Cùng với sự phát triển của ngành Tuyên giáo cả nước trong suốt 91 năm qua (1930-2021), ngành Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên với 74 năm thành lập và phát triển (1947-2021), đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong công cuộc đổi mới, công tác tuyên giáo của Đảng luôn chủ động “đi trước”, “mở đường”, phát huy, làm tốt vai trò trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; tuyên truyền kịp thời, hiệu quả chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Tham mưu với các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao tư tưởng chính trị, trình độ dân trí; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; phát triển lý luận trên cơ sở tổng kết thực tiễn; đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; các quy định, quyết định, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, những năm qua, tổ chức bộ máy của ngành Tuyên giáo tỉnh đã được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức gắn với từng vị trí việc làm theo quy định. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo tỉnh Hưng Yên hiện có tổng số 558 đồng chí, làm việc từ ban tuyên giáo cấp tỉnh đến cơ sở. Cụ thể: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 28 cán bộ, công chức (giảm 4 biên chế); 5 phòng chuyên môn (giảm 2 phòng), mỗi phòng gồm: trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng và các chuyên viên. 13 ban tuyên giáo cấp huyện và tương đương với 54 đồng chí; 10/10 đồng chí trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, thị ủy, thành ủy là ủy viên ban thường vụ, kiêm giám đốc trung tâm chính trị các huyện, thị xã, thành phố. 161 ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn với 476 đồng chí. Về chuyên môn: cấp tỉnh trình độ từ thạc sỹ trở lên trên 42,8%, đại học 53,6%; cấp huyện trình độ từ đại học trở lên 100%; cấp cơ sở trình độ từ đại học trở lên 62,6%... Về lý luận chính trị: cấp tỉnh trình độ cao cấp 57,1%, trung cấp 21,4%; cấp huyện trình độ cao cấp trên 66,6%, trung cấp gần 26%; cấp cơ sở trình độ từ trung cấp trở lên gần 78%...
Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ cán bộ tuyên giáo Hưng Yên đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mặt công tác tuyên giáo, góp phần quan trọng vào việc tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020; góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chú trọng nhiệm vụ tham mưu sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; các chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các chuyên đề hằng năm, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 6 khóa XII của Đảng; cụ thể hóa nhiều giải pháp thiết thực, tiếp tục nâng cao hiệu quả học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hoạt động thông tin, tuyên truyền các sự kiện lớn, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, dư luận của cán bộ, đảng viên, nhân dân được tăng cường; việc chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí, văn hóa - văn nghệ được đảm bảo thường xuyên; công tác giáo dục lý luận chính trị được đẩy mạnh; công tác phối hợp với các sở, ngành khối khoa giáo, các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp được duy trì nền nếp, đạt hiệu quả. Với kết quả đạt được, ngành Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên đã có nhiều lượt tập thể, cá nhân được Trung ương, các cấp ủy, chính quyền biểu dương, khen thưởng; nhiều đồng chí cán bộ được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo”, kỷ niệm chương của các ngành, đoàn thể…
Hiện nay, công tác tuyên giáo đang đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, những vấn đề mới đặt ra trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trên thế giới, tình hình chính trị, an ninh quốc gia, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự tác động nhiều chiều của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ Tư, mặt trái của cơ chế thị trường; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi... tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi cấp thiết với ngành Tuyên giáo của Đảng nói chung, của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nói riêng phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Một trong những yếu tố có tính chất quyết định, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng; có năng lực, bản lĩnh chính trị, tư tưởng vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; có tinh thần kỷ luật, tâm huyết với nghề; phải chủ động, sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học, gắn bó cơ sở, có kiến thức phong phú trên các lĩnh vực; phải làm chủ được khoa học, công nghệ, đi đầu trong việc chuyển đổi số. Do đó, để xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh sâu về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thời gian tới đòi hỏi các cấp ủy đảng, ban tuyên giáo các cấp tỉnh Hưng Yên cần chú trọng, quan tâm thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị phù hợp vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Hai là, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo cả về tư tưởng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; có tư duy nhạy bén trong tham mưu, giỏi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cơ cấu đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở bảo đảm sự thống nhất, sự tiếp nối liên tục giữa các thế hệ. Xây dựng cơ chế, môi trường thuận lợi để cán bộ tuyên giáo phát huy năng lực, sở trường; quan tâm công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển để cán bộ tuyên giáo được rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn.
Ba là, thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng; kỹ năng nói, viết, nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng tư tưởng nhân dân và dư luận xã hội. Tích cực nghiên cứu, học hỏi, nâng cao trình độ ngoại ngữ, làm chủ công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ công tác tuyên giáo, nhất là trong tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, nhân rộng gương người tốt, việc tốt; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.
Bốn là, quan tâm các chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là đội ngũ cán bộ tuyên giáo ở cơ sở; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhiệm vụ tuyên giáo trong tình hình mới; nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, say mê nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo; đồng thời, thu hút được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi vào ngành Tuyên giáo của Đảng.
Ngọc Tú