KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 13/09/2021 - Lượt xem: 96
Hưng Yên: Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nhằm cung cấp nguồn gen phong phú để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững sản xuất cây nhãn, vải của tỉnh; góp phần bảo vệ môi trường, gìn giữ các nét văn hóa, truyền thống, tri thức bản địa và cung cấp vật liệu cho các chương trình chọn tạo giống và nghiên cứu khoa học.

Cây nhãn cùi cổ được bảo tồn tại gia đình bà Trần Thị Bắc, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)
Trên địa bàn tỉnh có nhiều giống nhãn đặc sản nổi tiếng như: PHM99-1.1 (Nhãn chín muộn Khoái Châu), PHM99-2.1 (nhãn Hương Chi), các giống nhãn chín muộn (HTM1, HTM2 HTM6) nhãn đường phèn... Cùng với đó, cây vải của tỉnh, đặc biệt là giống vải trứng Hưng Yên có nhiều đặc trưng, thế mạnh riêng so với nhiều giống vải khác như: Chín sớm hơn so với đại trà từ 5 - 10 ngày, kích thước quả lớn (18 - 20 quả/kg), quả khi chín có cùi dày, ráo vỏ, vị ngọt thanh và có mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. 

Trong số 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất trên địa bàn tỉnh, có trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Mỗi hộ gia đình thường trồng từ 3 - 4 nguồn gen nhãn, tuy nhiên có nhiều hộ trồng 20 nguồn gen nhãn. Số lượng cá thể của các nguồn gen này cũng rất khác nhau, các giống nhãn: PHM 99-1.1 và PHM 99-2.1 được trồng với số lượng lớn nhất, chiếm hơn 80%. Các giống vải được trồng trên địa bàn tỉnh có 3 giống chính gồm: Vải lai Hưng Yên, vải trứng Hưng Yên và vải thiều Hải Dương.

Mặc dù nguồn giống nhãn, vải của tỉnh khá phong phú, tuy nhiên việc khai thác bảo tồn và phát triển các giống nhãn, vải đặc sản còn nhiều hạn chế. Nhiều giống nhãn, vải đặc sản, quý hiếm của tỉnh như: Nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ, vải trứng Hưng Yên... đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt do việc bảo tồn, khai thác và phát triển những loại cây này chưa được quan tâm đúng mức; việc khai thác sử dụng nguồn gen nhãn, vải còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá cả biến động…

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải, đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 31.12.2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án đến năm 2025, cơ bản bảo đảm nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá; xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải. Xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh. Tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống nhãn đặc sản, có giá trị kinh tế cao, trong đó mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ 15 - 20% diện tích nhãn của tỉnh. Đến năm 2025, phát triển mở rộng diện tích trồng vải trứng Hưng Yên đạt từ 1.400 – 1.500 ha, trồng tập trung chủ yếu ở huyện Phù Cừ và một số xã phía nam thuộc huyện Ân Thi. Giai đoạn 2026 – 2030, tiếp tục duy trì các hoạt động bảo tồn nguồn gen nhãn, vải của tỉnh; chăm sóc, khai thác hiệu quả vườn cây bảo tồn bảo đảm đủ nguồn cung cấp giống nhãn, vải phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như cải tạo chất lượng nhãn, vải của tỉnh. 
Khuôn viên bảo tồn cây vải tổ tại thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ)
Thực hiện Đề án, trong năm 2020 và qua 8 tháng của năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thành xây dựng khuôn viên bảo tồn cây vải tổ tại thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam (Phù Cừ). Hoàn thiện cơ sở giữ liệu và xây dựng bản đồ phân bố nguồn gen nhãn, vải của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, quản lý, bảo tồn và phát triển 45 nguồn gen nhãn, 5 nguồn gen vải để lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ bảo tồn nguyên trạng theo định mức cho các hộ là chủ sở hữu các cây nhãn, vải trong danh mục bảo tồn; đồng thời hướng dẫn các hộ biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và khai thác các cây bảo tồn. Cấp kinh phí cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh mua phân bón, vật tư để chăm sóc 1ha bảo tồn chuyển vị đối với 250 cây nhãn và 50 cây vải. Ngoài ra, Sở đã chỉ đạo xây dựng mô hình thâm canh nhãn với diện tích 2,5ha tại các xã Hồng Nam, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) và 0,5ha vải tại xã Đa Lộc (Ân Thi). Dự kiến đến hết năm 2021, tổ chức hỗ trợ trồng mới, ghép cải tạo vải trứng, các giống nhãn đặc sản với diện tích 65ha nhãn, 90ha vải. 

Đánh giá hiệu quả việc triển khai đề án, đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Đề án triển khai sẽ có những hiệu quả tích cực như tạo ra nguồn cung cấp giống tốt, ổn định phục vụ công tác phát triển trồng mới, cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhãn, vải của tỉnh; hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm có thương hiệu, giá trị kinh tế, tính cạnh tranh cao và phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đề án nhằm tạo điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, vườn trại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương. 
Nguồn: http://baohungyen.vn/
 
Tin liên quan