KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/10/2020 - Lượt xem: 123
Kim Động - Sức trẻ khởi nghiệp

Huyện Kim Động (Hưng Yên) có gần 20 nghìn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), chiếm tỷ lệ gần 20% dân số của huyện. Đây chính là tiềm năng, là nguồn lực, dồi dào về sức trẻ và trí tuệ để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Thấm nhuần lời Bác dạy thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên và từ thực tiễn công cuộc phát triển quê hương, đất nước hiện nay, vấn đề khởi nghiệp trong thanh niên được cấp ủy, chính quyền và Huyện đoàn Kim Động đặc biệt quan tâm, với mục tiêu khơi gợi tinh thần dấn thân, tìm con đường mới, cách làm mới trong hành trình lập thân, lập nghiệp cho thanh niên.

Để phát huy được sức trẻ trong xây dựng đất nước theo nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng triển khai thực hiện Chương trình chiến lược phát triển thanh niên; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 27/7/2018 của UBND huyện Kim Động về triển khai Đề án Hỗ trợ thanh niên Hưng Yên sáng tạo, khởi nghiệp; Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 27/7/2018 của UBND huyện Kim Động về triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Xác định công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, qua đó mở rộng, tập hợp đoàn kết thanh niên, các cấp bộ Đoàn trong huyện đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp, Huyện Đoàn đã chỉ đạo các Đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên, từ đó chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi; tham quan mô hình làm kinh tế hiệu quả cho ĐVTN... Hàng năm, các cơ sở Đoàn trong toàn huyện đã tổ chức được từ 10 - 15 hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, dạy nghề tại chỗ và tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT cho thanh niên; hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm thanh niên giúp nhau lập thân, lập nghiệp. Huyện Đoàn đã hỗ trợ thành lập 02 HTX kiểu mới do thanh niên làm chủ: HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển Nấm sạch Việt Tú, do anh Nguyễn Văn Tú làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX; HTX sản xuất, dịch vụ và thương mại Nông sản Học Phát, do anh Vũ Văn Phóng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX.
Để ĐVTN, nhất là thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất, Đoàn xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện để giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất. Nhờ hoạt động này, nhiều bạn trẻ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện nay, tổ chức Đoàn đang nhận ủy thác vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên qua kênh Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ gần 30 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 1.000 đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, học tập. Bên cạnh đó, qua các kênh như vốn 120 Trung ương Đoàn cho thanh niên theo Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ, Huyện Đoàn đã giải ngân được gần 1 tỷ đồng đối với 7 dự án được vay vốn, đã giải quyết việc làm cho trên 50 ĐVTN.
Hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên vay tín dụng học nghề được các tổ chức Đoàn thường xuyên đẩy mạnh. Thường vụ Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm GDNN&GDTX huyện, các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh tổ chức các hoạt động về dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, học nghề tại các địa phương. Phối hợp Phòng GD&ĐT huyện, Trung tâm GDNN&GDTX huyện hàng năm tổ chức các buổi truyền thông về tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho các em học sinh khối trung học phổ thông và trung học cơ sở để từ đó trang bị cho học sinh những thông tin chính xác để định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Huyện Đoàn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện triển khai việc thực hiện cho vay đối với thanh niên đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề khi có thông báo nhập học của cơ sở đào tạo nghề, chỉ đạo các tổ chức Đoàn xã, thị trấn nắm số lượng thanh niên đăng ký vay vốn để thực hiện có hiệu quả công tác giải ngân cũng như việc đôn đốc thu hồi nợ. Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thanh niên trong xuất khẩu lao động, thông qua việc phối hợp tư vấn cho thanh niên vay vốn xuất khẩu lao động, hoạt động đã góp phần giải quyết nhu cầu về vốn ban đầu cho 10 thanh niên đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.
Với cách làm trên, trong thời gian qua, nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện đã bước đầu thành công với mô hình khởi nghiệp của mình, phần nào tạo thu nhập ổn định nâng cao đời sống cho bản thân và gia đình, đồng thời giúp đỡ các ĐVTN khác. Đặc biệt, nhiều ĐVTN với ý trí, nghị lực và quyết tâm đã vươn lên trở thành những ông chủ trong sản xuất, kinh doanh, tạo được nhiều việc làm cho xã hội và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là tấm gương sáng để thanh niên học tập, noi theo với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, lạc hậu.
Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 150 mô hình kinh tế của thanh niên, trong đó có gần 50 mô hình kinh tế tiêu biểu, với một số lĩnh vực chủ yếu, như: nấm ăn, nấm thảo dược, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá; trồng rau, cây ăn quả; tiểu thủ công nghiệp... Đây là những mô hình hay, cách làm hiệu quả, với các gương thanh niên là chủ các doanh nghiệp, hợp tác xã và thanh niên làm kinh tế giỏi khởi nghiệp thành công thu hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Tiêu biểu như: HTX đầu tư sản xuất và thương mại phát triển Nấm sạch Việt Tú, do anh Nguyễn Văn Tú làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX, với các sản phẩm: nấm mộc nhĩ 8000m2 sản lượng 120 tấn tươi/năm; nấm ăn tươi các loại 1000m2 sản lượng 80 tấn/năm; nấm dược liệu linh chi 500m2 sản lượng 1,5 tấn sấy khô/năm; nấm đông trùng sấy thăng hoa, bột sinh khôi, nấm cấy trên ký chủ nhộng tằm, trà túi lọc, nấm ngâm mật ong, rượu đông trùng, sản lượng 5 tạ tươi/năm… HTX sản xuất, dịch vụ và thương mại Nông sản Học Phát, do anh Vũ Văn Phóng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành HTX, với các sản phẩm: thanh long ruột đỏ, Mít thái, Bơ, cây giống các loại... diện tích trên 5ha. Thanh niên Nguyễn Văn Nha, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phúc Lộc Thịnh với mô hình trạm trộn bê tông tươi. Thanh niên Lê Văn Nam, với mô hình chăn nuôi 40 con bò sữa, 10 con bò thịt, trồng cam, bưởi,… diện tích gần 7ha. Thanh niên Lê Trung Kiên, Giám đốc Công ty nội thất Lê Gia, với mô hình sản xuất nội thất mỹ thuật, chuyên thiết kế, cung cấp nội thất cho các nhà hàng Nhật Bản, chung cư, hộ gia đình…
Nhằm xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong huyện tiếp tục tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn trong việc vận động, hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế gắn liền với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác đoàn kết tập hợp thanh niên. Việc xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế phải xuất phát và gắn liền với nhu cầu, lợi ích chính đáng của thanh niên và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Tăng cường hỗ trợ thanh niên đổi mới tư duy, phương thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển sản xuất. Hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển mô hình kinh tế phải được thực hiện thường xuyên, khoa học và sáng tạo nhằm tạo môi trường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ, năng động, tay nghề giỏi, nắm vững kiến thức khoa học công nghệ trong các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để cụ thể các nội dung trên, các cấp bộ Đoàn trong huyện xác định một số giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới:
Thứ nhất, tạo hệ thống thông tin nhanh về các chủ trương, chính sách, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên về mô hình phát triển kinh tế, về những quy định cơ bản của pháp luật liên quan đến Đất đai, Môi trường, Đầu tư, Doanh nghiệp, Hợp tác xã… và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của huyện về quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế từng vùng, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; các tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới để làm chủ các thiết bị sản xuất hiện đại.
Thứ hai, tăng cường tổ chức các hoạt động lôi cuốn, cổ vũ đoàn viên, thanh niên xung kích tham gia phát triển kinh tế. Phát động đoàn viên, thanh niên thi đua học tập, đi đầu trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong việc phát triển mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, thi đua lao động sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của huyện nhà. Làm cầu nối giúp thanh niên vay vốn, xây dựng mô hình phát triển kinh tế.
Thứ ba, phối hợp xây dựng và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên. Xây dựng và phát triển các hình thức tổ hợp tác thanh niên, tổ tiết kiệm và vay vốn, các mô hình liên kết phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, tổ chức các hoạt động phát huy vai trò xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế; phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong việc vận động gia đình và nhân dân tự nguyện tham gia phát triển các loại hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Thứ tư, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu mô hình, các mô hình sản xuất kinh doanh của thanh niên có hiệu quả; nghiên cứu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; phối hợp tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, kỹ năng quản lý kinh tế, kiến thức khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế trong thanh niên.
Thứ năm, tham mưu, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh niên về đào tạo, quản lý, tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp và chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường; xây dựng mạng lưới kết nối giữa các thanh niên đã, đang và có ý tưởng khởi nghiệp,...
Thứ sáu, kịp thời tham mưu, đề xuất khen thưởng, nhân rộng gương cá nhân, tập thể thanh niên điển hình tiên tiến tham gia phát triển kinh tế; tăng cường tổ chức các hoạt động liên hoan, tuyên dương thanh niên khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi; tích cực tham gia các giải thưởng về phát triển kinh tế trong thanh niên do các cấp phát động.
Hữu Chất
Tin liên quan