Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước chọn tỉnh Hưng Yên là điểm đến để thực hiện dự án đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút 35 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký 15.544 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã tiếp nhận 34 lượt dự án trong nước điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 2.640 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 1.455 dự án đi vào hoạt động. Các dự án đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.
Sản xuất tại Công ty TNHH Kết cấu thép cơ khí xây dựng Hưng Yên (thị xã Mỹ Hào)
Xác định thu hút đầu tư là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và định hướng cho từng giai đoạn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước” và “Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển” là hai trong ba khâu đột phá để góp phần xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Ngày 7.9.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2136/QĐ-UBND về Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ngày 23.9.2021, Chủ tịch UBND tỉnh có Chỉ thị số 12/CT-CTUBND về thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện chỉ số PCI tỉnh Hưng Yên…
Để thu hút các nhà đầu tư nói chung, nhà đầu tư trong nước nói riêng, công tác tuyên truyền về lợi thế đầu tư tại địa bàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú. UBND tỉnh thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về môi trường đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và website của một số sở, ban, ngành với nội dung chính như: Các chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư, các nội dung về quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực; lĩnh vực ưu tiên đầu tư… Qua đó, giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt được những lợi thế trong quá trình đầu tư tại tỉnh. Các cơ chế ưu đãi được tỉnh xây dựng và thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, phù hợp với đặc thù, tính chất của dự án đầu tư.
Một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư đó là tỉnh có cơ chế khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như: Các dự án có công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; dự án đóng góp nhiều cho ngân sách; các dự án công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực điện tử, tin học...
Để thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm. Bên cạnh đó, hàng năm, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất; công khai, minh bạch những cơ chế, chính sách ưu đãi, những dự án ưu tiên đầu tư trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và của các sở, ngành...
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với các dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Trong quá trình thu hút đầu tư phát triển, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Trong đó, trọng tâm là xây dựng kế hoạch chi tiết, ký cam kết tiến độ GPMB với các nhà đầu tư; đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xác định nguồn gốc đất, giải quyết tranh chấp đất đai, hỗ trợ người dân sau khi thu hồi đất để kịp thời bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ theo kế hoạch.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, kết quả thu hút dự án vốn đầu tư trong nước đạt kết quả tích cực. Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30.6.2022, trên địa bàn tỉnh có 1.596 dự án trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 255.433 tỷ đồng. Đến nay, khoảng 70% số dự án đi vào hoạt động, nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động và đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh đã đi vào hoạt động hoặc đang được triển khai thực hiện.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tập trung rà soát, đổi mới và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, các giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và thân thiện với môi trường.
Nguồn: https://baohungyen.vn/