KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/01/2024 - Lượt xem: 497
Hưng Yên: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quố

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Việc tổ chức học tập, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai sâu rộng trong các cấp ủy đảng. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GĐ&ĐT) của tỉnh phát triển vững chắc, chất lượng và hiệu quả giáo dục từng bước được nâng lên, vị thế của giáo dục Hưng Yên ngày càng được khẳng định và đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Đồng chí Trần Quốc Toản- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh đã được nâng lên, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2013-2023, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm đạt từ 91,87% đến 99,81%; có 7 học sinh đạt giải nhất, 73 học sinh đạt giải nhì, 169 học sinh đạt giải ba và 176 học sinh đạt giải khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia. Đến nay toàn tỉnh có 79,4% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuẩn trở lên ở bậc mầm non đạt 96,6%, giáo viên tiểu học đạt 87,4%, giáo viên trung học cơ sở đạt 84,9%, giáo viên THPT, trung tâm GDNN-GDTX đạt 100%. Phương pháp giảng dạy có thay đổi, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học được tiếp tục đầu tư theo hướng chuẩn hóa… Giai đoạn 2013-2023 tỉnh Hưng Yên có 14 Nhà giáo ưu tú, trong đó có 09 Nhà giáo đã được công nhận, 05 Nhà giáo chờ công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023; Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2013 đạt 47%, đến năm 2022 đạt 68%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đến năm 2022 đạt 28,5%, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH của tỉnh.
Quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, trách nhiệm cao, năng lực chuyên môn vững vàng từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường đã nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc đổi mới giáo dục và đào tạo. Công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm và tạo điều kiện phát triển với sự tham gia đóng góp của toàn xã hội.
Trong 10 năm (2013 -2023) tỉnh huy động nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới là 6.855,3 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ xây dựng công trình giáo dục, đề án kiên cố hóa trường lớp học là 750,178 tỷ đồng. Ngân sách chi thường xuyên cho GDĐT và các chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên được đảm bảo đầy đủ, kịp thời, các hoạt động chi cho dạy-học, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học được tăng cường. Ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo được tăng lên theo từng năm (trong đó, năm 2013 là 1.246 tỷ đồng, đến năm 2022 là 2.941.350 triệu đồng). Đảm bảo thực hiện yêu cầu tổng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm so với yêu cầu tối thiểu 20%. Giai đoạn 2021-2022 đã huy động được 90.031 triệu đồng vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa và các nguồn khác đầu tư xây dựng dự án.
Để thực hiện xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tỉnh đã ban hành các Đề án như: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2013, giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên,... Tính đến năm 2023 số lượng các dự án đầu tư xã hội hóa được thành lập, cấp giấy phép hoạt động vào lĩnh vực giáo dục toàn tỉnh có 31/192 trường mầm non ngoài công lập chiếm 16,2% tổng số các cơ sở giáo dục mầm non; 14/39 trường THPT ngoài công lập chiếm 35,9% và 01 trường tiểu học. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập của tỉnh ở bậc mầm non là 19,0%; tiểu học là 1,9%; THCS là 1,78% và THPT là 18,65%.
100% các trường đã xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, xây dựng chuẩn đầu ra ở các ngành trình độ đại học. Hằng năm thực hiện rà soát để bổ sung phù hợp với chiến lược phát triển nhà trường trong từng giai đoạn. Các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Anh Quốc, Đại học Thủy Lợi, Đại học Tokyo Việt Nam đã thực hiện phối hợp đào tạo với các doanh nghiệp 100% sinh viên tốt nghiệp Đại học có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh đạt 67% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay; 97% có việc làm sau 8 tháng tốt nghiệp. Các trường không ngừng phối hợp với các doanh nghiệp lớn hợp đồng đào tạo như: Công ty Ford Việt Nam; Công ty Ned Deck Việt Nam; Công ty Xi măng Hoàng Thạch; Công ty May Van Laack Asian; Viện Quốc tế Đào tạo về Khoa học Vật liệu; Công ty TNHH Cannon Việt Nam; Công ty May Đức Giang;… Tỉnh Hưng Yên ký kết hợp tác với tỉnh Incheon Hàn Quốc, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Với sự hỗ trợ của Hội khoa học hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc và Trung tâm Sáng tạo Khoa học Hàn Quốc, hai bên đã đi đến thống nhất nội dung Chương trình hợp tác, năm 2017 đã bồi dưỡng cho 100 giáo viên 02 môn Vật lý và Sinh học cấp THCS và THPT, hợp tác với 45 trường Tiểu học, THCS, THPT của Incheon Hàn Quốc. Năm 2018 tổ chức bồi dưỡng 102 giáo viên môn Toán và Hóa học cấp THCS, THPT do giáo viên Hàn Quốc tập huấn trong chương trình hợp tác về giáo dục với tỉnh Incheon Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đổi mới, như: Một số địa phương có sự phát triển nhanh chóng trong các hoạt động kinh tế-xã hội, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dân số cơ học tăng nhanh gây áp lực đối với hệ thống giáo dục trên địa bàn, dẫn đến tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên hoặc tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể và phụ huynh học sinh chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục; chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của đổi mới GDĐT; Việc hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn như sự thâm nhập lối sống không lành mạnh, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc; sự thâm nhập của các loại dịch vụ giáo dục kém chất lượng có xu hướng tăng mạnh vào nền giáo dục trong những năm gần đây; Nguy cơ thương mại hóa giáo dục, coi giáo dục thuần túy là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Điều này sẽ làm suy giảm chức năng xã hội của giáo dục, giảm chất lượng giáo dục; đồng thời làm mất đi sự tự do, sáng tạo trong giáo dục…
Trong thời gian tiếp theo để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên và sự đồng thuận của xã hội trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cả hệ thống chính trị đối với giáo dục - đào tạo. Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm hoạt động giáo dục.
Thứ năm, đổi mới công tác quản lý, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chủ động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; rà soát và từng bước sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ đảm bảo hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và chương trình sách giáo khoa phổ thông mới.
Thứ sáu, quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo dạy nghề theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Triển khai thực hiện Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, hình thành nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực trạng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Thứ bẩy, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tiếp tục phát triển các quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có uy tín thành lập, liên doanh, liên kết đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các trường, các cơ sở giáo dục ở các ngành học, cấp học. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục. Thực hiện tốt 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội. Tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tiến tới một xã hội học tập.
Xuân Trường
Tin liên quan