KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 18/07/2022 - Lượt xem: 130
Giảm tuổi nghỉ hưu, mong muốn thiếu thực tế

Thời gian qua, trong quá trình các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đã xuất hiện không ít ý kiến cho rằng cần phải giảm tuổi nghỉ hưu cho người lao động, chẳng hạn như lao động nam nên được nghỉ hưu trong khoảng từ 55 đến 60 tuổi, còn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là khoảng từ 50 đến 55 tuổi, thậm chí một số người còn cho rằng tuổi nghỉ hưu chỉ nên vào khoảng từ 45 đến 50 tuổi!

Ảnh minh họa.
Trước hết, cần lưu ý rằng, tuổi nghỉ hưu là vấn đề được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội. Trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động gần nhất (năm 2019), việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chính là bước thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, cụ thể là nội dung: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu”. Đây cũng là vấn đề được các tổ chức quốc tế, nhất là Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị thực hiện từ nhiều năm trước đó và đã được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ trước khi quyết định.
Theo quy định tại Bộ luật Lao động, chúng ta mới bắt đầu bước vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (được thực hiện từ năm 2021) để đến năm 2028 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 62 tuổi và đến năm 2035 tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 60 tuổi. Bởi vậy, việc đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu vào thời điểm này, về “hình thức”, đã là không phù hợp.
Xét về “nội dung”, mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu là có thể hiểu bởi người lao động muốn tuổi nghỉ hưu thấp để có thể nhận tiền lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội sớm, nếu tiếp tục làm việc thì có phần thu nhập tăng thêm ngoài lương hưu. Doanh nghiệp thì đa phần không muốn sử dụng người lao động tuổi cao vì năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc không tương xứng với tiền lương họ phải trả mà muốn sử dụng lao động trẻ, khỏe.
Tuy nhiên, cả thực tế cũng như lý luận, việc quy định tuổi nghỉ hưu là bao nhiêu lại không thể phụ thuộc vào ý nguyện cá nhân hay những “ước tính”, suy luận chủ quan, duy ý chí, mà phải được đặt trong bài toán tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân khẩu học; được quyết định trên cơ sở những tính toán, dự báo khoa học về đặc điểm sinh học của nguồn nhân lực, môi trường sống-môi trường lao động, điều kiện kinh tế-xã hội và tài chính của Quỹ Bảo hiểm xã hội… với rất nhiều chỉ tiêu khác nhau.
Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh dân số già hóa diễn ra với tốc độ nhanh, sự thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai và nhất là những sức ép đối với hệ thống hưu trí cũng như vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi… hầu hết các quốc gia đều tăng tuổi nghỉ hưu chứ không lựa chọn phương án ngược lại. Trong đó, một số nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã quy định tuổi nghỉ hưu là 67 tuổi (riêng Australia thông báo sẽ tăng lên 70 tuổi); trong khi 65 là độ tuổi nghỉ hưu của nhiều quốc gia châu Á.
Với những xu hướng tương đồng với thế giới về nhân khẩu học, lao động, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cân đối quỹ hưu trí... có thể nói, việc Việt Nam lựa chọn lộ trình nâng độ tuổi nghỉ hưu như quy định tại Bộ luật Lao động hiện hành không chỉ phù hợp với xu thế chung của quốc tế, mà còn bảo đảm sự phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam cũng như các đặc điểm kinh tế-xã hội khác, hướng tới việc đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong nhiều năm tới.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan