn hoá, văn nghệ, báo chí…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã bám sát tinh thần, nội dung của Nghị quyết 23, nhất là mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp để xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới. Hội thảo cũng làm rõ và đầy đủ hơn việc tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, nhận rõ những ưu điểm, kết quả; chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, các đại biểu đồng thời xác định nguyên nhân và bài học; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất đột phá để phát triển văn học, nghệ thuật nhiều năm tiếp theo được nêu trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, tham luận của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao chủ đề hội thảo và cho biết, những ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, tham mưu cho Đảng tiếp tục có những quyết sách kịp thời và hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Nghị quyết 23-NQ/TW ra đời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật. Trong 15 năm qua, với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã đạt được những kết quả tích cực.
Các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc. Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có sự nỗ lực đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những hạn chế kéo dài; cố gắng bám sát thực tiễn, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; đồng thời phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ….
Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đề ra trong nghị quyết, nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đến nay đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Những hạn chế, bất cập đó đã tạo ra những “điểm nghẽn”, “lực cản” cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ rõ: Bối cảnh tình hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm tạo động lực và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật.
Toàn cảnh Hội thảo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị: cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tổ chức tổng kết nghị quyết, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng, vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ngoài ra, cần phải cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ, trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đồng thời phải phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục, định hướng, bồi đắp lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh cho thế hệ trẻ.
"Đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tài năng chính là nguyên khí của quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Chính anh chị em văn nghệ sĩ sẽ là lực lượng tiên phong gánh vác sứ mệnh vẻ vang, chăm lo, bồi đắp nhân cách, góp phần xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; đồng thời mong muốn và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ" - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.