Giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ổn định ở mức gần 8.400 tỷ đồng, ngang mức trung bình của tuần trước nhưng đã có sự phục hồi mạnh 20% so với phiên thứ Sáu vừa rồi. Trong đó, nhóm năng lượng và nông sản vẫn chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch.
Giá dầu biến động rất mạnh trong phiên đầu tuần và kết thúc với mức tăng 3,2% lên 119,4 USD/thùng của dầu WTI, trong khi giá dầu Brent tăng 4,32% lên 123,21 USD/thùng. Thị trường biến động với biên độ rất lớn gần 15 USD/thùng trong phiên, trước các kỳ vọng trái chiều về ngành năng lượng của Nga.
Dầu thô gap-up (nhảy vọt giá) và bật tăng rất mạnh ngay khi mở cửa phiên do thông tin Mỹ xem xét các lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Nga tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 8%, nhưng hành động này có ý nghĩa mang tính “biểu tượng” đối với thị trường, do khả năng các nước đồng minh khác cũng sẽ hành động tương tự, đặc biệt khi các nước EU cũng tiến hành cuộc họp đánh giá thị trường năng lượng.
Tuy vậy, giá dầu điều chỉnh lại và chịu áp lực chốt lời trong phiên. Bên cạnh đó, lo ngại về an ninh năng lượng đã khiến cho nước Đức từ chối áp dụng các lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, khi châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của nước này.
Việc nước Nga đe dọa trả đũa bằng cách cắt cả dòng chảy khí tự nhiên sang châu Âu cũng khiến tình hình trở nên phức tạp. Điều này đã kéo giá giảm về vùng 116 USD/thùng trong phiên tối.
Giá có sự phục hồi trở lại vào nửa cuối phiên Mỹ, nhờ lực mua kỹ thuật kết hợp các thông tin từ phía Iran. Việc Nga đòi hỏi được đảm bảo quyền giao dịch thương mại với Tehran ngay cả trong trường hợp chịu cấm vận từ phương Tây khiến cho khả năng đàm phán hạt nhân thành công trở nên mong manh hơn. Trung Quốc cũng đòi hỏi các công ty của mình tại Iran được bảo đảm hoạt động bình thường và làm cho đàm phán trở nên phức tạp.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), nếu tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ khiến cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng và tiếp tục đẩy giá lên cao.
Nông sản diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, toàn bộ các mặt hàng nông sản đều có sự biến động mạnh do ảnh hưởng từ diễn biến của giá dầu thô, và đóng cửa với mức tăng giảm trái chiều.
Giá lúa mì Chicago kỳ hạn tháng 5 tiếp tục có phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp, lên mức 1.294 cents/giạ. Nguồn cung thiếu hụt ở biển Đen đang gây ra những vấn đề bất ổn nghiêm trọng ở các khu vực như Trung Đông hoặc Bắc Phi, khi nguồn lương thực chủ yếu hàng ngày của người dân đều phụ thuộc vào mặt hàng này.
Đối với ngô, một loại ngũ cốc có khả năng thay thế cho lúa mì trong hoạt động sản xuất, cũng tạo gap-up và tăng rất mạnh ngay sau khi thị trường mở cửa trở lại. Tuy nhiên, thông tin về việc chính phủ Ukraine đang tìm cách xuất khẩu ngô qua các nước Đông Âu rồi vận chuyển bằng tàu tại các cảng của khu vực này đã phần nào giúp hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giá sau đó đã giảm mạnh trở lại đến gần 50 cents từ mức cao nhất trong ngày và đóng cửa với mức giảm nhẹ 0,5% so giá tham chiếu.
Mặc dù đà tăng của dầu thô bị thu hẹp trong phiên tối, nhưng mức tăng mạnh hơn 5% của giá dầu cọ vẫn giúp cho giá dầu đậu tương tăng gần 2% trong phiên hôm qua, lên mức 74,22 cents/pound.
Trong khi đó, thời tiết thuận lợi ở Nam Mỹ, cùng với các số liệu giao hàng không mấy tích cực của Mỹ đã khiến giá đậu tương đóng cửa không có sự thay đổi nào đáng kể, bất chấp lực kéo từ dầu đậu tương.
Trên thị trường nội địa, dường như đà tăng mạnh từ giá nông sản thế giới chưa tác động nhiều tới thị trường gia súc, gia cầm của Việt Nam. Cụ thể, giá heo hơi hôm nay vẫn đi ngang ở nhiều tỉnh thành, giảm nhiều nhất khoảng 1.000 đồng/kg.