KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 17/08/2021 - Lượt xem: 81
Hoa, rau màu khó tiêu thụ do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 hiện diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế người dân ra khỏi nhà. Do vậy, việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn khiến việc tiêu thụ một số loại nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh thêm khó. Người dân trồng rau, hoa, cây cảnh “đứng ngồi không yên”.

Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) chăm sóc hoa, cây cảnh
Thời điểm này, huyện Văn Giang có 2 xã Xuân Quan và Phụng Công tập trung sản xuất các loại hoa, cây cảnh trang trí với hàng chục triệu bịch hoa, chậu hoa các loại. Những năm trước, thời điểm này, các cánh đồng hoa ngoài bãi tất bật người thu mua, vận chuyển hoa mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các vườn hoa khoe sắc, đủ chủng loại vẫn vắng bóng người mua. Chị Nguyễn Thị Thơm, thôn 3, xã Xuân Quan cho biết: Gia đình tôi có 2 mẫu trồng các loại hoa trang trí theo mùa. Thời điểm này, vườn nhà hiện có trên 2 nghìn bịch hoa dừa cạn, mười giờ, hoa giấy… đến thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái thu mua. Để bảo đảm diện tích đất sản xuất vụ hoa Tết, gia đình tôi phải phá bỏ diện tích hoa mười giờ, dừa cạn, tiếp tục chăm sóc và cắt tỉa hoa giấy để chờ bán dịp khác. Vụ hoa này, gia đình tôi lỗ trên 50 triệu đồng tiền hạt giống và hiện phải duy trì nhân công chăm sóc, chi phí tiền điện bơm tưới, phân bón, tiền thuê vườn khoảng 20 triệu đồng/tháng. 

Đồng chí Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang cho biết: Các loại hoa trang trí trên địa bàn huyện chủ yếu được trồng theo mùa và được xuất bán sau 3-4 tháng gieo trồng. Do đó, các loại hoa trang trí đến thời điểm xuất bán mà không có thương lái tới thu mua sẽ phải nhổ bỏ, dọn vườn để chuẩn bị trồng vụ hoa Tết. Mặc dù ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình nhưng các nhà vườn trên địa bàn huyện cơ bản chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương trồng hoa, cây cảnh kiểm soát chặt người ra vào địa bàn…

Xã Yên Phú (Yên Mỹ) hiện có trên 300 ha trồng rau màu các loại. Sản xuất rau màu là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ nông dân nơi đây. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều diện tích rau đến thời kỳ thu hoạch nhưng đã quá lứa do không có thương lái tới thu mua, thị trường tiêu thụ hạn chế. 

Đầu tháng 8, chúng tôi bắt gặp nhiều ruộng rau ăn lá của người dân xã Yên Phú như: Rau cải, rau muống… đến kỳ thu hoạch mà không được cắt bán, một số ruộng rau quá lứa đã chuyển sang màu vàng. Bà Phạm Thị Lan, người dân thôn Mễ Hạ cho biết: Những năm trước, thời điểm này, gia đình tôi trồng nhiều loại rau, đặc biệt là những giống rau ngắn ngày, vừa dễ tiêu thụ lại được giá. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giao thông đi lại khó khăn, một số chợ đầu mối nông sản đóng cửa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhiều luống rau cải, rau muống đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng khó bán. Mọi năm, với 1 sào trồng rau gia đình tôi thu 7 - 8 triệu đồng/lứa, năm nay chỉ thu được 2 - 3 triệu đồng/lứa.

Tình trạng rau đến thời kỳ thu hoạch không có người mua phải cắt bỏ hoặc để đất trống chuẩn bị sản xuất vụ đông xảy ra ở nhiều địa phương có truyền thống trồng rau màu trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Quốc Vượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Bình Minh, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Hàng năm, HTX sản xuất và tiêu thụ 13 - 15 tấn rau, với doanh thu trên 3 tỷ đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng rau xuất bán của HTX giảm 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước. Những ngày này, thành viên của HTX chỉ sản xuất, thu hoạch cầm chừng. HTX hiện có hơn 1ha đất để trống chờ sản xuất vụ đông. 

Theo đánh giá của các hộ trồng rau, hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, vụ hè – thu năm nay, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên các loại rau, hoa, cây cảnh phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Mặt khác, giá rau, hoa giống tăng 20% so với năm trước, phân bón, thuốc trừ sâu giá tăng cao. Khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn trong khi giá các loại rau màu giảm khiến các hộ dân sản xuất rau, hoa, cây cảnh không có lãi, thậm chí lỗ...

Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng vật tư nông nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào cho người dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn khép kín… nhằm góp phần bảo đảm giá, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời gian tới.
Nguồn: http://baohungyen.vn/
Tin liên quan