Đồng hành với doanh nghiệp
Nếu ví nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 giống như con người vừa trải qua cơn bạo bệnh thì các gói hỗ trợ của Nhà nước giống như một liều thuốc bổ đặc trị giúp người bệnh phục hồi sức khỏe. Đây cũng chính là động lực để nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng sau những giai đoạn gần như “đóng băng” nhiều hoạt động. Sau nhiều gói chính sách hỗ trợ từ năm 2020 đến 2021, thì ngay đầu năm 2022, Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua nhằm phục vụ cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây được xem là chính sách tài khóa với ngân sách lớn chưa từng có trong tiền lệ lên tới khoảng 350 nghìn tỷ đồng (tương đương 4% GDP của cả nước).
Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để làm “kim chỉ nam” hành động cho chương trình này. Hành động kịp thời này của Quốc hội và Chính phủ đã cơ bản đáp ứng mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên. Đến thời điểm này, chương trình mới được triển khai khoảng hơn hai tháng, trong đó một số chính sách lập tức được đưa vào thực tế, nhiều đối tượng thụ hưởng đã nhận được hỗ trợ.
Đáng chú ý nhất trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng là chính sách miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất với gần 50 nghìn tỷ đồng được hỗ trợ thông qua giảm 2% thuế VAT sẽ giúp vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cùng với đó là khoảng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho việc cấp bù lãi suất cho vay 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh. Việc cấp bù lãi suất này hiện chưa được đưa vào thực tế mà đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lấy ý kiến, phấn đấu là sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng 3 này.
Ngoài ra, còn nhiều chính sách hỗ trợ khác đang được thực hiện như: giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô-tô lắp ráp, sản xuất trong nước từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay so mức hiện hành trong năm 2022 xuống chỉ còn 1.500 đồng/lít. Theo tính toán, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất ô-tô tăng sản lượng bán hàng lên đáng kể, kích thích mua sắm, còn với doanh nghiệp hàng không sẽ tiết kiệm được khoảng 1.600 tỷ đồng. Đây là nguồn lực không nhỏ để vực dậy các doanh nghiệp sau một khoảng thời gian “chật vật” vì dịch bệnh. Cùng với đó là chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế hiện đang được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và sẽ sớm trình Chính phủ ban hành nghị định. Hai chính sách này đang là mong mỏi của hàng triệu hộ kinh doanh và hàng trăm nghìn doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế PGS, TS Ngô Trí Long, những gói hỗ trợ tài khóa trong hơn hai năm qua đã đi vào cuộc sống khi trên thực tế có thể thấy, nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với thu ngân sách nhà nước được cải thiện do doanh nghiệp phục hồi, có đóng góp vào nguồn thu. Có rất nhiều doanh nghiệp đều ghi nhận những quyết sách đúng đắn, nhanh chóng của Chính phủ, Quốc hội về các gói hỗ trợ.
Trong đó, các nhóm giải pháp về thuế, phí, tiền thuê đất được doanh nghiệp đánh giá cao vì dễ tiếp cận, thiết thực trong hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Song, các chính sách hỗ trợ về tài khóa chỉ góp phần giúp các doanh nghiệp tăng khả năng chống chọi tại một thời điểm chứ không thể vực dậy thay doanh nghiệp, nên về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ phi tài chính, cải cách thể chế hiệu quả để giúp gia tăng năng lực nội tại của chính bản thân các doanh nghiệp và khả năng tự phục hồi của nền kinh tế.
Tạo đà phục hồi cho nền kinh tế
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2021, có gần 116,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1,6 triệu tỷ đồng. Tuy có giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký so với năm trước, nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có những tác động tiêu cực trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu phục hồi với tổng vốn đăng ký đạt hơn 31 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2020) đã cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Song cũng có tới gần 55 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 18% so với năm trước); 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,8%). Điều này đã cho thấy tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bào mòn sức lực của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sự thanh lọc mạnh mẽ đang diễn ra, khi những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ, qua đó giúp cơ cấu lại nền kinh tế, làm trong sạch môi trường kinh doanh và là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhận định, năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức, do đó cần có những giải pháp căn cơ, sát thực tiễn nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra trong năm 2022 với chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5%. Do đó, để đạt được mục tiêu nêu trên, việc cải cách phải thể chế, môi trường kinh doanh cần đi vào thực chất hơn nhằm bảo đảm yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Nhưng để các chính sách đi vào thực tiễn, có hiệu quả hơn thì Chính phủ, các cơ quan liên quan cần chủ động và thường xuyên tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh các hành động cải cách cụ thể thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phải được mở rộng hơn nữa đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng. Mặt khác, phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các gói vay lãi suất thấp (trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng) để doanh nghiệp có nguồn tiền trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Có như vậy, việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh mới thật sự thông thoáng và thuận lợi cùng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả mới có thể giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.
Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh bình thường mới, đòi hỏi cấp bách việc nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc điều chỉnh chỉ đạo linh hoạt, thích ứng phù hợp tình hình thực tế, tạo hành lang thông thoáng cho doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt, phải có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, cần rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường để hướng tới thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Khi đó, với những chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả cùng một thể chế được cải cách mạnh mẽ mới có thể khơi dậy tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, tạo đà phục hồi mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Nguồn: https://nhandan.vn