Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (5-11-1968).
Năm 1926, đồng chí tham dự lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tổ chức, giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1927, sau khi về nước và hoạt động ở Nam Kỳ, đồng chí Phạm Văn Đồng có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành tổ chức cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 29-7-1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù và đày đi Côn Đảo. Sau khi được trả tự do vào năm 1936, Phạm Văn Đồng ra Hà Nội hoạt động công khai trên mặt trận báo chí cách mạng của Đảng. Tháng 5-1940, đồng chí được Trung ương Đảng cử sang hoạt động ở Côn Minh (Trung Quốc), làm việc bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và trở thành một trong những cộng sự đắc lực của Người. Năm 1942, khi trở về Cao Bằng hoạt động, Phạm Văn Đồng là người có nhiều công lao trong quá trình vận động, tổ chức Mặt trận Việt Minh, tham gia xây dựng căn cứ địa Việt Bắc, chuẩn bị lực lượng và các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945.
Trong những năm hoạt động cách mạng, đặc biệt là từ sau năm 1945 đến năm 1987, đồng chí được phân công giữ nhiều cương vị lãnh đạo cao cấp, nhiều trọng trách trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như: Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng….
Là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác. Đồng chí đã thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản trung kiên, mẫu mực. "Tận trung với nước, tận hiếu với dân - Dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân - Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư chống quan liêu, tham ô, lãng phí - Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, nhân cách và có tấm lòng nhân ái, bao dung... Suốt 75 năm công tác liên tục, qua nhiều cương vị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tự học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức cách mạng của Bác Hồ, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Phẩm chất cao quý người học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ từ khi thôi đảm trách các chức vụ trong Đảng và Nhà nước, đồng chí đã dồn sức thực hiện xuất sắc 4 tác phẩm về Tư tưởng Hồ Chí Minh: "Hồ Chí Minh - Một Con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp" (1990); "Hồ Chí Minh, quá khứ hiện tại và tương lai (1991); Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh (1993); và "Những nhận thức cơ bản về Tư tưởng Hồ Chí Minh" (1998). Đó cũng là những công trình khoa học đối với công tác nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục chính trị, lý luận của Đảng ta hiện nay.
Khi cùng ở với Bác Hồ và cả sau khi Bác mất, ông luôn giữ nếp sống rất đơn giản, trong cuộc sống, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng coi nhau như anh em, Bác gọi ông là chú Tô. Giản dị, thanh bạch là những điều đồng chí học được ở Bác Hồ nhiều nhất.
Đồng chí Phạm Văn Đồng còn là nhà văn hoá lớn của dân tộc, đồng chí là người rất sâu sát, chí tình với giới văn nghệ sĩ, khẳng định vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trên lĩnh vực đối ngoại, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà ngoại giao xuất sắc, là một trong những nhân vật chủ chốt tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện sinh động tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, được bạn bè quốc tế tin yêu kính trọng.
Cuộc đời của đồng chí Phạm Văn Đồng là một tấm gương sáng về đức độ, tài năng, ý chí và nghị lực cách mạng. Trên cương vị nào đồng chí cũng làm việc hết mình và để lại những dấu ấn sâu sắc. Với 75 năm liên tục hoạt động cách mạng, với những đóng góp không ngừng nghỉ cho cách mạng và dân tộc, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
(Theo Tạp chí Xây dựng Đảng)