Những diễn biến chính trong 60 ngày đêm “giam chân” địch ở Hà Nội
Từ cuối tháng 11/1946, quân Pháp huy động khoảng 6.500 quân, 40 xe tăng, 19 máy bay và hàng trăm xe quân sự, đóng ở một số cứ điểm quan trọng, như: thành Hà Nội, phủ toàn quyền cũ, nhà thương Đồn Thủy, sân bay Gia Lâm,…Những ngày đầu cuộc kháng chiến, chúng ta tập trung đánh Bắc Bộ phủ. Vệ quốc đoàn và công nhân đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy 4 xe tăng và xe bọc thép. Thời gian tiếp theo, quân Pháp thường xuyên tăng cường vũ khí và cơ giới, chiếm một số cứ điểm quan trọng, phá vỡ vòng vây của quân ta ở các cửa ô và nội thành, trừ Liên khu I (trung tâm Hà Nội).
Cuộc chiến đấu trong 60 ngày đêm vô cùng ác liệt, anh dũng của quân dân Hà Nội chống lại đội quân thiện chiến của Pháp với vũ khí hiện đại. Lúc đó, ta chỉ có khoảng 2.000 cây súng, mỗi tiểu đoàn có 2-3 khẩu trung liên, 2-3 khẩu tiểu liên và carbin còn lại toàn là súng trường mà cũng không đủ, đạn thì thiếu và “thối” nhiều, lựu đạn cũng ít, bom thì một số không nổ. Mỗi tiểu đội chỉ có 3 - 4 khẩu súng trường, còn hầu hết là mã tấu. Quân ta dùng chai xăng crếp để đánh xe tăng, dùng chai sỏi, chai vôi bột để đánh bộ binh, dùng pháo đùng, pháo tép để nghi binh,... Khi quân Pháp tấn công ga Hà Nội, cầu Long Biên, nhà Bưu điện, Bắc Bộ phủ, Tổng chỉ huy và doanh trại Vệ quốc đoàn, Sở chỉ huy tự vệ,... ở đâu chúng cũng gặp phải sức chống trả quyết liệt của quân ta.
Ban ngày quân Pháp đánh ta, còn khi xẩm tối và đêm khuya ta đánh và quấy phá quân Pháp. Lực lượng ta ở Liên khu I trong vòng vây đánh ra, còn Liên khu II và III đánh vào tạo thành thế "gọng kìm". Nhiều trận đánh lớn diễn ra rất ác liệt, ta và quân Pháp giành nhau từng bờ tường, góc phố, đóng xen kẽ chỉ cách nhau 3 đến 5 nhà, hoặc quân ta ở dãy số lẻ, quân Pháp ở số chẵn như ở Hàng Giấy, Hàng Khoai...
Từ ngày 19/12/1946, quân Pháp tăng cường bủa vây Liên khu I, liên tiếp tấn công từ ô Yên Phụ nối với Ngọc Hà, Kim Mã, Thụy Khuê, ngã tư Kim Liên, ô cầu Dền,... hòng cô lập quân ta ở các phố Đồng Xuân, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hà, Long Biên,... Đến cuối tháng 12/1946, trên cả ba liên khu (I, II, III) đã diễn ra 47 trận chiến đấu quyết liệt; ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp.
Từ sau ngày 6/1/1947, quân ta đánh tan cuộc tiến công quy mô lớn của địch ở hai hướng Giảng Võ và ô Chợ Dừa. Từ ngày 6/2/1947, quân Pháp tổng công kích Liên khu I hòng vây ép quân ta. Ta quần nhau với giặc ở từng ngôi nhà, góc phố với nhiều trận giáp lá cà vô cùng ác liệt. Trong các ngày 11, 12, 13/2/1947, địch ném bom liên tiếp vào khu chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, Hàng Bạc, Mã Mây,…Giao thừa năm Đinh Hợi (22/11/1947), một số cảm tử bom bơi ra cắm cờ lên tháp Rùa; khắp nơi quân ta đồng loạt tập kích vào các vị trí. Tiểu đoàn quyết tử 101 của Trung đoàn Thủ Đô sau 57 ngày đêm chiến đấu giữ Liên khu I, quân số chỉ còn 130 người nhưng vẫn quyết giữ vững các vị trí chiến đấu.
Rạng sáng 14/2, máy bay Pháp tiếp tục ném bom, bắn phá chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Với tinh thần quyết tử, Tiểu đoàn 101 đánh trả rất quyết liệt, lính Pháp cứ vào được chợ lại phải rút ra. Khi xe tăng Pháp tiến vào chợ, quân cảm tử từ các quầy hàng chờ cho xe tăng đi qua, bộ binh vừa tới thì xông ra đánh giáp lá cà. Cuộc chiến trong chợ diễn ra vô cùng ác liệt, kéo dài đến 1 giờ sáng hôm sau, quân Pháp bị đẩy lui. Ngày 15/2/1947, các lực lượng chiến đấu tại Liên khu I được lệnh rút khỏi Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài với quân Pháp. Đêm 17 rạng sáng ngày 18/12/1947, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật, an toàn rút khỏi Hà Nội.
Mặc dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, phải chống lại kẻ địch tinh nhuệ được vũ trang hiện đại, chiến đấu ác liệt trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ, nhiều ngày phải nhịn ăn, nhiều cán bộ chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, bất khuất, kiên cường, sáng tạo, các chiến sỹ ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao, kìm chân địch trong hai tháng (từ 19/12/1946-18/2/1947), tạo thời gian để Chính phủ, các cơ quan Trung ương rút ra và tổ chức kháng chiến lâu dài.
Sự ra đời của Trung đoàn Thủ đô?
Theo đề nghị của Đảng bộ Liên khu I, Bộ Tổng chỉ huy thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ ở Liên khu I được thành lập gồm 3 tiểu đoàn: 101, 102 và 103 với quân số gần 2.500 người. Ban chỉ huy gồm: Trung đoàn trưởng Hoàng Siêu Hải; Chính trị viên Lê Trung Toản; Tham mưu trưởng Hoàng Phương.
Ngày 12/01/1947, tại Hà Nội quân sự toàn quốc lần thứ nhất của Trung ương Đảng họp tại Chương Mỹ (Hà Tây) theo đề nghị của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Trung đoàn liên khu I được đổi tên thành Trung đoàn Thủ đô.
“Quyết tử quân số 1 của Thủ đô” là ai?
Anh tên là Lê Gia Đỉnh, sinh năm 1920 ở làng Chắm (tức Trúc Lâm), huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1945, anh tham gia giành chính quyền ở Hưng Yên, rồi vào bộ đội đóng quân ở Hà Nội. Anh là chính trị viên của Đại đội 1, đại đội các chiến sĩ cảm tử thuộc Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn (khi đó ở Hà Nội có 12 đội cảm tử). Ngày 19/12/1946, Đại đội 1 được giao trấn giữ Bắc Bộ phủ. Khi quân Pháp tấn công, anh Lê Gia Đỉnh đã cùng đơn vị chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh Lê Gia Đỉnh hy sinh khi mới 26 tuổi. Anh được tặng danh hiệu “Quyết tử quân số 1 của Thủ đô”.
Tháng 4/2000, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Để tôn vinh tấm gương người anh hùng, năm 1994 nhân dân phố Hà Nội đặt tên một con phố mang tên Lê Gia Đỉnh. Phố Lê Gia Đỉnh (thuộc phường phố Huế, quận Hai Bà Trưng) dài 350 m bắt đầu từ phố Đồng Nhân, qua khu tập thể Nguyễn Công Trứ, lượn khúc tới phố Thịnh Yên, chạy phía sau đền Hai Bà Trưng.
Hoàn cảnh ra đời lời thề “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ?
Trân trọng sự quả cảm và hy sinh anh dũng của quân dân Hà Nội, ngày 27/1/1947 (mồng 5 Tết Đinh Hợi - kỷ niệm Chiến thắng Đống Đa), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tuyên dương tinh thần chiến đấu và quyết tử của các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô. Trong thư, Người ân cân thăm hỏi tình hình ăn Tết, khen ngợi tinh thần gan dạ chiến đấu của các chiến sĩ và dặn dò những điều cần thiết. Thư của Người có đoạn: “…Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại. Cái tinh thần quật khởi đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc, tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau…”
“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã thành lời thề thiêng liêng, là mục đích cao cả, biểu tượng sáng ngời về tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.
Kết quả 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu toàn quốc kháng chiến của quân và dân Hà Nội.
Quân dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ; tản cư được phần lớn nhân dân; đưa một khối lượng lớn máy móc, thiết bị lên chiến khu; tiêu diệt trên 2.000 lính Pháp, bắt khoảng 400 tên, phá 22 xe tăng, xe thiết giáp, 31 xe vận tải, bắn rơi 1 máy bay, bắn hỏng 7 máy bay, bắn chìm 2 ca nô.
Các lực lượng của ta đã giam chân địch vượt thời gian dự định (từ một tháng kéo dài đến hai tháng), tạo thuận lợi để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng chủ động bước vào kháng chiến trường kỳ. Ta vừa đánh, vừa bảo vệ phát triển lực lượng, từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc đầu sau khi rút khỏi thành phố đã phát triển thành 3 trung đoàn chủ lực.
Ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu 60 ngày đêm mở đầu toàn quốc kháng chiến.
Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô là mốc son chói lọi trong trang sử vàng đấu tranh cách mạng, là chiến dịch lịch sử đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam và cùng với chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” năm 1972 đã làm rạng rỡ đất Thăng Long - Hà Nội.
Là hình ảnh tuyệt vời về truyền thống “Cả nước đánh giặc, toàn dân ra trận”, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ”; là sự kế thừa và phát huy trang sử vẻ vang đánh giặc giữ nước của Thăng Long - Đông Đô; là sự tiếp nối khí phách hào hùng của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... với những chiến công đã trở thành huyền thoại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ đầu, Đông Quan, Đống Đa,...; là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Thủ đô trong 60 ngày đêm một lần nữa thể hiện rõ “khí phách cha ông và hồn thiêng sông núi”; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách của người Thăng Long - Hà Nội, rất thanh lịch, hào hoa, yêu chuộng hòa bình, song cũng rất đỗi quật cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh, hiến dâng tất cả vì nền độc lập - tự do của dân tộc.
Cuộc chiến đấu mở màn kháng chiến toàn quốc được tiến hành một cách chủ động, sáng tạo, chọn đúng thời cơ, làm thất bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, đặc biệt là kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ và kế hoạch thực hiện chiến tranh trước mùa mưa năm 1947 của thực dân Pháp.
Qua cuộc chiến đấu 60 ngày đêm trong lòng Hà Nội ta rút ra những kinh nghiệm vô cùng quý báu về phát huy tinh thần quyết đánh, quyết thắng; về đường lối, chiến lược của Đảng trong chiến tranh nhân dân; về nghệ thuật đánh giặc trên địa bàn thành phố. Thắng lợi của cuộc chiến đấu đã có sức cổ vũ rất lớn đối với các chiến trường, củng cố lòng tin vào khả năng chiến đấu và chiến thắng cho quân dân cả nước. Việc tiêu hao và kìm chân địch suốt 60 ngày đêm trong thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các ngành, các địa phương chủ động chuyển sang thời chiến.
Lực lượng vũ trang cả ba Liên khu của Mặt trận Hà Nội đặc biệt là Liên khu I đã kiên cường đương đầu với địch suốt hai tháng ròng, nêu tấm gương chiến đấu tiêu biểu cho cả nước. Qua thực tiễn chiến đấu, quân ta đã trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng, tổ chức biên chế; không những bảo toàn được mình mà còn gieo mầm để xây dựng các đơn vị chủ lực sau này; đúc rút kinh nghiệm quý báu cho công cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Quân dân Hà Nội qua 2 tháng chiến đấu vô cùng ác liệt đã thể hiện cốt cách, bản lĩnh chiến đấu, tinh thần quả cảm và trí tuệ của lực lượng vũ trang và quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Sách Thủ đô Hà Nội vang mãi thiên anh hùng ca "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh"