Chiến khu Việt Bắc có hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, cùng các di tích cách mạng với các địa danh gắn liền với lịch sử hào hùng của Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đang trở thành một nguồn lực to lớn để vừa phát triển du lịch, vừa đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong khu vực.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng tại Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) _Ảnh: TTXVN
Vùng Chiến khu Việt Bắc bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và Tuyên Quang; với diện tích tự nhiên là 37.204,39km2, dân số là 4.576.141 người (năm 2020). Vùng Chiến khu Việt Bắc được gọi là Thủ đô kháng chiến, là nơi có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự và xã hội; là vùng đất trung kiên, nghĩa tình, có nhiều đóng góp to lớn trong thời kỳ “tiền khởi nghĩa” và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).
Vùng Chiến khu Việt Bắc nằm trọn trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ - một trong 7 vùng du lịch của cả nước đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30-12-2011, của Thủ tướng Chính phủ. Đây là khu vực có vị trí địa lý rất thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, ngay sát Thủ đô Hà Nội, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, có tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú cả về tự nhiên và văn hóa.
Về tài nguyên du lịch tự nhiên, phần lớn diện tích của vùng Chiến khu Việt Bắc là đồi núi và cao nguyên. Do đặc điểm địa hình núi cao kết hợp các yếu tố khí hậu, hệ thống thủy văn sông suối và các hồ, thảm thực vật..., vùng Chiến khu Việt Bắc có nhiều cảnh quan hùng vĩ và đẹp với nhiều đỉnh núi cao, vực sâu, nhiều thắng cảnh đẹp, tạo nên những cảnh quan đặc biệt hấp dẫn, tiêu biểu như núi Mẫu Sơn, thảo nguyên Khau Sao (tỉnh Lạng Sơn); Đồng Văn, Mã Pí Lèng, thác Tiên, đèo Gió (tỉnh Hà Giang)... Đặc biệt, Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là những công viên địa chất toàn cầu. Khí hậu của vùng Chiến khu Việt Bắc mang đặc điểm nhiệt đới ẩm gió mùa, có mùa đông lạnh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của địa hình vùng núi, phù hợp cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Nơi đây có nhiều hang đẹp, rộng, như hang Pắc Pó, động Ngườm Ngao (tỉnh Cao Bằng)...; có mạng lưới sông, suối khá dày đặc với cảnh quan đẹp, như sông Kỳ Cùng, sông Thương (tỉnh Lạng Sơn); sông Nho Quế (tỉnh Hà Giang)...; có nhiều hồ nước lớn, như hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), hồ Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn)...; có nước khoáng, nước nóng có khả năng sử dụng làm nước uống, chữa bệnh và phục vụ phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp phục hồi sức khỏe. Các hệ sinh thái ở đây rất đa dạng và phong phú, tập trung chủ yếu ở các vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, có ý nghĩa về khoa học, kinh tế, giáo dục môi trường và đặc biệt có ý nghĩa cho việc khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, như các vườn quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), Phia Oắc - Phia Đén (tỉnh Cao Bằng)...; các khu bảo tồn thiên nhiên như Hữu Liên (tỉnh Lạng Sơn); Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn); Thần Sa - Phượng Hoàng (tỉnh Thái Nguyên); các khu bảo tồn loài - sinh cảnh như khu bảo tồn loài vượn Cao Vít Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng)...
Về tài nguyên du lịch văn hóa, nơi đây tập trung nhiều di tích văn hóa lịch sử, cách mạng, nghệ thuật, kiến trúc, khảo cổ. Hiện nay, cả nước có khoảng trên 40.000 di tích, trong đó có 2.509 di tích đã được xếp hạng; riêng 6 tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc có 98 di tích các loại đã được xếp hạng, chiếm 3,9% cả nước. Trong số các di tích xếp hạng, có nhiều di tích văn hóa lịch sử cách mạng đặc biệt quan trọng, có giá trị cao đối với phát triển du lịch, như Pắc Bó (tỉnh Cao Bằng); Tân Trào, Khu di tích Kim Bình (tỉnh Tuyên Quang); ATK Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên);...
Các di tích kiến trúc, nghệ thuật và khảo cổ cũng rất đa dạng, như Dinh thự “Vua Mèo”; phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang); Ải Chi Lăng, các di chỉ khảo cổ Thẩm Khuyên - Thẩm Hai - Kéo Lèng (tỉnh Lạng Sơn); Thành Nhà Mạc (tỉnh Tuyên Quang)...
Học sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại lán Nà Nưa thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Các giá trị văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, trong đó phải kể đến giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, như nếp sống sinh hoạt truyền thống, lễ hội, ca múa nhạc dân gian, làng nghề..., đặc biệt là Thực hành Then của người Tày, Nùng được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 13-12-2019. Vùng Chiến khu Việt Bắc là nơi cư trú của 46 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng; lễ hội cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao...
Với lợi thế trên, vùng Chiến khu Việt Bắc phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau, đặc biệt là du lịch cách mạng, bao gồm tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử, từ ATK Tân Trào - Tuyên Quang đến ATK Định Hóa - Thái Nguyên và Chợ Đồn - Bắc Kạn hay quần thể di tích lịch sử Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới năm 1950, Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (tỉnh Cao Bằng) hay Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn)... Bên cạnh đó, có thể khai thác độc lập nhóm sản phẩm du lịch về nguồn hoặc kết hợp với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, khám phá những cung đường và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương.
Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch là động lực cho phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, các địa phương trong vùng với tiềm năng lợi thế của mình ở các cấp độ khác nhau đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện phát triển ngành du lịch, đều xác định du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhà nước đã dành nhiều kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch cho các tỉnh thuộc khu vực này. Đường giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, như Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, Quốc lộ Thái Nguyên - Chợ Mới, Quốc lộ 4 Cao Bằng - Lạng Sơn, Quốc lộ 279 Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang... Công tác đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch được quan tâm, chú trọng. Các tỉnh, thành phố đã bước đầu thực hiện việc liên kết trong xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm định vị hình ảnh du lịch vùng “Chiến khu Việt Bắc” hấp dẫn du khách. Nhiều sản phẩm du lịch khai thác trên nền tảng các giá trị văn hóa, lịch sử và trở thành thương hiệu của các tỉnh, như Lễ hội thành Tuyên (tỉnh Tuyên Quang); chợ tình Khau Vai, lễ hội hoa tam giác mạch (tỉnh Hà Giang)... thu hút đông đảo, khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện nay, toàn vùng có gần 1.300 cơ sở lưu trú, trong đó có nhiều khách sạn đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao; có hàng trăm cơ sở ăn uống, nhà hàng; gần 70 doanh nghiệp lữ hành với hơn 800 xe vận chuyển khách du lịch(1). Trong 5 năm (2015 - 2020), tốc độ tăng trưởng khách du lịch của vùng đạt trung bình gần 4,5%/năm; tăng trưởng bình quân đạt 11%/năm; trong đó, một số tỉnh có sự tăng trưởng đều là Hà Giang, Lạng Sơn và gần đây là Cao Bằng. Nhiều chính sách khai thác sản phẩm được triển khai, như quy hoạch các điểm du lịch, làng văn hóa dân tộc, tổ chức các lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại, khai thác các cảnh quan thiên nhiên nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2020, số lượng khách du lịch đến các tỉnh ở Chiến khu Việt Bắc là, tỉnh Cao Bằng: 605.654 lượt khách nội địa; 12.011 lượt khách quốc tế; tỉnh Bắc Kạn: 195.366 lượt khách nội địa; 3.413 lượt khách quốc tế; tỉnh Hà Giang: 1.430.969 lượt khách nội địa; 70.319 lượt khách quốc tế; tỉnh Tuyên Quang: 1.704.330 lượt khách nội địa; 3.670 lượt khách quốc tế;...(2).
Cột cờ Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Tuy nhiên, cũng như nhiều vùng khác trên cả nước, nhân lực du lịch trong vùng còn yếu, thiếu tính chuyên nghiệp; hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả nên năng lực cạnh tranh còn thấp và chưa phát huy được tổng thể lợi thế về tài nguyên để phát triển du lịch. Hoạt động đầu tư mới chỉ tập trung ở một số địa bàn có điều kiện tương đối phát triển và đang có lượng khách du lịch lớn. Nhiều địa bàn có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nhưng chưa được đầu tư tương xứng; chưa khơi dậy, khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh; chưa có sự kết nối, liên kết mạnh mẽ để phát triển du lịch giữa các địa phương trong và ngoài khu vực.
Trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt trong là bối cảnh Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, vấn đề “liên kết, hợp tác và hội nhập” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cả quốc gia, của mỗi vùng và mỗi địa phương. Liên kết đã trở thành một đòi hỏi hết sức cấp thiết để tăng cường sức cạnh tranh của các thành phần tham gia. Liên kết trong phát triển du lịch nói chung được nhìn nhận khá rộng, từ liên kết địa lý liên vùng, liên quốc gia đến liên kết trong nội bộ vùng, nội bộ quốc gia; từ liên kết trong ngành du lịch đến liên kết chéo ngoài ngành; và liên kết sâu giữa các bên tham gia trong hoạt động du lịch.
Sự phát triển của du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Trước hết, sự phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc phải được đặt trong mối liên kết hợp tác quốc tế và khu vực phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác quốc tế chung của du lịch cả nước. Mặt khác, vùng Chiến khu Việt Bắc có vị trí chiến lược quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với các vùng khác, như vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, với hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), với tuyến du lịch Xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương và xa hơn là với các nước trong khối ASEAN và quốc tế..., do vậy “liên kết, hợp tác và hội nhập” là chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc.
Muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc, việc liên kết, hợp tác và phân công nhiệm vụ giữa các tỉnh trong nội vùng có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, nhằm phát huy các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung, khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển. Việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao cho toàn vùng..., từ đó, tăng khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc.
Thực tế trong những năm qua cho thấy, liên kết phát triển du lịch vùng Chiến khu Việt Bắc còn hạn chế, cả về liên kết ngành trong cùng một tỉnh, liên kết giữa các tỉnh trong nội vùng, liên kết ngoại vùng và liên kết quốc tế. Mặc dù một số địa phương trong vùng đã tích cực và chủ động tìm giải pháp để tổ chức, phối hợp thực hiện các ý tưởng về liên kết du lịch với các địa phương khác; đã có nhiều hội nghị bàn về liên kết phát triển du lịch hoài niệm Việt Bắc, liên kết du lịch song phương, đa phương giữa các địa phương..., nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay liên kết phát triển du lịch trong vùng Chiến khu Việt Bắc chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Hiện nay, các chương trình du lịch khai thác từ các giá trị văn hóa, lịch sử mới chủ yếu phục vụ loại hình du lịch tham quan, giáo dục tư tưởng, tổng kết khen thưởng trong thời gian ngắn ngày. Các di sản văn hóa, lịch sử vẫn chưa thật sự tạo ra sức hút; hoạt động du lịch chưa có tính chuyên nghiệp cao; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn; doanh thu từ du lịch chiếm tỷ trọng thấp trong kinh tế của từng tỉnh. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử hiệu quả, tạo ra được dấu ấn riêng, bản sắc riêng cho sản phẩm du lịch của mỗi địa phương, tạo nên thương hiệu, tránh trùng lặp và đơn điệu về sản phẩm.
Nguyên nhân của vấn đề này là do tính hấp dẫn ở các điểm du lịch thấp, việc nghiên cứu các giá trị di sản để tạo hiệu ứng thu hút khách hiện mới được đầu tư, quan tâm gần đây. Các di tích lịch sử cách mạng thì thường do ban quản lý phụ trách, chủ yếu sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và mới tập trung bảo đảm nguyên tắc giữ gìn tính nguyên gốc, do đó rất cần có những nghiên cứu cụ thể, chi tiết và những nguồn lực đầu tư từ góc nhìn du lịch. Các công trình tôn tạo được bổ sung xây mới thường chủ yếu là nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật nhân vật, sự kiện, ít chú ý đến thiết kế không gian cảnh quan hay thủ pháp kiến trúc, nghệ thuật mang tính hấp dẫn, đặc sắc để thu hút khách du lịch. Các bản làng văn hóa với cách thức hoạt động du lịch na ná giống nhau. Các điểm khai thác từ chất liệu lịch sử có tính thẩm mỹ qua thị giác thu hút khách thấp, chủ yếu phải thông qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm thì các giá trị mới được hiện hữu và nổi bật lên được.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng của các địa phương vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Tại khu vực các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cho du khách phần lớn được xây dựng đã lâu, số lượng phòng ít, không đáp ứng đủ cho những đoàn khách có số lượng lớn hay nhu cầu nghỉ đa dạng, chủ yếu là nhà nghỉ, nhà khách nên chất lượng dịch vụ còn hạn chế, chất lượng internet, truyền hình kém, hệ thống nước nóng, máy lạnh chưa tốt... Dịch vụ cung cấp cũng chỉ có dịch vụ cho thuê phòng, không có các dịch vụ bổ sung khác.
Nhu cầu ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm... cho du khách cũng chưa được đáp ứng đầy đủ. Toàn vùng hầu như chưa có hệ thống cơ sở phục vụ hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm hiện đại; hệ thống sản phẩm dịch vụ bổ sung, quà lưu niệm đơn điệu, thiếu hấp dẫn... chưa đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách nên khách du lịch đến tham quan các điểm chỉ dừng chân trong ngày, ít lưu trú lại. Đây là nguyên nhân thời gian lưu trú của khách du lịch ngắn; doanh thu du lịch khai thác từ giá trị văn hóa, lịch sử còn thấp.
Hơn nữa, hiện nay, hoạt động du lịch không chỉ đơn thuần là thăm thú cảnh quan, mà đối với các sản phẩm khai thác từ các giá trị văn hóa, lịch sử, khách du lịch cần được biết, hiểu rõ những biểu hiện ẩn sâu sau những vỏ vật chất, khám phá những cái hay, cái đẹp, nét độc đáo của truyền thống văn hóa, lịch sử, nhất là với khách quốc tế. Song kỹ năng ngoại ngữ, diễn giải của một số thuyết minh viên, nhân viên phục vụ còn yếu, cách thức truyền đạt thông tin còn khô cứng, thiếu tính hấp dẫn; nhiều điểm chưa có thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại điểm, phải nhờ đến sự hỗ trợ của phiên dịch viên hoặc hướng dẫn viên đoàn du lịch của các doanh nghiệp lữ hành; đội ngũ nhân lực địa phương chưa được qua các lớp đào tạo kiến thức về du lịch...
Để hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng vùng Chiến khu Việt Bắc có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, cần thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, khuyến khích phối hợp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho các tỉnh trên địa bàn Chiến khu Việt Bắc; trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, như tuyến đường Cao - Bắc - Lạng, tuyến đường từ Lạng Sơn đi Cao Bằng (đường quốc lộ 4), các tuyến đường Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn - Cao Bằng; đường vào các khu, điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử. Ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống cụm di tích văn hóa lịch sử cách mạng, xây dựng nhanh hệ thống cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc... đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; đồng thời, tiếp tục xây dựng, nâng cấp và khai thác có hiệu quả các sân bay hiện có của các tỉnh.
Thứ hai, phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của vùng Chiến khu Việt Bắc ra quốc tế; xác định các chương trình (tour) du lịch điển hình cho toàn vùng; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách; thường xuyên trao đổi thông tin du lịch giữa các tỉnh với nhau thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin du lịch. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm liên kết hiện có, như tham quan danh thắng, di tích, nghỉ dưỡng, tắm suối, hồ, câu cá,... Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, hội nghị... Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của các địa phương trong vùng: nuôi và chế tác sản phẩm thủ công vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc, như nuôi ong mật, dệt áo thổ cẩm, trồng rừng,... Kết hợp khai thác tiềm năng du lịch với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tiếng đàn tính trên hồ Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...), với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương và toàn vùng đến khách du lịch trong nước và quốc tế; xây dựng những tour, tuyến hay chương trình du lịch về chiến trường xưa để tăng cường thu hút khách du lịch đến Chiến khu Việt Bắc. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc gắn với phát triển du lịch cộng đồng cùng các tuyến du lịch trong và ngoài nước, có cơ chế để huy động các chủ thể thuộc thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch.
Thứ tư, phối hợp để đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch; vận động các trang báo điện tử bảo trợ thông tin và xây dựng các chuyên đề, nội dung. Liên kết trang web của các tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch, đặc biệt là các địa phương đã ký kết hợp tác phát triển du lịch, như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,...
Thứ năm, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu của đơn vị nói riêng, địa phương nói chung... Tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có năng lực, am hiểu về các tỉnh, thành phố Chiến khu Việt Bắc, điểm du lịch của vùng để thuyết minh, hướng dẫn khách du lịch, giúp cho họ hiểu về những giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Thường xuyên quan tâm bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, bảo đảm khai thác bền vững tiềm năng du lịch của toàn vùng./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
---------------------
(1) Tổng hợp số liệu từ các địa phương vùng Việt Bắc tính đến tháng 6-2020
(2) Nguồn: Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh vùng Việt Bắc.