KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 20/03/2022 - Lượt xem: 125
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc

Bộ Công Thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại được ổn định.

Ho tro doanh nghiep day nhanh dang ky ma so xuat khau sang Trung Quoc hinh anh 1
Xe chở hoa quả vào bến bãi thuộc cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Lệnh số 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đặc biệt việc chậm cấp mã số với nhóm mặt hàng do Bộ Công Thương quản lý đăng ký, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp cùng với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại số doanh nghiệp và sản phẩm đã đề xuất với Hải quan Trung Quốc nhưng chưa được phê duyệt, cấp mã số.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại song phương được duy trì ổn định. 
Mặt khác, Bộ cũng phản ánh kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đăng ký để phản ánh tới phía cơ quan chức năng phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phổ biến tới địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh 248 của Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, Lệnh 248 của Cơ quan Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ 1/1/2022 ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã và đang có nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. B
Bởi vậy, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đang đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp sớm đăng ký mã số xuất khẩu sang thị trường này.
Lệnh 248 quy định rõ, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với hải quan Trung Quốc.
Cụ thể, nhóm 1 với 19 nhóm mặt hàng gồm thịt và các sản phẩm thịt; sản phẩm thủy sản; sản phẩm từ sữa; yến sào và sản phẩm từ tổ yến; ruột động vật dùng làm vỏ xúc xích; sản phẩm từ ong; trứng và các sản phẩm trứng; dầu thực phẩm và nguyên liệu; bánh có nhân các loại; ngũ cốc dùng làm thực phẩm; sản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; các loại rau tươi, rau tách nước (rau khô, rau sấy) và đậu khô; gia vị nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; hạt càphê và cacao chưa rang; trái cây cấp đông, bảo quản lạnh; thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng. Doanh nghiệp thuộc nhóm này phải đăng ký mã số thông qua các cơ quan quản lý nhà nước.
Nhóm 2 gồm thực phẩm ngoài 18 mặt hàng thuộc nhóm 1 đăng ký trực tiếp với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Trong số 19 mặt hàng thuộc diện doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước, có 3 mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách gồm: dầu thực phẩm và nguyên liệu; dản phẩm bột ngũ cốc và mạch nha; bánh có nhân các loại. 
Đối với 2 nhóm sản phẩm gồm thực phẩm ăn kiêng đặc biệt; thực phẩm chức năng thuộc lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách; nhóm sản phẩm còn lại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phụ trách.
Ho tro doanh nghiep day nhanh dang ky ma so xuat khau sang Trung Quoc hinh anh 2
Xe ôtô chở vải tươi qua Cửa khẩu Kim Thành xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Nhận định về Lệnh 248, Bộ Công Thương cho hay điều này không quá mới đối với Bộ Công Thương và một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, với không ít doanh nghiệp nó lại là trở ngại. Vì thế, thời gian qua, các bộ, ngành đã nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất hiểu và nắm rõ quy định từ Lệnh 248.
Hơn nữa, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công Thương đã xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo với Lệnh 248.
Theo đó, đối với doanh nghiệp đăng ký với cơ quan hải quan Trung Quốc thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thời điểm trước 31/10/2022, doanh nghiệp đăng ký chỉ cần gửi cho cơ quan chức năng đăng ký kinh doanh và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương sẽ đưa vào danh sách và gửi cho Hải quan Trung Quốc.
Bộ Công Thương cho biết thêm, từ 1/11/2021, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải thông qua 6 bước. 
Cụ thể, doanh nghiệp xác định cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; doanh nghiệp đăng ký thông tin với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam; cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải đến kiểm tra doanh nghiệp, rà soát, đối chiếu thông tin của doanh nghiệp, hiệu lực đăng ký; cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam gửi danh sách doanh nghiệp và tài liệu liên quan tới Hải quan Trung Quốc thông qua đường ngoại giao; Hải quan Trung Quốc tiến hành rà soát đối chiếu, tiếp nhận đăng ký sau đó cung cấp mã số tới cơ quan thẩm quyền hoặc doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp dựa vào mã số do Hải quan Trung Quốc cấp để in ấn bao bì, nhãn mác của sản phẩm.
Đối với doanh nghiệp tự đăng ký trực tuyến (online) với cơ quan Hải Quan Trung Quốc sẽ thực hiện theo 7 bước tại đường link www.singlewindow.cn sau đó hoàn thiện các yêu cầu.
Tuy nhiên, việc tự đăng ký online với cơ quan Hải quan Trung Quốc là việc khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi trên trang web này mới có tiếng Anh và tiếng Trung. 
Hiện tại, thông tin trên trang web này bằng tiếng Trung được hướng dẫn rất cụ thể cho doanh nghiệp, tuy nhiên, thông tin hướng dẫn bằng tiếng Anh thì còn rất ít.
Đánh giá từ chuyên gia thương mại, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, đây cũng là thị trường quan trọng bậc nhất của Việt Nam đối với riêng mặt hàng nông sản và thực phẩm. 
Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 tỷ USD nông sản sang thị trường Trung Quốc, trong tổng số khoảng gần 50 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới. Bởi vậy, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường Trung Quốc cũng khiến cho người nông dân, doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.
Chính vì thế, ngay khi nhận được thông tin về Lệnh 248 của Hải quan Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng đã thông qua nhiều kênh đề nghị phía Trung Quốc lùi thời hạn hoặc có thời gian quá độ để cho các doanh nghiệp chuẩn bị do thời hạn thực thi quá gấp, tuy nhiên, phía Trung Quốc không có động thái.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận các thị trường trong đó có thị trường Trung Quốc. 
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 7/3, cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp 1.853 mã số cho doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, vẫn còn một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành. Hơn nữa, việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan