Tái cấu trúc hình thái đô thị, tăng liên kết vùng
Sáng 10/6, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội tại hội trường về chủ trương đầu tư 2 dự án trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định, đây là 2 dự án có tính đột phá chiến lược, tháo điểm nghẽn của 2 trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đồng thời tạo động lực kích hoạt sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Cho rằng đây cũng là các quyết sách cần thiết, kịp thời của Quốc hội để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và hiện thực hóa những giải pháp và hành động để đạt mục tiêu năm 2030-2045 của đất nước, đại biểu nhấn mạnh, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm triển khai thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Đại biểu nhấn mạnh, một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô là tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố.
Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng Thành phố Hồ Chí Minh gặp phải mà là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới, nên hướng phát triển của vùng Thủ đô là phải phát triển đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài, đại biểu phân tích.
Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) nhấn mạnh, với hệ thống đại đô thị, việc hoàn thiện các hệ thống đường vành đai và xuyên tâm vô cùng quan trọng, do đó các tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 trong vùng Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần thiết phải đầu tư ngay và làm càng sớm càng tốt.
Theo đại biểu, đường Vành đai 4 vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía bắc như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam và trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh, kết nối một số vùng đậm nét văn hóa, với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Đại biểu cho rằng, yếu tố quan trọng để làm nên thành công của dự án là các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình qua nhiều tỉnh, vì vậy cần có 1 cơ chế thống nhất về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến.
Đại biểu Tạ Thị Yên nêu ý kiến góp ý tại phiên họp. (Ảnh: LINH KHOA)
Chung quan điểm, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có.
Đại biểu đề nghị cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để bảo đảm việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Tạo cơ chế đặc thù trong triển khai thực hiện
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu thảo luận. (Ảnh: LINH NGUYÊN)
Tham gia đóng góp ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đánh giá, hai dự án này có nguồn vốn đầu tư rất lớn, lần đầu tiên có sự phối hợp đồng bộ trong sử dụng nguồn vốn Trung ương với nguồn vốn địa phương và có cơ chế đặc thù huy động nguồn vốn hợp pháp khác.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nguồn vốn Trung ương đã được xác định rất cụ thể, nhưng nguồn vốn các tỉnh thì lấy từ nguồn vốn tăng thu, trong khi kế hoạch đầu tư công trung hạn của các tỉnh, thành phố đều đã được bố trí chặt chẽ, đầy đủ danh mục các dự án. Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương quan tâm tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có sự tăng thu để đáp ứng được cơ cấu nguồn vốn này.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đặc thù để các địa phương chủ động triển khai các dự án đạt tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra.
Đại biểu Khuất Việt Dũng phát biểu thảo luận. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)
Chung quan điểm, đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) đề nghị Quốc hội thông qua các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cần có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, nếu cần thì cho phát hành trái phiếu để thu hút nguồn lực.
Theo đại biểu, về ngắn hạn, các dự án này tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo doanh thu, việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các bộ, ngành, địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Chung nhận định, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nhất trí cho rằng, trong lĩnh vực phát triển đường cao tốc, thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, 2 tuyến đường này đóng vai trò như là mẫu hình của tư duy mới về đột phá phát triển, về tầm nhìn tổng thể và sự minh bạch. Do đó, trong quá trình triển khai dự án, đại biểu cho rằng không chỉ đòi hỏi trách nhiệm, tinh thần đổi mới sáng tạo của các địa phương, mà còn phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới, đại biểu đề xuất.
Đại biểu Lê Hoài Trung đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận. (Ảnh: NGUYÊN LINH)
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) cho rằng, hai dự án này gắn với những đột phá về cơ sở hạ tầng để thực hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025, 2030 và đều là những khu vực có ý nghĩa chiến lược.
Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn, thí dụ, thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các nhà đầu tư, từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết và giúp thúc đẩy triển khai dự án. Bên cạnh đó, cũng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót.
Quan tâm đến các tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm hiệu quả của các tuyến đường vành đai, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lưu ý, trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để bảo đảm tuyến đường sử dụng được khoảng 100 năm.
Theo đại biểu, trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.