Thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá XII) về ban hành "Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nối cộm, Nhân dân quan tâm", trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt kết quả tích cực.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới
Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW của BCH TW (khóa XII), Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước cùng cấp xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp hằng năm; triển khai việc quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế và kế hoạch, chương trình phối hợp theo yêu cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện tổ chức triển khai Quyết định trên phạm vi toàn tỉnh. Các địa phương, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tham mưu cấp ủy nội dung chương trình phối hợp. Theo đó Ban Tuyên giáo các cấp là đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan Nhà nước cùng cấp xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức ký kết chương trình phối hợp trong việc tuyên truyền thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm tại địa phương, đơn vị.
Thực hiện đúng nội dung Quyết định, hàng năm, các đơn vị đề xuất nội dung, căn cứ Chương trình phối hợp chủ động cung cấp thông tin với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về các nội dung có liên quan của ngành để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, dư luận xã hội, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc... HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, hội chủ động đề xuất với Ban Tuyên giáo tham mưu phương án thông tin, truyền thông về việc xử lý, giải quyết vụ việc, vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; chủ động cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên về kế hoạch triển khai, thực hiện những dự án, đề án, chương trình trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có tác động trực tiếp đến tư tưởng, đời sống của Nhân dân; phối hợp xây dựng tài liệu tuyên truyền, chủ động nắm bắt dư luận xã hội, giải quyết những vấn đề nhân dân phản ánh, đồng thời cung cấp thông tin kết quả giải quyết, xử lý các vụ việc, vấn đề nổi cộm… Ban Tuyên giáo thường xuyên định hướng thông tin, hướng dẫn các cơ quan truyền thông và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền các nội dung và kết quả thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước kịp thời, đúng quy định; công tác chỉ đạo tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; bám sát định hướng, thường xuyên đăng tải các thông tin về phát triển kinh tế, xã hội nhằm thu hút đầu tư và tránh những tin, bài phản ánh sai sự thật, không đúng tinh thần của các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh.
Sau 3 năm thực hiện Quy chế phối hợp, đã có 65 lượt cơ quan, đơn vị phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tuyên truyền và cung cấp thông tin tuyên truyền. Các nội dung phối hợp tuyền truyền chú trọng vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trên từng lĩnh vực, từng thời điểm để tập trung tuyên truyền theo phương châm đồng bộ, hiệu quả, thiết thực, có tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực cụ thể bằng các hình thức phối hợp tuyên truyền đa dạng, phong phú, như: đăng tải tin, bài trên Bản tin Thông báo nội bộ, Trang Thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, mời báo cáo viên Trung ương hoặc cử báo cáo viên có hiểu biết sâu về lĩnh vực đến tuyên truyền tại Hội nghị BCV, hội nghị giao ban báo chí…do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Công tác nắm bắt tình hình dư luận xã hội được quan tâm, chú trọng trong toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 276 cộng tác viên dư luận xã hội, trong đó, cấp tỉnh là 33 đồng chí; cấp huyện và tương đương là 243 đồng chí. Đa số các đồng chí cộng tác viên hoạt động tích cực, chủ động nắm bắt, cập nhật và phản ánh kịp thời, chân thực tình hình tư tưởng, dư luận ở các địa phương, đơn vị. Thông qua việc nắm tình hình dư luận xã hội ở các cấp, các địa phương trên địa bàn, Ban Tuyên giáo thường xuyên tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy những vấn đề thuận lợi, khó khăn, có tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân… đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy biện pháp giải quyết. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2021-2022) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nhận được 2.750 báo cáo của đội ngũ cộng tác viên và của Ban Tuyên giáo cấp huyện và tương đương. Trên cơ sở đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng được trên 50 báo cáo gửi cấp trên theo quy định. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Báo cáo viên và công tác Dư luận xã hội cho hơn 400 đồng chí là Báo cáo viên và cộng tác viên Dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp cơ sở trong tỉnh; đã tổ chức 02 cuộc điều tra, khảo sát, thăm dò dư luận xã hội với tổng số 3.400 phiếu: (1), khảo sát, thăm dò dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX đến nay”. (2), khảo sát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của báo cáo viên cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua khảo sát đã giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nắm bắt được nhận thức của cán bộ, đảng viên, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh… để từ đó có những quyết sách đúng đắn trong công tác chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; nắm được thực trạng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, để có hướng chỉ đạo hoạt động và xây dựng đội ngũ báo cáo viên cấp ủy thuộc đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã tập trung giải quyết, khắc phục được một số vấn đề trọng tâm, gây bức xúc kéo dài trên địa bàn tỉnh thời gian qua, như tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp và khu vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm xử lý giảm thiểu ô nhiễm; giải quyết, xử lý vi phạm Kế hoạch 93A của UBND tỉnh về xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang giao thông, công trình thủy lợi... Đồng thời, công tác vận động giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh như các khu, cụm công nghiệp, các dự án đô thị, nhà ở, dự án hạ tầng giao thông như đường vành đai 4- vùng thủ đô Hà Nội, đường Tân Phúc - Võng Phan, đường 379 B kéo dài…đang được triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả…
Tuy nhiên, thời gian qua một số địa phương, đơn vị vẫn chưa thực sự chú trọng việc triển khai thực hiện các nội dung Quy chế; công tác phối hợp chưa chặt chẽ, liên tục; một số đơn vị chưa chủ động phối hợp đề xuất nội dung, chưa kịp thời cung cấp thông tin cho ban tuyên giáo cùng cấp định hướng tuyên truyền khi có vấn đề phát sinh; Hình thức phối hợp tuyên truyền ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đa dạng, phong phú, nội dung tuyên truyền chưa sâu; việc nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân có lúc, có việc chưa kịp thời; công tác tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm ở một số vụ, việc còn chậm; Việc định hướng thông tin, dự báo một số vụ việc, vấn đề phức tạp, nhạy cảm có lúc, có việc chưa kịp thời, chính xác; công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; một số nội dung phối hợp còn nặng hình thức, thiếu nguồn lực thực hiện…
Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, trong thời gian tới, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan Nhà nước cùng cấp trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm tiếp tục được triển khai thực hiện. Các địa phương, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng Chương trình phối hợp với ban tuyên giáo cùng cấp có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính sát thực, có tính khả thi cao, có tác dụng thiết thực góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tham gia công tác tuyên truyền các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo và cơ quan nhà nước cùng cấp để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế; đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị về kết quả công tác phối hợp thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phối hợp giữa ban tuyên giáo với HĐND, UBND cùng cấp để có những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp, góp phần quan trọng vào sự ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đào Hồng Vận
UVBTVTU- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy