Với 24 tuổi đời, trong đó gần 10 năm hoạt động ở Hà Nội, Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc, trong phong trào công nhân, công đoàn và vận động thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam có nhiều cống hiến lớn lao.
Thứ nhất, tự hòa mình vào cuộc sống thợ thuyền và trở thành người lãnh đạo tiên phong của phong trào công nhân Việt Nam.
Cuối năm 1926, sau sự kiện bãi khóa ở trường Thành Chung Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh đã quyết định bỏ học, lên Hà Nội tìm việc làm. Trong hoàn cảnh chưa có nghề, đồng chí đã phải làm thư ký hiệu ảnh, giáo viên trường tư, rồi công nhân nhà máy in Lê Văn Tân. Là người có học thức,nhạy cảm,nên Nguyễn Đức Cảnh thường xuyên tìm đọc sách báo tiến bộ, rồi gia nhập tổ chức Nam Đồng Thư xã (NĐTX) [2].Tháng 9 năm 1927, NĐTX cử Nguyễn Đức Cảnh - một thành viên cấp tiến, năng động đi Quảng Châu, Trung Quốc để tìm hiểu xu hướng chính trị và bàn bạc vấn đề hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên[3]. Tại Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh và người bạn cùng đi Lý Hồng Nhật đã dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày. Tuy không trực tiếp nghe Nguyễn Ái Quốc giảng bài, nhưng qua lớp huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh đã sáng rõ nhiều điều như: Sứ mạng lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò của Đảng Cộng sản, của mặt trận đoàn kết dân tộc,quốc tế... Cuối khóa học, Nguyễn Đức Cảnh đã tự nguyện thoát ly Nam Đồng Thư xã, gia nhập Thanh niên. Đây là bước chuyển biến quan trọng của Nguyễn Đức Cảnh trên con đường đến với lập trường vô sản. Cuối năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh về nước[4], tập trung vào soạn thảo tài liệu tuyên truyền dựa trên các bài học lớp huấn luyện Quảng Châu, đề nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đưa hội viên đi thực tế. Đầu năm 1928, Kỳ bộ cử đồng chí xuống Hải Phòng hoạt động.Chỉ sau thời gian ngắn, Nguyễn Đức Cảnh được cử bổ sung làm ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng
[5].
Trên cương vị và trọng trách mới, bắt đầu một thời kỳ làm việc tích cực, sáng tạo của Nguyễn Đức Cảnh trong phong trào công nhân. Nguyễn Đức Cảnh còn bí mật liên lạc với các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)... cùng nhận định tình hình, bàn biện pháp phát triển hội viên và cử cán bộ đi “vô sản hóa”. Hầu hết cán bộ Thanh niên như: Lương Khánh Thiện, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Vũ Thị Mai, Bùi Đức Thành... đã tự nguyện đi “vô sản hóa” tại các cơ sở công nghiệp, hầm lò. Nguyễn Đức Cảnh tìm cớ chuyển từ nhà máy cơ khí Carông sang làm phu khuân vác ở khu bến Cảng. Chủ trương “vô sản hóa” từ vùng mỏ, Hải Phòng nhanh chóng lan tỏa đến nhiều nhà máy, xí nghiệp như: Xưởng Avia, Hà Nội, nhà máy Xe lửa Tràng Thi, đồn điền cao su Phú Riềng...
Những chỉ đạo đúng đắn và sáng tạo của Bí thư Nguyễn Đức Cảnh đã dẫn đến sự ra đời nhiều tổ chức cơ sở (chi bộ) Thanh niên ở Hải Phòng cũng như ở vùng mỏ than Cẩm Phả - Cửa Ông, Mạo Khê, Vàng Danh, Hòn Gai, Uông Bí...Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân ở Hải Phòng, vùng mỏ Đông Bắc nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung cuối những năm 20 đã khẳng định những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân. Nguyễn Đức Cảnh đã trở thành người xây dựng và lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam khi mới ra đời.
Thứ hai, tham gia sáng lập và lãnh đạo đầu tiên tổ chức Công đoàn Việt Nam
Càng đi sâu vào hoạt động thực tiễn, Nguyễn Đức Cảnh càng thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa phong trào công nhân với tổ chức Công đoàn và chính đảng của giai cấp là Đảng Cộng sản. Vận dụng quan điểm trên vào thực tế, Nguyễn Đức Cảnh vừa hăng say làm việc, vừa bí mật viết tài liệu tuyên truyền, đặc biệt tài liệu "Tổ chức Công hội như thế nào" được in và lưu hành bí mật trong công nhân nhằm giúp hội viên Thanh niên nắm được cách thức xây dựng tổ chức công hội.
Những hoạt động năng nổ của Nguyễn Đức Cảnh và tổ chức Thanh niên đã góp phần tích cực cho sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở 5D phố Hàm Long (3 - 1929) và Đông Dương Cộng sản Đảng (6 - 1929). Lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng đã giao cho Nguyễn Đức Cảnh nhiệm vụ đứng ra thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ[6]. Để hoàn thành trọng trách được giao, Nguyễn Đức Cảnh đã vận dụng quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Công hộị trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ, bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới"[7], kết hợp với kết quả phong trào“vô sản hóa” và kinh nghiệm tổ chức Công hội Ba Son (Sài Gòn) để hoàn tất báo cáo sẽ trình bày tại Hội nghị thành lập Tổng Công hội vào sáng ngày 28-7-1929 tại nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị tán thành quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, như bản Dự thảo của Nguyễn Đức Cảnh; bầu Ban Chấp hành lâm thời, trong đó Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sau hội nghị, Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo xuất bản báo "
Lao động" và tạp chí "
Công hội Đỏ” - cơ quan lý luận đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.
Sự ra đời của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là bước phát triển quan trọng của phong trào công nhân Việt Nam và là một cống hiến của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mở ra thời kỳ mới ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam.
Thứ ba, tham gia sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên và Đảng Cộng sản Việt Nam
Sự phát triển nhanh chóng về số lượng và trưởng thành về ý thức chính trị của phong trào công nhân Việt Nam trong những năm 1928-1929 đã đặt ra yêu cầu cấp bách cho sự ra đời một chính đảng của giai cấp mình. Là người sáng lập và lãnh đạo Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên - tổ chức hoạt động theo xu hướng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ nhiệm vụ hàng đầu của những người cộng sản Việt Nam lúc này là hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một Đảng Cộng sản. Người chú ý đến những đồng chí đã qua huấn luyện chính trị, hăng say hoạt động và sáng tạo trong phong trào công nhân. Những kết quả hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh trong tổ chức Thanh niên, đặc biệt trong việc thành lập Chi bộ Cộng sản 5D Hàm Long và Đông Dương Cộng sản Đảng đã được Nguyễn Ái Quốc biết đến. Vì vậy, cuối năm 1929 theo sự triệu tập của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu được Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng cử đi dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hồng Kông, Trung Quốc.
Đầu năm 1930 Hội nghị được tiến hành dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.Tại Hội nghị, lần đầu tiên Nguyễn Đức Cảnh được trực tiếp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Bản tham luận Về tình hình phong trào cách mạng và phong trào công nhân Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ XX của Nguyễn Đức Cảnh đã bổ sung nhiều tư liệu thực tế và nhận định xác đáng, góp phần vào thành công của hội nghị. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tháng 5 - 1930, Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam cử Nguyễn Đức Cảnh giữ chức Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó được cử đi “tăng cường” vào miền Trung, được bổ sung vào Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách tuyên huấn, kiêm công tác vận động công nhân. Nguyễn Đức Cảnh đã cùng Xứ ủy ra sức chỉ đạo phong trào để vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn của phong trào cách mạng vùng Nghệ Tĩnh. Trong lúc đang ngổn ngang công việc thì đầu tháng 4 - 1931, Nguyễn Đức Cảnh bị địch phục kích bắt tại làng Yên Dũng Hạ (thành phố Vinh).
Biết rõ Nguyễn Đức Cảnh là nhân vật quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, chúng đã chuyển đồng chí ra Hà Nội giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, kẻ thù đã tra tấn dã man đồng chí, nhưng vẫn không khai thác được tin tức gì. Vì vậy, sáng sớm ngày 31 - 7 - 1932, kẻ địch đã đưa đồng chí cùng người bạn Hồ Ngọc Lân ra pháp trường bên bờ sông Lấp (Hải Phòng) chém đầu. Người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh đã anh dũng hy sinh khi mới 24 tuổi đời.
Lịch sử cách mạng Việt Nam mãi mãi ghi sâu những hoạt động cách mạng sáng tạo và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trong phong trào công nhân, Công đoàn và sáng lập các chức cộng sản đầu tiên, tiến tới Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí xứng đáng là một cán bộ lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam thời dựng Đảng.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, mỗi chúng ta cần thấy rõ hơn những cống hiến lớn lao và niềm tự hào về tấm gương chiến đấu và hy sinh của người Cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây là dịp thể hiện lòng tri ân với đồng chí và cũng là động lực thúc đẩy chúng ta làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo các văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nỗ lực đoàn kết, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
-------------------------------------------
[1] Ông Nguyễn Đức Triết có Bằng cử nhân nhưng không nhận làm quan mà chỉ mở trường hành nghề dạy học; vì vậy, dân trong vùng thường thân mật gọi ông là thầy (ông) cử Triết.
[2] Từ một tiệm sách có cơ sở ấn loát, thường in sách báo tiến bộ thành lập năm 1925 tại bờ hồ Trúc Bạch, Ba Đình; sau 2 năm, những người cấp tiến của NĐTX lập ra Chi bộ NĐTX và cuối năm 1929 tự chuyển thành Việt Nam Quốc dân đảng.
[3] Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam được viết tắt là HVNCMTN hoặc viết gọn là Thanh niên.
[4] Đây cũng là thời điểm Nam Đồng Thư xã đổi thành Việt Nam Quốc dân Đảng
[5] Bao gồm Thành phố Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương và khu mỏ Hồng Quảng- như Khu mỏ than Quảng Ninh hiện nay.
[6] Tên tổ chức này, ngoài cách viết phổ biến và chính thống như trên, hiện còn lưu tồn một số cách viết khác như: Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Công hội Bắc Kỳ, Tổng Công hội Đỏ. Đây là tổ chức tiền thân của Công đoàn Việt Nam; Nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2 (1924-1929), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.330.
PGS,TS. Lê Văn Tích
Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam