KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 08/11/2017 - Lượt xem: 156
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017):Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam

Dù thế giới có đổi thay, tình hình thế giới có đầy biến động thì chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phấn đấu thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử vĩ đại, có ảnh hưởng sâu rộng và làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới. Thắng lợi đó không chỉ là động lực mạnh mẽ, cổ vũ nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc vùng lên, đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột để tự cứu mình và giải phóng mình, mà còn là xung lực mạnh mẽ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển, lan tỏa sang châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.

1. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại. Đó là, lần đầu tiên trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, liên minh công nhân, nông dân và binh lính Nga đã đồng loạt đứng lên, lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Xôviết - Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới; đưa nhân dân Nga từ thân phận nô lệ thành người làm chủ; đồng thời mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga - kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội từng diễn ra trong lịch sử loài người, chỉ nhằm thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác, Cách mạng Tháng Mười Nga đã thủ tiêu mọi hình thức bóc lột giai cấp và áp bức dân tộc; đã đập tan chủ nghĩa đế quốc ở khâu yếu nhất, từ đó phân chia thế giới thành hai chế độ đối lập nhau là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, mở đường thắng lợi cho độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, mở ra con đường cách mạng vô sản cho giai cấp công nhân ở các nước tư bản và nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc; mở đầu sự gắn bó chặt chẽ giữa phong trào cách mạng vô sản ở các nước tư bản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc thành một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc; đánh dấu sự thắng lợi và mở đường cho chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào tất các quốc gia, dân tộc khác nhau trên thế giới, nhất là các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Có thể khẳng định rằng, động lực và nguồn cảm hứng từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã đưa đến xu hướng phủ định, thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn và noi gương Cách mạng Tháng Mười Nga, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên, đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để xây dựng đất nước. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước, tiếp đó đã phát triển trở thành một hệ thống thế giới. Về sự kiện trọng đại này, Lênin khẳng định: “Chúng ta tự hào và thực thế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước Xô viết và do đó, mở đầu thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của một giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới (…) tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”[1]. Còn Hồ Chí Minh, khi ấy đang trong hành trình tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đã ủng hộ thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới một cách tự nhiên, vì không có nhiều thông tin, vì “chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó”[2], song với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, cũng đã khẳng định rằng: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu sa như thế (...) Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, mở ra một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”[3].

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã có tác động to lớn đến việc quyết định con đường cứu nước của Hồ Chí Minh, đến cách mạng Việt Nam sau đó. Vào thập niên 1920, trong lúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đang gặp phải khó khăn về tổ chức lãnh đạo và đường lối, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy ở chủ nghĩa Lênin và bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga “chiếc cẩm nang thần kỳ” để hoạch định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đã đi từ “cảm tình” đến niềm tin khoa học; từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, với Cách mạng Tháng Mười Nga và con đường cách mạng vô sản “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn” và dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi theo con đường thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Sau đó, những hoạt động lý luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh đều nhằm hướng công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo của cách mạng vô sản. Bằng các bài viết xuất hiện liên tục trên báo Nhân đạo, Đời sống công nhân, Tạp chí Cộng sản,v.v.. đặc biệt là báo Người cùng khổ, Hồ Chí Minh đã công khai lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp, kêu gọi sự ủng hộ của người lao động Pháp với cuộc đấu tranh của người dân ở các thuộc địa. Đồng thời, trên các phương tiện thông tin, trên các diễn đàn quốc tế, Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tuyên truyền cho Quốc tế Cộng sản, cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, cho chủ nghĩa xã hội mà Lênin cùng những người đồng chí của mình đang thực hiện ở nước Nga với kỳ vọng sẽ thực hiện thắng lợi ở nhiều nơi khác, trong đó có Việt Nam.

2. Khát vọng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi” và bài học kinh ngiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, mô hình tổ chức nhà nước Xôviết đã hấp dẫn Hồ Chí Minh, thôi thúc Người tìm đường đến với đất nước của Lênin vĩ đại. Lênin đã mất, nhưng Quốc tế thứ III - Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập (6/3/1919), để lãnh đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và khẩu hiệu: “Vô sản các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” đã nêu cao “ngọn cờ của quốc tế cho những người bị áp bức” vẫn sống mãi trong lòng nhân dân thế giới. Và do đó, “khi còn sống, Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”[4].

Lênin - một con người vĩ đại, không những chỉ muốn giải phóng nước Nga của mình mà còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc khác nữa; vì thế, “thật dĩ nhiên là tất cả những hy vọng của người nô lệ bị áp bức ở các nước thuộc địa vào một tương lai tốt đẹp đều gắn với tên tuổi của Lênin”. Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: Lênin là người “đã đặt cơ sở cho một kỷ nguyên mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”, đồng thời nhấn mạnh: “Vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”[5].

Hồ Chí Minh đến nước Nga khi Lênin vừa mất. Không được gặp Lênin, nhưng Hồ Chí Minh đã đi viếng Lênin, tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân (1923), Quốc tế cứu tế đỏ (1924), Quốc tế thanh niên (1924), Quốc tế công đoàn (1924)… Dù thời gian dừng lại không dài, song những kiến thức học được, những nỗ lực hoạt động của Người với tư cách là một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế ở nước Nga đã giúp Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc hơn về Lênin và chủ nghĩa Mác - Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga và những bài học kinh nghiệm quý báu của nhà nước Nga Xôviết, để từ đó hoạch định một lộ trình cho công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cuối năm 1924, Hồ Chí Minh rời nước Nga để trở về gần Tổ quốc, mang theo những khát vọng về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của Lênin vĩ đại về thực hiện ở Việt Nam; và đó là con đường mà Người đã chọn. Tháng 11/1924, từ Quảng Châu, Trung Quốc - trung tâm cách mạng của châu Á, Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính Đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mácxít Lêninnít. Bằng những bài giảng của mình cho những thanh niên Việt Nam yêu nước tại lớp huấn luyện chính trị, bằng việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, ra báo Thanh Niên,v.v.. Hồ Chí Minh đã đem đến cho phong trào cách mạng trong nước một luồng sinh khí mới. Tư tưởng chính trị và luồng sinh khí ấy được thể hiện rõ trong tác phẩm Đường Cách mệnh, xuất bản 1927. Trong tác phẩm ấy, một lần nữa Cách mạng Tháng Mười Nga, tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó đã được Hồ Chí Minh khẳng định: đó là, “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là thành công, và thành công đến nơi” và “cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Qua những bài giảng ở lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu, một đội ngũ những người cán bộ cốt cán, được trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa cộng sản, Đảng Cộng sản, phương pháp đấu tranh, vận động cách mạng mới,v.v.. theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đã trưởng thành dần trong thực tiễn. Những điều kiện cho sự ra đời của bộ chỉ huy tối cao đã chín muồi và các tổ chức cộng sản -những hạt giống đỏ của công cuộc giải phóng dân tộc đã nảy mầm. Và ngày 3/2/1930, Hồ Chí Minh đã bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, chủ trì và tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập  Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo, mà nội dung cốt lõi là: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được thông qua. Sau này, khi nói về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời của Đảng ta, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Chúng ta không được quên rằng, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười”[6].

3. Dưới ngọn cờ độc lập, tự do của Hồ Chí Minh, với đường lối chính trị đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam; từng bước giải quyết một cách hợp lý giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhân dân Việt Nam đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một nhà nước kiểu mới được tổ chức trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xôviết và các nhà nước khác, có những sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, đã đồng hành cùng nhân dân vững vàng bước vào cuộc trường chinh và giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp xâm lược sau chín năm trường kỳ (1946 - 1954). Miền Bắc được giải phóng và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam trong hành trình tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sau 21 năm trường kỳ kháng chiến (1954-1975), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khó của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn; cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, đúng như V.I.Lênin khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều đi đến xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ”[7].

Chủ nghĩa xã hội là ước mơ, là mục tiêu mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Nói như Hồ Chí Minh đi lên chủ nghĩa xã hội để “làm sao cho dân giàu nước mạnh”; “là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”[8], “Chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no”[9], “mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”[10]; “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”,v.v.. Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và những bài học kinh nghiệm của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta gần 90 năm qua, đã, đang và sẽ chứng tỏ rằng: “Dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác - Lênin, đi theo con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, với lòng tin cậy hoàn toàn ở quần chúng và niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi, chúng ta dũng cảm và kiên quyết tiến tới tương lai sung sướng và rực rỡ, tiến tới hữu nghị và hoà bình lâu dài, tiến tới xã hội xã hội chủ nghĩa”[11].

Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch đã và đang điên cuồng chống phá, âm mưu phủ nhận mọi thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã từng bước khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiếp tục hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, kiên định con đường đã chọn, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã khẳng định: “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội[12]”.

Kiên định: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, nhân dân ta không chỉ kiên định với con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra mà còn góp phần khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa to lớn không thể phai mờ của cuộc cách mạng vĩ đại này. Thành tựu sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của nhân dân Việt Nam, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, được thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, v.v..; vị thế của Việt Nam được nâng cao trong khu vực và trên trường quốc tế đã cho thấy, Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội với cách đi và bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trên hành trình ấy, Đảng ta và nhân dân ta không dao động; không bi quan; không đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào. Với lòng biết ơn sâu sắc về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lênin và Cách mạng Tháng Mười” [13] và “mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc” [14].

100 năm sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 thành công, 42 năm sau ngày một nước Việt Nam được hòa bình, độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, có thể tin tưởng chắc chắn rằng: Dù thế giới có đổi thay, tình hình thế giới có đầy biến động thì chủ nghĩa Mác - Lênin và ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn luôn tỏa sáng, soi đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phấn đấu thực hiện “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tiếp tục vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Theo tuyengiao.vn
TS. Văn Thị Thanh Mai

 ----------

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Xã hội, Pari và Nxb. Ngoại văn, M, 1961, t.33, tr.47.

[2], [9], [10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t.12, tr.561,433, 604.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.387- 388.

[4], [5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.257, 304.

[6] Trường Chinh: Cách mạng Tháng Mười và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, H, 1957, tr.28.

[7] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M, 1981, tr.160.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.593.

[11], [13], [14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.177, 392-393, 397.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.69.

 

Tin liên quan