Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, 2021 là năm bắt đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025, đồng thời cũng là một năm chứng kiến vô vàn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 mang lại.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu và là một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Ở tầm quốc gia, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có Thủ tướng là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
“Điều đó thể hiện ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Ông cho biết, tại phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban, Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò của Cơ quan Thường trực, đã cùng với các bộ ngành xác định và đề xuất lên Ủy ban một Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 với khoảng 45 nhiệm vụ quan trọng, trong đó 18 nhiệm vụ phân công tới từng thành viên Ủy ban. Kèm theo đó là hơn 50 tiêu chí định lượng, đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia.
Bộ cũng đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và đã trình dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Chiến lược mang tính bao trùm, định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, đặc biệt là 08 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.
Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động phù hợp.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại phiên khai mạc.
Ông Dũng nhận định, chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Rõ ràng nhất là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Chuyển đổi số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế-xã hội. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn tồn tại, vấn đề cần tháo gỡ cần tiếp tục triển khai.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông khẳng định, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021 là cơ hội tốt để các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận để đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Diễn đàn diễn ra trong 3 ngày (1, 2, 4/12) với 12 phiên chuyên đề chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế, bao gồm tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải, logistics, bất động sản, sản xuất công nghiệp, chuyến đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, giới thiệu các nền tảng giải pháp số.
Ngoài ra còn có hội thảo về bảo mật an toàn thông tin của Nhật Bản, cùng 5 phiên hỏi đáp chuyển đổi số với các chuyên gia về 8 chủ đề được nhiều người quan tâm. Hoạt động triển lãm nền tảng giải pháp số và kết nối hợp tác cũng được tổ chức bên lề sự kiện.
Trong phiên khai mạc, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày Báo cáo kết quả năm chuyển đổi số Quốc gia 2020 và Kế hoạch giai đoạn 2021-2022. Bên cạnh đó là các bài trình bày “Lộ trình tăng tốc chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thực tiễn và giải pháp”; “Mobile Money thúc đẩy nhanh chuyển đổi số xã hội và tài chính toàn diện quốc gia”, và “Chuyển đổi số trong lập dự toán và chi tiêu ngân sách Nhà nước”.
Nguồn: https://nhandan.vn