KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 16/03/2022 - Lượt xem: 112
Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản mang về 9 tỷ USD trong năm 2022

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm 2022 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; đặc biệt là cá tra có sự tăng trưởng mạnh ở mức trên 83%; tôm trên 34%...

Ky vong xuat khau thuy san mang ve 9 ty USD trong nam 2022 hinh anh 1
Thu hoạch cá tra tại phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)
Xuất khẩu ngành thủy sản ngay từ những tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc tiếp nối sự bứt phá ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2021.
Các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại thuỷ sản có thế mạnh. Sự tăng tốc ngay từ đầu năm được kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản năm 2022 sẽ mang về trên 9 tỷ USD - con số bị lỡ hẹn đã nhiều năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm 2022 đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 47,2%; đặc biệt là cá tra có sự tăng trưởng mạnh ở mức trên 83%; tôm cũng trên 34%...
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng.
Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng nên cả nông, ngư dân và doanh nghiệp đều tích cực sản xuất, lạc quan vào một năm bội thu.
Sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19, Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, công ty có 4 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh với công suất chế biến từ 600-1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày. Hiện công ty có đơn hàng rất nhiều, giao hàng không kịp cho khách hàng.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm, xuất khẩu tôm đã có sự tăng trưởng là 43% so với cùng kỳ năm 2021. Trong các sản phẩm tôm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất với 157%. Ba thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng khá tốt.
Riêng với thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, sự tăng trưởng tốt ở thị trường này đã giúp Việt Nam vẫn duy trì được vị trí số 4 trong các nguồn cung tôm chính cho Mỹ.
Theo VASEP, dù hiện tình hình lạm phát tại Mỹ tăng mạnh nhưng với các chính sách ổn định kinh tế của Mỹ thì nhu cầu tôm dự kiến vẫn tăng mạnh trong năm nay. Không chỉ tôm, Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản từ Việt Nam như cá tra, đặc biệt cá ngừ tăng gấp hơn 3 lần.
Diện tích nuôi tôm cả nước hiện đạt trên 740.000ha; sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới. Dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm.
Yếu tố này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục, có năng suất cao hơn hẳn so với trước. Thị trường khởi sắc cộng với khả năng sản xuất tốt sẽ giúp sản phẩm tôm Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại các nước.
Sau ba năm giá thấp, giờ đây giá cá tra nguyên liệu đã đạt từ 27.000-30.000 đồng/kg. Hiện nay, các doanh nghiệp cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đáp ứng không kịp các đơn hàng.
Cùng với đó là cá tra sản xuất theo chuỗi đã đạt trên 87% và 100% diện tích nuôi được cấp mã số giúp truy xuất nguồn gốc sẽ là lợi thế để cá tra bứt tốc có thể đạt 2 tỷ USD trong năm nay.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP, hiện nay, các thị trường lớn nhập cá tra Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá tốt và giá cao. Dự báo xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20-25% so với năm 2021.
Không chỉ tôm hay cá tra, nhiều loại hải sản như mực, bạch tuộc, cua, ghẹ... đều ghi nhận với mức tăng trưởng ở hai con số.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) nhận định, thị trường năm 2022 nhìn chung vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch COVID-19. Nếu dịch giảm dần, hoạt động du lịch, dịch vụ tăng lên, người tiêu dùng đi nhà hàng, khách sạn nhiều, nhu cầu phân khúc này tăng lên, cùng song hành là mảng bán lẻ vẫn duy trì, thì mức tiêu thụ sẽ cao hơn.
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, việc tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường là hoạt động thường xuyên của đơn vị, nhất là thị trường Trung Quốc, Mỹ.
Riêng thị trường Trung Quốc với chính sách “Zero COVID” thì Việt Nam vẫn có các lô hàng bị cảnh báo liên quan tới COVID-19. Do vậy, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container... để đảm bảo trong kiểm soát dịch.
Ky vong xuat khau thuy san mang ve 9 ty USD trong nam 2022 hinh anh 2
VASEP cho biết, sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như trước dịch COVID-19. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)
Trong khi những cơ hội về thị trường đang mở ra, thì việc thiếu nguyên liệu đầu năm, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2022.
Giờ đây các thị trường nhập khẩu thủy sản không chỉ có những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng mà còn cả truy xuất nguồn gốc, nhãn sinh thái... Với cá tra, hiện đã có 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, ngược lại số vùng nuôi tôm được cấp mã số lại quá thấp.
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng nuôi tôm với những cơ sở đủ điều kiện, không chờ đợi đến khi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được sửa đổi rồi “làm một thể.” Khi đó việc cấp mã số sẽ làm không kịp để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng; đặc biệt là chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.
Các doanh nghiệp gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu-nhà máy chế biển-cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan