An toàn thực phẩm đã, đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội, khi ngày càng có nhiều người mắc các bệnh do ăn phải thực phẩm bẩn, kém chất lượng. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, nhất là các đơn vị chức năng thì tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và diễn biến phức tạp. Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 1713/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân huyện Kim Động (Hưng Yên) đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện, có nhiều chuyển biến rõ nét, cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm. Ban Chỉ đạo huyện có sự tham gia các phòng, ban, ngành liên quan; các thành viên hoạt động trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, gắn với chức năng của phòng, ngành. Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo 389 huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, quyết định thực hiện nhiệm vụ thường xuyên và vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng an toàn thực phẩm, Tết trung thu... Theo thống kê, năm 2020, phòng Y tế, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng tham mưu ban hành 49 văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai chính sách, pháp luật về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; hậu kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được thực hiện theo kế hoạch năm của Ban Chỉ đạo. Định kỳ hàng năm, nhất là vào các đợt cao điểm, Ban Chỉ đạo tổ chức các đợt thanh, kiểm tra liên ngành tại tuyến huyện, xã và các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa bàn. Trong năm vừa qua, Ban Chỉ đạo 389 huyện ban hành 03 quyết định kiểm tra về an toàn thực phẩm, tiến hành kiểm tra 37 cơ sở. Qua kiểm tra, đa số các cơ sở đã thực hiện đúng quy định, cam kết về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện và thực hiện xử phạt 09 cơ sở vi phạm, chuyển hồ sơ của 3 cơ sở sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định. Phòng Y tế chủ trì, phối hợp với phòng, ban, ngành liên quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm, xử lý hiệu quả khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm được triển khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như đài truyền thanh, pano, áp phích, khẩu hiệu… và các hình thức tuyên truyền trực tiếp như hội nghị, tập huấn, hội thảo…, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân. Các phòng Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kinh tế và Hạ tầng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch truyền thông theo nhóm đối tượng: Chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người sử dụng thực phẩm. Năm 2020, huyện đã tổ chức 15 lớp tập huấn sản xuất theo quy trình VietGap, sản xuất theo chuỗi; tổ chức 02 hội nghị phổ biến Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, Đài truyền thanh huyện phối hợp với phòng Y tế, phòng Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng tuyên truyền gần 100 tin, bài về an toàn thực phẩm. Nội dung tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; hướng dẫn người dân cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng; về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, đảm bảo an toàn khi sử dụng rượu; về các mô hình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, như: chăn nuôi an toàn sinh học, trồng rau sạch, nấm sạch, trồng thanh long, trồng cam, bưởi theo hướng VietGap; sản xuất dược liệu sạch …
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm từng bước được triển khai. Hiện nay, huyện đang áp dụng giải quyết thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm ở mức độ 3 và công bố công khai các quy trình, thủ tục hành chính theo quy định. Do đó, việc giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo đúng hạn, không gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân. Năm 2020, huyện đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 04 cơ sở, trong đó cấp mới 03 cơ sở; 03 cơ sở được cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở, sự chung tay vào cuộc của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và toàn thể nhân dân, trong năm vừa qua, trên địa bàn huyện không xảy ra các vụ ngộ độc về an toàn thực phẩm, không có ca tử vong do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện vẫn đối mặt với nhiều thách thức: Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, nhiều chợ cóc, chợ tạm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và không thường xuyên nên việc tiếp cận, tuân thủ, kiểm soát chất lượng đầu ra và truy xuất nguồn gốc gặp khó khăn. Việc kiểm soát, quản lý hóa chất, thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm khó kiểm soát; công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại được thực hiện theo kế hoạch nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế; hoạt động bảo về quyền lợi người tiêu dùng… chưa thực sự được người dân quan tâm.
Trong những năm tiếp theo, huyện Kim Động sẽ thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành huyện và các địa phương về an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến cơ sở. Tăng cường hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm; đẩy mạnh hình thức thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm trên website của cơ quan quản lý và các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công bố hợp quy/công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; rà soát, giám sát việc thực hiện sau cấp phép. Đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức cho đối tượng sản xuất, kinh doanh và đối tượng sử dụng thực phẩm.
HC