Mặc dù tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn chưa rõ ràng, song các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại bởi kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa gây tổn thương tế bào của người. Việc các hạt ô nhiễm trong không khí xâm nhập vào cơ thể người cũng gây ra hàng triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Một lượng lớn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, và vi nhựa hiện đang làm ô nhiễm toàn bộ hành tinh, từ đỉnh núi Everest đến các đại dương sâu nhất. Các nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng, con người hấp thụ các hạt siêu nhỏ qua thức ăn và nước uống, thậm chí việc hít thở không khí cũng góp phần đưa vi nhựa vào cơ thể. Những hạt này cũng từng được tìm thấy trong phân của người lớn và trẻ sơ sinh.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của 22 người trưởng thành khỏe mạnh và phát hiện 17 người có hạt vi nhựa trong cơ thể. Một nửa số mẫu chứa nhựa PET, loại thường được dùng cho chai đựng đồ uống; 1/3 số mẫu chứa polystyrene, loại nhựa được sử dụng trong đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Trong khi đó, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, thành phần chính của các loại túi nhựa.
“Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy chúng ta có các hạt polymer trong máu. Đây là một phát hiện đột phá. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải mở rộng nghiên cứu và tăng kích thước mẫu, tăng số lượng polymer được đánh giá và thực hiện nhiều công việc khác”, nhà độc tố sinh thái Kick Vethaak, giáo sư tại Đại học Vrije Universiteit Amsterdam (Hà Lan), cho biết.
Theo ông Vethaak, hạt vi nhựa hiện diện trong máu và được vận chuyển khắp cơ thể. Nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng hàm lượng vi nhựa trong phân của trẻ sơ sinh cao gấp 10 lần so với người lớn, và trong quá trình được cho ăn bằng bình nhưa, trẻ có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.
“Chúng ta đều biết rằng nhìn chung, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với các hạt và chất hóa học. Điều này khiến tôi vô cùng lo lắng”, ông Vethaak chia sẻ.
Nghiên cứu mới áp dụng các kỹ thuật hiện có để kiểm tra và phân tích các hạt có kích thước nhỏ đến 0,0007mm. Một số mẫu máu được phát hiện chứa 2 hoặc 3 loại nhựa. Nhóm chuyên gia đã sửa dụng kim tiêm thép và ống thủy tinh để loại trừ khả năng nhiễm bẩn.
Giáo sư Vethaak cho biết có sự khác nhau đáng kể về số lượng và loại nhựa giữa các mẫu máu. Sự khác biệt này có thể do sự phơi nhiễm ngắn hạn trước thời điểm lấy mẫu máu, chẳng hạn như uống từ cốc có lót nhựa hoặc đeo khẩu trang làm từ chất liệu nhựa.
“Câu hỏi lớn đặt ra là điều gì đang xảy ra trong cơ thể chúng ta? Các hạt vi nhựa có bị giữ lại trong cơ thể không? Chúng có thể di chuyển đến một số cơ quan nhất định, chẳng hạn như vượt qua hàng rào máu - não không? Và liệu lượng vi nhựa có đủ cao để gây bệnh không? Chúng ta rất cần tài trợ cho những nghiên cứu sâu hơn để tìm câu trả lời cho những vấn đề đó”, ông Vethaak nhận định.
Nguồn: https://nhandan.vn