|
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Tham luận của các nhà khoa học và đại biểu tại cuộc hội thảo tập trung vào 3 nội dung: Lịch sử văn hóa huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích của khởi nghĩa Bãi Sậy và Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật; những vấn đề về phạm vi, căn cứ địa, phương pháp tác chiến, nghệ thuật quân sự và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy; thân thế và sự nghiệp của người anh hùng Nguyễn Thiện Thuật và những đóng góp to lớn của ông đối với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy trong hành trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc…
Nguyễn Thiện Thuật (1844 – 1926) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Xuân Dục (Mỹ Hào). Ông đỗ Đình nguyên Tiến sỹ, làm đến chức Tán tương quân vụ tỉnh dưới triều Nguyễn. Ông làm quan thanh liêm, công minh và có tài cai trị.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai, nhà Nguyễn đầu hàng, nhưng ông kháng lệnh triều đình, quyết tâm đánh Pháp. Ông tiếp quản lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy từ Đinh Gia Quế và phát triển cuộc khởi nghĩa từ phạm vi một vài huyện mở rộng ra liên tỉnh, liên vùng và có ảnh hưởng sâu rộng tới các cuộc khởi nghĩa cùng thời ở Bắc kỳ và cả nước. Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lĩnh, sỹ phu và tinh thần đoàn kết của nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, sẵn sàng hi sinh quyết tâm đánh thực dân Pháp, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Duy Hưng khẳng định: Những giá trị của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và đóng góp của Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật mãi là trang sử hào hùng, góp phần bồi đắp cho tâm hồn, nhân cách của người dân quê hương Hưng Yên. Thông qua hội thảo, giúp địa phương và cơ quan chức năng đề ra được định hướng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của các di tích gắn với khu tưởng niệm Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, góp phần làm cho quê hương Mỹ Hào và tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Theo Báo Hưng Yên