Ngày 12/11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 2845/UBND-KGVX về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, thực hiện Công điện số 8149/CĐ-VPCP ngày 07/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Công văn số 9472/BYT-MT ngày 08/11/2021 của Bộ Y tế về việc triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND, Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; chuẩn bị phương án, kịch bản linh hoạt, khoa học, hiệu quả và tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị, địa bàn; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp về phòng chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
2. Sở Y tế:
2.1. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021, Công điện số 1700/CĐ-BYT ngày 25/10/2021 và các văn bản liên quan của Bộ Y tế, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/11/2021.
2.2. Phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp xã chủ động đánh giá cấp độ dịch hằng ngày để áp dụng biện pháp y tế, hành chính phù hợp; tổng hợp, công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên cổng thông tin điện tử tỉnh và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế theo quy định.
2.3. Hướng dẫn UBND cấp huyện thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/11/2021.
2.4. Chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện đẩy nhanh việc tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19; tổ chức tiêm vắc xin ngay khi nhận được, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; thực hiện ngay việc cập nhật thông tin tiêm chủng nên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19.
2.5. Chỉ đạo chia sẻ thông tin của người dân đã tiêm chủng (bao gồm 04 trường thông tin bắt buộc: Họ và tên; Giới tính; Ngày tháng năm sinh; số CMND/CCCD) trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 cho ngành Công an để tiến hành đối sánh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, Trạm y tế cấp xã/cơ sở tiêm chủng, các đơn vị liên quan thực hiện theo Quy trình xác minh thông tin và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 kèm theo Công văn số 8938/BYT-DP ngày 21/10/2021 và Quy trình xác thực thông tin người dân trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 kèm theo Công văn số 9438/BYT-CNTT ngày 05/11/2021 của Bộ Y tế.
2.6. Chủ trì xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai điều trị F0 tại nhà; diễn tập Trạm y tế lưu động; tổng hợp nhu cầu đảm bảo đầy đủ hậu cần cho việc tiếp nhận, điều trị F0 tại bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện phổi.
3. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra, điều tra cơ bản, đối sánh thông tin công dân đã được tiêm chủng do ngành Y tế cung cấp (với 4 trường thông tin bắt buộc tại Điểm 2.5) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuyển kết quả đối sánh và kết quả rà soát, xác minh thu thập thông tin dân cư đối với các trường hợp chưa có thông tin trong hệ thống cho ngành Y tế để cập nhật, bổ sung lên Nền tảng Quản lý tiêm chủng theo hướng dẫn tại các Công văn trên của Bộ Y tế và chỉ đạo của đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an.
4. UBND huyện, thị xã, thành phố:
Phê duyệt phương án Trạm Y tế lưu động trên địa bàn; thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp theo hướng dẫn của Sở Y tế; báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) trước ngày 14/11/2021; chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực thuộc khẩn trương phối hợp xác minh thông tin, cập nhật, bổ sung kết quả đối sánh thông tin của người dân đã tiêm chủng, chuẩn bị tiêm chủng trên địa bàn do ngành Công an cung cấp theo hướng dẫn tại các Công văn trên của Bộ Y tế .
Chủ trì tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện cách ly F1 tại nhà.
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (sau đây gọi là cơ sở lao động): Thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động: (i) xét nghiệm khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ; (ii) xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; (iii) xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: xét nghiệm kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20). Trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động. Dừng áp dụng các nội dung có liên quan đến tần suất, tỷ lệ xét nghiệm, phương án lưu trú tập trung, cách ly, tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động tại các văn bản số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021, 6565/BYT-MT ngày 12/8/2021.
VH