KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/10/2021 - Lượt xem: 103
Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Hiện nay, toàn tỉnh có 345 trường mầm non, gồm: 161 trường mầm non công lập; 29 trường mầm non ngoài công lập và 157 nhóm lớp độc lập tư thục (tăng 11 trường so với năm 2015); với 3.387 nhóm, lớp (842 nhóm, lớp nhà trẻ; 2.545 nhóm, lớp mẫu giáo).

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” (Chỉ thị số 10-CT/TW), với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác chăm lo giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã quan tâm đầu tư, chỉ đạo các địa phương tích cực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học cho các trường mầm non (các địa phương dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non công lập), tăng cường đầu tư mua sắm trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để phục vụ cho Chương trình giáo dục mầm non mới của Bộ GD&ĐT.
Hiện nay, toàn tỉnh có 345 trường mầm non, gồm: 161 trường mầm non công lập; 29 trường mầm non ngoài công lập và 157 nhóm lớp độc lập tư thục (tăng 11 trường so với năm 2015); với 3.387 nhóm, lớp (842 nhóm, lớp nhà trẻ; 2.545 nhóm, lớp mẫu giáo).
Theo đó 100% các phòng học dành cho lớp 5 tuổi đều là phòng kiên cố và bán kiên cố, an toàn, đủ ánh sáng, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, nhiều nhà trường đã làm tốt công tác xã hội hoá, lắp đặt được hệ thống điều hoà không khí ở các lớp học. Diện tích các phòng học tính trên đầu trẻ đều đạt yêu cầu theo quy định về tiêu chuẩn phổ cập. 100% số lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT về danh mục đồ dùng, đồ chơi tối thiểu. Hàng năm các đơn vị đều dành nguồn ngân sách hoặc vận động xã hội hoá từ nhân dân để đầu tư mua sắm bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho các lớp học. 100% các nhà trường đều bố trí sân chơi thoáng mát, an toàn và trang bị đủ đồ chơi ngoài trời, hệ thống nước sạch đảm bảo đầy đủ hợp vệ sinh tạo điều kiện tốt nhất trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, các công trình vệ sinh được bố trí thuận tiện, sạch sẽ và hợp vệ sinh.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã củng cố vững chắc và phát triển công tác phổ cập giáo dục (PCGD), tỷ lệ đạt chuẩn PCGD THCS và PCGD tiểu học không ngừng được tăng lên.
Đối với tiểu học, toàn tỉnh có 143 trường tiểu học công lập, 22 trường tiểu học và THCS công lập; 3 trường tiểu học, THCS và THPT tư thục. Đến năm 2021, số lớp tiểu học là 3.423 lớp (3.335 lớp công lập và 88 lớp tư thục), số học sinh là 121.091 em (118.792 học sinh công lập và 2.299 học sinh tư thục), số trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; 10/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 (đạt 100%), tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3.
Đối với THCS, tỉnh hiện có 147 trường THCS công lập, 1 trường THCS và THPT, 22 trường tiểu học và THCS công lập với tổng số lớp là 2.045 lớp (2.001 lớp công lập và 44 lớp tư thục), số học sinh là 77.829 em (76.447 học sinh công lập và 1.382 học sinh tư thục), số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 100%. Kết quả PCGD THCS: đến năm 2020, có 7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 (đạt 70%), 3 huyện đạt chuẩn mức độ 2; tỉnh đạt chuẩn mức độ 2 (so với năm 2016, chỉ có 7 huyện đạt mức độ 2, 3 huyện đạt mức độ 1, tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1).
Công tác xóa mù chữ (XMC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, đến nay 10/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn XMC mức độ 2 (đạt 100%) và tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 2. Tỷ lệ và chất lượng người lớn được XMC trong 10 năm qua tăng dần qua các năm: năm 2016 tỷ lệ mù chữ mức độ 1 độ tuổi 15 - 35 là 0,46%, mức độ 2 độ tuổi 15 - 60 là 1,11%; năm 2020 tỷ lệ mù chữ mức độ 1 độ tuổi 15 - 35 là 0,03%, mức độ 2 độ tuổi 15 - 60 là 0,04%. Kinh phí hỗ trợ XMC từ năm 2011 đến năm 2021 khoảng 430 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo thực hiện cơ bản có hiệu quả việc sắp xếp, đầu tư nâng cấp cơ sở giáo dục nghề nghiệp của địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Trên cơ sở đó, thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn, cơ cấu hợp lý, chú trọng chất lượng đào tạo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn tỉnh có 10/10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố; 34 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (23 cơ sở công lập, 11 cơ sở tư thục) trong đó có 11 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp và các trung tâm, đơn vị, doanh nghiệp; 6 trường cao đẳng có nghề trọng điểm. Quy mô đào tạo khoảng 70.000 người/năm, đào tạo ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và ngắn hạn) với gần 70 ngành, nghề, trong đó có 23 nghề trọng điểm (1 nghề cấp độ quốc tế; 2 nghề cấp độ ASEAN; 20 nghề cấp độ quốc gia).
Cùng với việc xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Tỉnh đã quan tâm ưu tiên nguồn lực, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ giáo viên theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự sâu sát, quyết liệt; công tác quy hoạch, quản lý cán bộ ở một số nơi hiệu quả chưa cao; năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Giáo dục mầm non chất lượng, hiệu quả có mặt còn thấp; chất lượng PCGD tiểu học và THCS chưa thực sự bền vững; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề rất thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là cấp giáo dục mầm non.
Trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW, các văn bản của Trung ương, của tỉnh về giáo dục và đào tạo gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và toàn xã hội đối với đổi mới giáo dục và công tác PCGD, XMC và phân luồng học sinh sau THCS.
Tiếp tục rà soát, bổ sung chính sách đối với giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh trên cơ sở nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục mầm non phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo của tỉnh trong tình hình mới.
Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với giáo viên.
Đẩy mạnh xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực, trang thiết bị cho giáo dục. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học hiện đại cho công tác giảng dạy và học tập.
Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, xây dựng xã hội học tập, kiện toàn mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người được học tập suốt đời.
Phạm Minh Hoàng- Theo Bản tin Thông báo nội bộ
 
Tin liên quan