Trong phiên họp đầu năm sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 8/2/2022, Tổng Bí thư đã lưu ý, các cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (năm 2022-2023) theo Kết luận số 25-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị; trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Trong đó, nhấn mạnh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, phương án cụ thể để tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh, sinh viên trở lại trường học, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19…
Trong bối cảnh dịch bệnh đã phần nào đã được kiểm soát, mở cửa lại trường học đang là ưu tiên cao nhất hiện nay không chỉ với Việt Nam mà là chọn lựa của nhiều quốc gia trên thế giới. Đây được coi là biện pháp tốt nhất mà các quốc gia có thể thực hiện ngay để thích ứng linh hoạt, “bình thường mới” là “sống chung” với COVID-19. UNICEF và UNESCO khuyến cáo, trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học. Tại châu Âu, hầu hết các nước đã cho trẻ em đến trường, một số quốc gia như Pháp, dù diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, việc mở cửa trường học vẫn được duy trì từ cuối năm 2020 đến nay. Tại Mỹ, thủ đô Whashington D.C là nơi mới nhất cho học sinh tiểu học đi học trực tiếp trở lại. Tới đầu tháng 2, có 65% số quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã mở cửa hoàn toàn trường học và 35% mở cửa một phần.
Đại dịch thực sự đã làm gia tăng sự bất bình đẳng trong trường học và nguy cơ một bộ phận trẻ em không được tiếp cận giáo dục đầy đủ sẽ là hệ lụy lâu dài với gia đình, xã hội và các quốc gia. Nhiều chuyên gia y tế và giáo dục cũng như ý kiến của học sinh, sinh viên, phụ huynh cho thấy, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong lâu dài, tác động tới tâm lý, thể chất của các em và chất lượng dạy và học. Với học sinh đầu cấp 1 đang cần học nói và học viết nhưng không được đến trường, không có sự tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn. Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho hay, tỉ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020.
Hoạt động chủ đạo của học sinh là học tập, giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ngoài môi trường xã hội. Việc không được đến trường, các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn; cùng với đó, trẻ phải học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại, trong không gian hẹp với màn hình vi tính khiến khó có điều kiện phát triển trí tuệ cảm xúc, thiếu thốn kỹ năng, thái độ sống, chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt… Cả thầy và trò đều bị động trong việc dạy và học online khiến cho học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức. Nếu chất lượng đường truyền kém, phương tiện học tập không đảm bảo… cũng làm cho học sinh căng thẳng, mệt mỏi, giảm trí nhớ. Ở nhà nhiều, tiếp cận với phương tiện internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ khiến trẻ lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động, hoang mang lo lắng. Nhiều học sinh có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi… Con số thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về các vấn đề sức khỏe tinh thần của sinh viên cũng cho thấy: 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ và 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.
Các chuyên gia và nghiên cứu của các tổ chức cũng chỉ ra chi phí cho việc đóng cửa các trường học ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam là rất lớn và tạo ra những nguy cơ cản trở thế hệ trẻ em trong phát triển và học tập, làm gia tăng sự chênh lệch về tiếp cận học tập. Mặt khác, các quốc gia đều thừa nhận rằng, việc trẻ trở lại trường là một trong những bước quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Bởi khi không phải trông con, phụ huynh mới có thể tập trung làm việc và tạo ra giá trị kinh tế nhiều hơn cho chính mình và xã hội.
Theo Bộ GDĐT Việt Nam, năm 2021, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng đến toàn ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp. Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước.
CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN
Trong mong mỏi học sinh được sớm đi học trở lại, có ý kiến cho rằng, lộ trình mở cửa trường học chậm, chưa mạnh dạn. Tuy nhiên, trên quan điểm thận trọng, an toàn rồi mới đến thích ứng linh hoạt, việc xem xét các điều kiện đủ để mở cửa trường học trở lại là cần thiết.
Ở chiều ngược lại, cũng còn tâm lý e ngại việc mở cửa lại trong bối cảnh các ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng.
Các chuyên gia và nhà quản lý phân tích, nhận định, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi ở Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước cao nhất thế giới, với tỷ lệ bao phủ 2 mũi vaccine COVID-19 đạt gần 100% ở cả người lớn và trẻ từ 12-17 tuổi. Tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, khả năng và kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức và hiểu biết của người dân về dịch bệnh được nâng cao… Đây là những điều kiện tốt cho việc củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh và đây cũng là thời điểm hợp lý và cần thiết để đưa học sinh trở lại trường.
Trên thực tế, các hoạt các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội đã gần như hoàn toàn bình thường, nhiều gia đình đã cho con đi ra ngoài, đi chơi, ăn hàng quán với tâm lý sẵn sàng “sống chung với COVID-19”.
Tâm lý e ngại hay không quá lạc quan cũng là điều dễ hiểu và cần thiết để có các kịch bản và dự báo các tình huống xử lý. Lạc quan mà không đi liền với các giải pháp hữu hiệu cũng sẽ là nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là sau khi mở cửa trường học, các tình huống phát sinh như xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong trường thì sẽ được xử lý như thế nào? Liệu có tình trạng mở rồi lại đóng hoặc sẽ dẫn đến bùng phát trên diện rộng. Liệu có sự không thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu… Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nhóm từ 0-17 tuổi chỉ chiếm khoảng 0,42%; trong khi con số này ở độ tuổi từ 18-49 là trên 15%. Tuy con số 0,42% là rất thấp nhưng không có nghĩa là bằng 0. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, rủi ro sức khỏe đối với trẻ em và nhân viên giáo dục có thể được giảm thiểu. Lợi ích của việc trẻ được đến trường cũng đủ quan trọng và cần thiết để chúng ta dũng cảm vượt qua tâm lý e ngại, lo lắng.
RÁO RIẾT CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ MỞ CỬA TRƯỜNG HỌC
Các quốc gia mở cửa trường học sớm đều có văn bản hướng dẫn cụ thể, dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO. Trong đó, có các quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, ngày 24/1/2022, Bộ GDĐT đã ban hành công văn số 283/BGD ĐT-GDTC về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Theo đó, Bộ GDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc mở cửa trường học, trong đó, căn cứ tình hình dịch tại địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2/2022; đồng thời triển khai các giải pháp an toàn mở cửa trường học.
Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục. Ngày 27/1/2022, Bộ GD ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, ban hành Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học sửa đổi, bổ sung từ cuốn Sổ tay đã được ban hành ngày 23/1/2020. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Tổ chức Y tế Thế giới. Nhằm đánh giá tình hình tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, từ ngày 9/2/2022, Bộ GD ĐT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra khảo sát tình hình thực tế mở cửa trường học tại các địa phương, cơ sở giáo dục từ mầm non tới đại học.
Bộ Y tế cũng đã ban hành công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể: Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.
LƯU Ý MỘT SỐ VIỆC KHI HỌC SINH ĐI HỌC TRỰC TIẾP TRỞ LẠI
Ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công điện số 136/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp tại địa phương thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc học sinh.
Trong những ngày đầu học sinh quay lại học trực tiếp tại cơ sở giáo dục, cần dành lượng thời gian phù hợp để học sinh làm quen trở lại với việc học trực tiếp; hướng dẫn học sinh kiến thức phòng dịch, những việc cần làm và nguyên tắc cần tuân thủ trong phòng dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tuyệt đối không được để xảy ra việc kỳ thị đối với các trường hợp không may bị F0; tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến khác nhau ngay trong nội dung dạy học chính khóa, nhất là đối với học sinh không được học qua truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Các trường triển khai các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch và xử lý các tình huống phát sinh kịp thời và hiệu quả theo các phương án, kịch bản đã được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn; không chủ quan, xem nhẹ việc phòng dịch nhưng cũng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, để hạn chế bớt các rủi ro và bảo đảm sự an toàn nhất có thể đối với học sinh khi quay trở lại trường có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là các địa phương cần phải có kế hoạch tổng thể mở cửa trường học với sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Y tế, chỉ đạo công tác chuẩn bị trường lớp, các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch, các phương án, kịch bản dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh...
Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe cho học sinh từ nhà tới trường và thời gian ở trường là những nhân tố hết sức quan trọng để tránh được rủi ro và bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường. Việc thực hiện các quy định 5K phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần được tuân thủ tuyệt đối.
Thời gian này, báo chí, truyền thông cũng cần vào cuộc tích cực bám sát thông tin, tuyên truyền cho chủ trương mở cửa trường học, góp phần cung cấp thông tin, tạo sự đồng thuận của xã hội; Theo sát và phản ánh các hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá việc dạy và học, phòng dịch an toàn, từng bước đưa các hoạt động giáo dục trở lại bình thường và tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình học sinh, sinh viên đi học trở lại, cập nhật cho đến ngày 7/2/2022: Khối Mầm non và Tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2/2022 đến ngày 14/2/2022. Khối THCS: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong dó có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2/2022. Khối THPT: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2/2022. Khối THPT: 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7/2/2022. 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2/2022. |
Nguồn: https://tuyengiao.vn