Việc tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần cụ thể hóa chủ trương đã nêu trong Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng là tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Theo Ðề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu lý giải, ngày 8/9 được lựa chọn là Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bởi ngày này gắn liền nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của dân tộc.
Ngày 8/9/1945 là ngày Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phát động phong trào Bình dân học vụ, đồng thời là ngày thành lập Nha Bình dân học vụ. Ngày 8/9/1962, trong bài nói chuyện tại Ðại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Năm 1965, UNESCO chọn ngày 8/9 là Ngày Quốc tế xóa nạn mù chữ.
Công tác bảo tồn, phát huy dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chỉ ra thực tế tiếng Việt vẫn đứng trước nguy cơ mai một do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Tiến trình hội nhập, sự giao thoa văn hóa tác động trực tiếp việc sử dụng tiếng Việt trong mỗi gia đình người Việt Nam ở nước ngoài. Các thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài chưa có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ. Những hạn chế về phương pháp, giáo trình cũng tạo ra những trở ngại trong việc lưu truyền tiếng Việt.
Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với những hoạt động kỷ niệm thiết thực được kỳ vọng góp phần tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, qua đó nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới, nhất là thế hệ trẻ. Các cuộc thi tìm kiếm và phong tặng danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài là sự ghi nhận, khích lệ quý báu đối với các cá nhân, tổ chức luôn tích cực trong phong trào gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt.
Bên cạnh đó, việc Ngày Tôn vinh tiếng Việt chính thức được ra đời cũng tạo động lực thúc đẩy chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở địa phương có đông người Việt Nam sinh sống, đưa tiếng Việt trở thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác tại các địa bàn. Tôn vinh, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa tiếng Việt cũng chính là đẩy mạnh giới thiệu văn hóa, truyền thống, đất nước, con người Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.