Tháng Tám mùa Thu lịch sử năm 1945 - thời khắc sục sôi khí thế cách mạng của hàng loạt các cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động. Triệu người như một - Tất cả cùng nhất tề đứng lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước: khẩn trương, rầm rộ và giành thắng lợi to lớn.
Khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền bộ phận
Ngày 9-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp nhằm chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh). Ngày 12-3-1945, Hội nghị đã ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời quyết định “phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”.
Thực hiện lời hiệu triệu của bản Chỉ thị, nhân dân ta tiến hành cao trào kháng Nhật cứu nước đầy sục sôi: Ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân phối hợp với lực lượng chính trị của quần chúng đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh chiếm nhiều đồn bốt, giải phóng hàng loạt xã, châu, huyện, chính quyền cách mạng được thành lập.
Tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, phong trào “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” diễn ra sôi nổi ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh,.... Hàng triệu quần chúng kéo đi phá kho thóc, chống đói diễn ra bằng nhiều hình thức từ thấp lên cao và nhiều nơi đã giành được chính quyền.
Đồng thời với phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói, làn sóng khởi nghĩa từng phần đã phát triển đến cao trào diễn ra ở diện rộng: Việt Minh lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở Tiên Du (Bắc Ninh), Bần Yên Nhân (Hưng Yên); tù nhân chính trị nhà giam Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã khởi nghĩa; hàng nghìn đảng viên, cán bộ trong các Nghĩa Lộ, Hỏa Lò, Buôn Ma Thuột,… đã nổi dậy phá nhà giam, vượt ngục ra ngoài hoạt động. Nhiều địa phương đã thành lập được chính quyền cách mạng của nhân dân.
Với một cao trào cách mạng do Đảng ta phát động diễn ra mạnh mẽ chưa từng thấy trong cả nước từ tháng 3-1945 đến giữa tháng 8-1945, chứng tỏ tình thế cách mạng trực tiếp đang tới gần, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước
Ngày 14-8-1945, Nhật hạ vũ khí đầu hàng Đồng minh, khiến cho quân Nhật tại Đông Dương rơi vào tình thế tuyệt vọng, hoang mang và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã. Nắm bắt được đây là điều kiện khách quan có lợi, Trung ương Đảng đã phát lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa, chiều ngày 16-8-1945, một đơn vị quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Từ ngày 14 – 18-8-1945, hầu hết các tỉnh miền Bắc, quần chúng đã nổi dậy giành chính quyền. Ngày 18-8-1945, lực lượng khởi nghĩa ở Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lị sớm nhất cả nước.
Tại Hà Nội, ngày 19-8-1945, chính quyền đã hoàn toàn về tay nhân dân, thúc đẩy thời cơ chín muồi cho khởi nghĩa các địa phương nhanh hơn.
Tại Huế, nhân dân giành được chính quyền ngày 23-8-1945.
Tại Sài Gòn, ta giành được chính quyền vào ngày 25-8-1945.
Ở các địa phương khác, đến ngày 28-8-1945, chính quyền đã về tay nhân dân. Chiều ngày 30-8-1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Ngọ Môn (Huế), vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và nộp ấn kiếm cho chính phủ lâm thời. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công trong cả nước.
Như vậy, sau 5 tháng vận động cao trào cách mạng sục sôi khí thế trong cả nước (từ tháng 3 đến giữa tháng 8/1945) và chỉ trong 15 ngày lãnh đạo quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa (14-28/8/1945), cách mạng tháng Tám đã thành công khi Đảng ta mới 15 tuổi. Có được thắng lợi mang tầm vóc lịch sử và sức ảnh hưởng to lớn đó chính là kết quả sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào cách mạng Việt Nam một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bài học kinh nghiệm về chọn đúng thời cơ và nghệ thuật khởi nghĩa.
Lê Thị Hiếu (tổng hợp)