Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Qua đó, góp phần quan trọng tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản của tỉnh.
Mô hình tưới nhỏ giọt tự động tại HTX sản xuất, cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát ( Phù Cừ)
Tại lớp tập huấn do Hội Nông dân thành phố Hưng Yên phối hợp với Bưu điện thành phố tổ chức, ông Bùi Xuân Sử ở xã Hồng Nam cho biết: Qua lớp tập huấn, hội viên nông dân chúng tôi được nghe hướng dẫn tải, đăng ký và sử dụng app mobile postmart tạo tài khoản mua và nâng cấp tài khoản bán hàng; quy trình xử lý đơn hàng - thanh toán - đổi trả - xử lý khiếu nại... Qua đó, chúng tôi đã nắm được những kiến thức, kỹ năng cơ bản để đưa thông tin và bán sản phẩm của mình trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Việc tiếp cận chuyển đổi số giúp nông dân nắm được phương thức kinh doanh mới, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập.
Đồng chí Đào Đức Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hưng Yên cho biết: Để hội viên tiếp cận gần hơn với chuyển đổi số, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hội viên dần thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy, tham gia tiến trình chuyển đổi số với phương thức phù hợp, mang lại hiệu quả cao hơn. Từ lâu, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng camera theo dõi vườn cây, chuồng trại; ứng dụng công nghệ trong vận hành hệ thống tưới nước, bón phân tiên tiến có kết nối với điện thoại thông minh và tham gia một số trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử để giới thiệu, bán nông sản của gia đình…
Là một trong những hộ nông dân đi đầu và ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số, ông Lưu Văn Dũng ở xã Quang Hưng (Phù Cừ) đã xây dựng được mô hình nuôi cá giống và cá thương phẩm có diện tích gần 8,5ha. Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá, ông Dũng đã xây dựng bờ ao kiên cố; hệ thống cấp, thoát nước được đầu tư đồng bộ có lắp đặt thiết bị cảm biến, quan trắc môi trường ao nuôi, hệ thống điều khiển các thiết bị từ xa được kết nối với máy tính, điện thoại thông minh thông qua phần mềm chuyên dụng đã lập trình sẵn để kiểm soát, tùy chỉnh thời gian, tần suất để cho cá ăn tự động, sục khí và tưới vi sinh. Ông Lưu Văn Dũng cho biết: Tôi được Hội Nông dân và các cấp, ngành tạo điều kiện tham gia tập huấn về chuyển đổi số, tham quan trực tiếp sàn giao dịch thương mại điện tử để về ứng dụng vào mô hình của gia đình. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, dù không trực tiếp đến ao nuôi, tôi vẫn có thể cho cá ăn, sục khí và biết được các chỉ số môi trường nước, từ đó điều chỉnh phù hợp để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cá; kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả nuôi. Hiện nay, cá của tôi đã được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử sendo.vn và một số siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể với sản lượng mỗi năm từ 100 đến 150 tấn cá giống, hơn 50 tấn cá thịt, thu lãi 1,5 - 2 tỷ đồng.
Hợp tác xã cây ăn quả xã Minh Châu (Yên Mỹ) có 15 thành viên, canh tác trên diện tích khoảng 20ha, chủ yếu trồng bưởi, cam Canh, cam Vinh và ổi. Ông Phan Văn Thức, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã đã nhận được nhiều hỗ trợ từ Hội Nông dân, ngành chức năng và địa phương như: Hỗ trợ một số thiết bị làm việc, đường ống nước để tưới tiêu và một phần giá phân bón; hướng dẫn đăng bán, quảng bá sản phẩm rộng rãi trên các trang mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử… nên được đông đảo người tiêu dùng biết đến, tạo nguồn thu nhập ổn định, trung bình mỗi thành viên thu lãi 200 - 300 triệu đồng/năm.
Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, hiệu quả khi tham gia chuyển đổi số; giới thiệu về sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu đơn vị cung cấp nền tảng chuyển đổi số để các hợp tác xã, hội viên chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp trong trồng trọt, chăn nuôi. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về mục tiêu đặt ra trong năm 2022, các đơn vị phối hợp triển khai rà soát, thu thập thông tin của tối thiểu 10 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật giới thiệu, bán sản phẩm và mở tài khoản mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của 2 bên. Bên cạnh đó, tổ chức hội tín chấp từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hơn 85 tỷ đồng và từ tổ chức ngân hàng hơn 3 nghìn tỷ đồng cho hội viên vay phát triển kinh tế; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thu hút 86.647 hộ đăng ký đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2022. Hộ sản xuất, kinh doanh giỏi là nhân tố tiền đề dẫn dắt hội viên cùng bước vào công cuộc chuyển đổi số.
Từ việc tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của hội viên nông dân đã được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao với năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. Nhiều nông sản của tỉnh được giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ rộng rãi, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Nguồn: https://baohungyen.vn/