KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/12/2016 - Lượt xem: 418
Huyền thoại 60 ngày đêm "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"

Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 là sự kiện trọng đại, mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và sau đó là hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ, đã đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam như mốc son chói lọi về lòng yêu nước, tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân ta trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Tuyengiaohungyen.vn trích đăng một số nội dung trong cuốn tài liệu Thủ đô Hà Nội vang mãi thiên anh hùng ca "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Vì sao Đảng ta quyết định phát động Toàn quốc kháng chiến?

Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng gây chiến ở Nam Bộ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ kháng địch, mặt khác tận dụng cơ hội đàm phán với Pháp để cứu vãn hòa bình, trong đó đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.

“Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tại Hà Nội, chúng gây chiến ở nhiều nơi: ngày 17/12/1946 tiến hành phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc; tấn công đội tự về và tàn sát nhân dân phố Hàng Bún - Yên Ninh, gây đổ máu ở khu vực cầu Long Biên, Cửa Đông. Ngày 18/12/1946, tướng Mô-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài Chính, đòi Chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội cho chúng và tuyên bố, nếu các yêu cầu trên không được đáp ứng thì chậm nhất sáng 20/12/1946 quân Pháp sẽ hành động.

Trước tình hình đó, ngày 18-19/12/1946 tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. Tự vệ thành Hà Nội họp, ra quyết nghị “Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với Thủ đô”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - áng hùng văn thời đại?

Từ ngày 3-19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (Hà Đông). Ngày 19/12, trên căn gác xép, Người viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 20/12 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“ Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”

Mặc dù chủ trương của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh, cứu vãn hòa bình nhưng kẻ địch chủ trương gây chiến. Không còn lựa chọn nào khác, ta phải dùng chiến tranh chính nghĩa chống lại chiến tranh phi nghĩa. Chúng ta không chút ảo tưởng về lòng nhân từ của bọn xâm lược. Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được, chỉ có cách dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Đó là quan điểm cơ bản  mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững và chỉ đạo tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với chủ trương động viên toàn dân đứng lên chiến đấu: “…Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau “Tuyên bố Độc lập”, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện thứ hai đề cập đến mục tiêu chính trị của cuộc cách mạng và cuộc kháng chiến. Đó là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là khát vọng của dân tộc bị nô lệ hơn 80 năm. Các thế hệ người Việt Nam đã tự giác hy sinh chiến đấu đến cùng cho mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg, trong đó công nhận một trong năm di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là bảo vật quốc gia.

Tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến?

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vạch trần dã tâm của thực dân Pháp, thể hiện lập trường, nguyện vọng thiết tha với hòa bình, tỏ rõ ý chí quyết tâm đạp tan mọi âm mưu của bọn xâm lược; đồng thời chỉ ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tộc và khẳng định cuộc kháng chiến của nhân dân ta là chính nghĩa và nhất định thắng lợi.

Lời kêu gọi nhấn mạnh, mỗi người dân Việt Nam, dù “bất kỳ ai” cũng đều có điểm tương đồng “hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên cứu nước, cứu nhà”. Đồng thời, thể hiện rõ đường lối kháng chiến của Đảng ta, tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập, tự chủ “Ai cũng phải ra sức cứu nước”.

Về thực lực, kẻ thù hơn ta nhiều lần, muốn đánh thắng chúng phải có đối sách đúng. Lời kêu gọi toát lên quan điểm kháng chiến toàn dân, toàn diện, “Ai có súng dùng súng, ai có gương dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” Kháng chiến sẽ lâu dài nhưng chắc chắn sẽ thành công: “Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Sức sống mãnh liệt của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn làm xúc động trái tim của hàng triệu người, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc với ý chí đánh đuổi quân xâm lược.

Hà Nội mở toàn quốc kháng chiến.

20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, đèn điện ở Hà Nội phụt tắt, tiếng súng vang khắp nơi, báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Từ pháo đài Láng phát đạn đầu tiên của ta bắn đi, trút căm hờn vào đầu thực dân Pháp. Trong bom đạn quân dân Hà Nội dốc toàn lực cho cuộc chiến. Các hàng cây, cột đèn được ngả xuống, toa xe điện chắn ngang đường, bàn ghế, giường tủ chất ngổn ngang, tạo nên chiến lũy,…Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, chặn bước tiến quân thù.

Những đoàn xe của quân Pháp vấp phải chướng ngại vật trên phố, di chuyển rất chậm chạp. Lợi dụng thời cơ đó, tự vệ cùng nhân dân trên gác cao quăng giường tủ xuống đường, ném lựu đạn, lao bom, nã súng như đổ lửa vào đầu quân giặc. Ở nhà máy đèn Bờ Hồ, trong chớp nhoáng, công nhân cùng bộ đội đã diệt toàn bộ quân địch đóng ở đây. Ở Bắc Bộ phủ, trụ sở của Chính phủ khi đó (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền), chiến sĩ ta chiến đấu ngoan cường suốt đêm đến sáng. Các quyết tử quân ôm bom ba càng lao vào phá hủy chiến xa địch. Hàng loạt bom, chai cháy, lựu đạn từ các cửa sổ tung xuống đầu giặc, làm cho chúng khiếp vía hoảng hồn. Hơn 20 công nhân nhà Bưu điện Bờ Hồ cùng Vệ quốc đoàn đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, khiến chúng không thể chiếm nổi mục tiêu và phải bỏ lại 122 xác chết, 2 xe tăng, 2 xe vận tải, 1 xe zíp. Trận đánh ở đầu cầu Long Biên ta diệt 70 tên địch, phá hủy 4 xe tăng, 2 xe vận tải. Nhiều trận giao chiến quyết liệt diễn ra ở nhà máy điện Yên Phụ, phố Hàng Lọng (nay là đường Lê Duẩn), ga Hàng Cỏ, nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị), bến Phà Đen, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), nhà máy bia Hà Nội,...

Ngày đầu tiên chiến đấu của quân dân Thủ đô, mở màn cho cuộc kháng chiến trường kỳ đã diễn ra như vậy!

Ý nghĩa của Ngày toàn quốc kháng chiến

Thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điềm nổ súng, chủ động tạo thế trận cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân địch để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 giữa Thủ đô là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh, thể hiện nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật chủ động, quả cảm và sáng tạo.

70 năm đã qua nhưng khí thế bất khuất, hào hùng của quân dân Hà Nội mở màn toàn quốc kháng chiến đã trở thành bất tử; là giá trị vĩnh cửu của niềm tin tất thắng; ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dẫu trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi.

 

 

 

          

 

Tin liên quan