KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 10/03/2022 - Lượt xem: 84
Hiểu rõ việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Kết luận cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cuối tuần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh từ 12 đến 17 tuổi tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: HCDC)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục mua sắm vắc-xin và công tác chuẩn bị để triển khai tiêm cho nhóm đối tượng này. Dự kiến trong nửa đầu tháng 3, Bộ Y tế sẽ hoàn thành việc ký hợp đồng với hãng Pfizer mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm cho khoảng 10 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. 
7 triệu liều đầu tiên có thể được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 3 này và 14,9 triệu liều còn lại được giao trong quý II/2022. Ngay sau khi có vắc-xin, Bộ Y tế sẽ triển khai tiêm chủng ngay.
PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhấn mạnh: Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong tiêm vắc-xin cho các nhóm độ tuổi (từ 12 đến 17 tuổi và từ 18 tuổi trở lên), nhưng đối tượng tiêm đợt này nhỏ tuổi hơn, vì vậy, cán bộ y tế cần được tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm. 
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực phía bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho biết, tương tự nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, ở nhóm trẻ nhỏ hơn, vắc-xin phòng Covid-19 sẽ được tiến hành tiêm từ một nhóm nhỏ. Sau khi đánh giá hiệu quả, độ an toàn sẽ tiêm trên diện rộng. Theo kế hoạch, vắc-xin sẽ được tiêm ở lứa tuổi lớn rồi sau đó lùi về lứa tuổi nhỏ hơn. 
Cũng như việc tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, trước khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ và theo dõi trong suốt quá trình tiêm chủng. Trẻ vẫn được tiêm tại y tế cơ sở hoặc trường học như chiến dịch tiêm chủng đã triển khai với nhóm từ 12-17 tuổi; trẻ được theo dõi chặt chẽ sau tiêm, các điểm tiêm bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị y tế để xử lý khi cần thiết…
Đáng chú ý, từ kinh nghiệm tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chiến dịch tiêm chủng tới đây cần sự tham gia của các thầy, cô giáo và ngành giáo dục. Các thầy, cô giáo cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. 
Giáo viên là người cùng theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng. Các thầy, các cô cũng đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức cũng như bảo đảm một lần nữa truyền tải đến cha mẹ học sinh hiểu công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn. 
Ngoài ra, dù tổ chức tiêm ở trường học, nhưng cán bộ tiêm chủng đều là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ. Hiện, một số địa phương đã và đang triển khai tập huấn an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dành cho các đội tiêm, trung tâm y tế quận/huyện.
Nhằm bảo đảm tính an toàn và hiệu quả, mới đây Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer với liều 0,2ml (thay cho liều 0,3ml như trẻ lớn, người lớn). Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn việc giảm liều tiêm này có ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng bảo vệ hay tạo kháng thể cho trẻ? 
Trả lời những băn khoăn đó, TS Phạm Quang Thái khẳng định: Các nhà nghiên cứu đã có nhiều thử nghiệm, quyết định mức liều này để đưa vào cơ thể trẻ một lượng vừa đủ, phù hợp cân nặng, giúp sinh miễn dịch, đồng thời không gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch còn non và khá nhạy cảm của trẻ. 
Chia sẻ với những lo lắng, thậm chí nghi ngại của nhiều cha mẹ về sự an toàn, hiệu quả khi trẻ nhỏ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các chuyên gia nhi khoa, tiêm chủng khẳng định nghi ngại này không có cơ sở khoa học. 
PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ: Sự an toàn của loại vắc-xin này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất và nhiều nước trên thế giới. Sau khi chứng minh được an toàn và hiệu quả, đã có 60 nước chấp thuận, cấp phép vắc-xin này để tiêm cho trẻ em, trong đó có nhiều nước có những tiêu chuẩn rất khắt khe. 
TS Phạm Quang Thái cho biết thêm, ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vắc-xin này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng. Thậm chí các phản ứng này còn thấp hơn so với các vắc-xin thông thường mà chúng ta đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng (như cúm hay sởi, quai bị,…).
Kết quả thăm dò dư luận của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, 78% số người được hỏi cho rằng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là “rất cần thiết, cần tổ chức tiêm càng sớm càng tốt”; 81% số ý kiến “sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19”… Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em giống như tiêm các loại vắc-xin thông thường (ho gà, uốn ván, lao, sởi...).
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan