KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 31/10/2021 - Lượt xem: 89
Kinh nghiệm của các nước trong việc tiêm vaccine cho trẻ em

Mặc dù vẫn còn nhiều thận trọng và hoài nghi, nhưng cho đến nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine cho trẻ em trong một nỗ lực nhằm khống chế dịch bệnh và bảo vệ trẻ em trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.  

Tại sao trẻ em cần tiêm vaccine dù ít rủi ro mắc COVID-19 hơn người lớn?
 Thực tế trong gần 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành cho thấy, tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 thấp hơn nhiều so với người lớn.  Tuy nhiên, đây vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương và cần được bảo vệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Trẻ em được tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Estonia (Ảnh: AP)
Theo một thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số trẻ em tử vong do COVID-19 tại 78 quốc gia là 8.700, chiếm tỷ lệ 0,3%. Tại Mỹ, từ tháng 7, số bệnh nhi COVID-19 ở Mỹ đã tăng khoảng 240%.
Theo thống kê của Học viện Nhi khoa Mỹ, gần 30% ca nhiễm mới trong tuần đầu tháng 9 ở nước này là trẻ em (243.000 F0). Tổng số trẻ dưới 18 tuổi mắc COVID-19 tại Mỹ là 5,3 triệu ca, ít nhất 534 trường hợp tử vong. Gần một nửa số trẻ em nhập viện vì COVID-19 không mắc bệnh lý tiềm ẩn.
Tại châu Á, vào tháng 7, Indonesia ghi nhận trên 100 trẻ em tử vong mỗi tuần vì COVID-19, tỷ lệ cao nhất thế giới theo New York Times. Trên 800 trẻ em dưới 18 tuổi ở Indonesia đã tử vong vì SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát, chiếm tỷ lệ khoảng 1%, phần lớn tập trung trong tháng 7.
Tại Việt Nam, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số trẻ em mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch vừa qua có dấu hiệu gia tăng. Từ ngày  5/7 tới 30/7/2021, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở Việt Nam. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên, cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. May mắn là hầu hết trẻ mắc COVID-19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
Trước thực tế này, Cơ quan Y tế cấp cao Pháp (HAS) giải thích có ba lý do cần tiêm cho trẻ em, đó là: Một là, khi tăng độ bao phủ tiêm vaccine cho người lớn, sự lây nhiễm có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở các nhóm chưa tiêm; Hai là, tiêm vaccine rất có lợi đối với trẻ có bệnh nền và có người thân bị suy giảm miễn dịch hoặc thuộc các đối tượng dễ bị tổn thương; Ba là, về tâm lý - xã hội, tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp (như trong trường học).
Và vì vậy, sau khi đạt các mục tiêu tiêm chủng cho người trưởng thành, nhiều nước đã bắt đầu triển khai các chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em dù còn thận trọng. Mục đích của điều này là nhằm tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, khống chế đại dịch từ đó tạo điều kiện tốt nhất để trẻ em được đến trường, học tập và sinh hoạt trong bối cảnh hầu hết các nước đều xác định tinh thần “sống chung” với dịch COVID-19.
Đối tượng tiêm vaccine hạ thấp dần theo độ tuổi và được điều chỉnh tùy theo mỗi quốc gia
Hiện nay, hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á tới châu Phi đều đang triển khai hoặc lập kế hoạch tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em. Theo đó, việc tiêm vaccine cho người trong độ tuổi từ 16-18 được triển khai rộng rãi ở nhiều nước; nhóm từ 12 tuổi trở lên đã được triển khai tiêm phòng ở nhiều nước; nhóm trong độ tuổi từ 5 tuổi trở lên thì ít quốc gia triển khai tiêm hơn; Trung Quốc là một trong số ít nước đã tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm trẻ từ 3 tuổi trở lên ở nhiều tỉnh, thành phố; trong khi đó, Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm đại trà cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Pfizer  là một trong những loại vaccine được các nước lựa chọn để tiêm phòng ngừa COVID-19 cho trẻ em (Ảnh minh họa: Reuters)
Israel là một trong những quốc gia tiên phong khi giữa tháng 1/2021 đã tiêm vaccine cho người từ 16 tuổi. Đến ngày 6/6/2021, trẻ 12-15 tuổi ở nước bắt đầu được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tại Mỹ, người từ 16-18 tuổi được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech từ ngày 19/4/2021 và trẻ 12-15 tuổi được tiêm từ giữa tháng 5/2021. Mới đây nhất, ngày 26/10, các chuyên gia cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi, khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn so với những rủi ro mà loại vaccine này có thể đem lại.
Trong khi đó, Ý là quốc gia châu Âu đầu tiên tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi hôm 3/6/2021. Đến ngày 7/6/2021, Đức bắt đầu tiêm cho trẻ mà không cần ý kiến cha mẹ.
Nam Phi cũng bắt đầu tiêm phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi từ ngày 20/10, sử dụng vaccine Pfizer. Mũi thứ hai sẽ được hoãn lại để chờ các nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng phụ hiếm gặp.
Không chỉ căn cứ vào độ tuổi, đối tượng trẻ được tiêm chủng cũng được điều chỉnh tùy theo ở mỗi quốc gia. Chẳng hạn như tại Indonesia, trước khi tiêm chủng, trẻ em sẽ được khám sàng lọc và có thể bị từ chối tiêm chủng nếu có các bệnh lý nền; trong khi Philippines mới đây thí điểm tiêm vaccine COVID-19 cho 1.500 trẻ em mắc các bệnh lý nền, bước đầu chỉ ghi nhận 4 trường hợp có biểu hiện bất lợi và đều được xử lý tốt. Cơ quan chức năng Malaysia đang xem xét khả năng tiêm vaccine Sinovac cho trẻ 12-17 tuổi mắc bệnh nền trong khi phê duyệt Pfizer và Sinovac cho trẻ không mắc bệnh lý nền.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, nếu Indonesia là quốc gia đạt kỷ lục về số mũi tiêm được tiêm thì Campuchia là quốc gia có thành tích tiêm chủng thần tốc nhất khu vực. Hơn 3 triệu trẻ em Indonesia đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, chiếm 11,6% tổng mục tiêu tiêm chủng cho hơn 26 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Trong khi Campuchia đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 90,24% với nhóm tuổi 12-17 và 98,31% với nhóm tuổi 6-12.
Tại Thái Lan, hiện khoảng 88% học sinh trung học phổ thông ở thủ đô Bangkok được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Còn khoảng 30.000 học sinh khác tại thành phố được tiêm phòng vào ngày 20/10. Tại Singapore, kể từ ngày 1/6, nước này đã mở rộng chương trình tiêm chủng cho thiếu niên độ tuổi 12-18. Nhật Bản vào ngày 28/5 đã phê chuẩn sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 12 tuổi trở lên.
Philippines vào ngày 26/5 quyết định cho phép sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Từ ngày 22/10, nước này bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19 chính thức cho 144.131 trẻ em 15-17 tuổi nói chung và ưu tiên trẻ mắc các bệnh lý nền.
Giới chuyên gia cho rằng việc tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong việc khống chế đại dịch, do đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ cũng cần được quan tâm.
Bởi vậy, có thể nói, trẻ em là một phần trong chuỗi lây nhiễm và việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng. Nói theo ông Zhang Zoufeng - Chủ nhiệm Khoa Dịch tễ học thuộc Đại học California, Los Angeles: “Chủng ngừa cho trẻ nhỏ không chỉ giúp nhóm dân số này được bảo vệ tốt hơn mà còn ngăn chặn nguy cơ virus lây lan sang các nhóm dễ bị tổn thương khác…”, đồng thời ông tin tưởng đây sẽ là một "bước tiến quan trọng” trong cuộc chiến chống đại dịch của thế giới./.

Nguồn: https://dangcongsan.vn/

 
Tin liên quan