Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các kiều bào về dự chương trình Xuân Quê hương đến dâng hương tại điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long _Ảnh: TTXVN
Vai trò của cộng đồng và hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài
Trong những năm qua, được sự chú trọng và lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Ban Dân vận Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo, hướng dẫn, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã có bước chuyển biến tích cực. Các tổ chức hội đoàn phát triển mạnh mẽ, phạm vi hoạt động rộng lớn; triển khai nhiều giải pháp toàn diện trong vận động, tập hợp, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; sẵn sàng giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại.
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, hơn 80% là ở các nước phát triển, đại bộ phận đồng bào có địa vị pháp lý và cuộc sống ổn định, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại. Trong 5 năm gần đây, tổng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt hơn 71 tỷ USD (tăng trung bình 6%/năm), góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Công tác xây dựng tổ chức hội đoàn và công tác cán bộ hội đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chất lượng hoạt động; trong đó, chú trọng tới việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tiến hành sàng lọc từ cấp cơ sở; phát huy tốt vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ hội đoàn trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cấp hội đoàn ngày càng được tăng cường, chất lượng công tác hội đoàn thường xuyên được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng ở ngoài nước.
Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng còn có những hạn chế nhất định, do địa bàn hoạt động ở một số nước rộng, đặc điểm cộng đồng khác nhau; chịu ảnh hưởng của môi trường chính trị và quan hệ ngoại giao giữa nước ta và nước sở tại; đồng thời, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nơi chưa được phát huy đúng mức. Công tác xây dựng tổ chức hội đoàn ở nhiều nơi chưa chặt chẽ, sinh hoạt lỏng lẻo, nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn. Sự phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cũng chưa thực sự chặt chẽ; còn có biểu hiện hình thức, né tránh, thiếu cụ thể, chưa toàn diện.
Hoạt động đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài có nơi, có lúc chưa đạt hiệu quả cao. Sự phối hợp trong xây dựng tổ chức hội đoàn và giữa tổ chức hội đoàn ngoài nước với các tổ chức, cơ quan chức năng trong nước cũng còn hạn chế. Việc ban hành một số chính sách, quy định, hướng dẫn còn chậm; triển khai một số chính sách, biện pháp chưa đồng bộ, kịp thời; kết quả vận động, thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, đầu tư, thương mại,... vì thế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Vai trò của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc nâng cao hình ảnh của Việt Nam ở nước sở tại và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, địa phương trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
Một số giải pháp đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ _Ảnh: TTXVN
Trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nhiều mặt tới môi trường an ninh và phát triển của đất nước ta, tạo ra cả thuận lợi và thách thức đan xen. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được nâng cao. Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới (giai đoạn 2021 - 2030), như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ, với yêu cầu cao hơn về phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong điều kiện đó, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài và việc vận động người Việt Nam ở nước ngoài có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng về củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Cần thực sự coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong xây dựng và triển khai các chính sách liên quan; đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào ta ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, yên tâm công tác, học tập, kinh doanh, sinh sống hội nhập tốt hơn ở nước sở tại.
Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ hội đoàn, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là phải chú trọng việc quán triệt các chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó có các chủ trương, quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn với công tác xây dựng hội đoàn; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục về lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài, gắn với tập trung đổi mới và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị và toàn thể các tầng lớp nhân dân.
Thường xuyên chủ động thông tin chuyên đề, thông tin về các vấn đề lý luận có liên quan và các thành quả của cách mạng Việt Nam, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nhằm truyền tải những thông tin chính xác nhất về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào ta ở nước ngoài trên cơ sở đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương tiện truyền thông, tận dụng các công cụ trên internet, như báo trực tuyến, các trang mạng xã hội; tập trung đưa sách, báo, tạp chí trong nước đến với cộng đồng, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài,...
Chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động thường xuyên, hướng về cội nguồn để nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó yêu mến quê hương, đất nước. Để giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ và cho cả cộng đồng, công tác dạy và học tiếng Việt cần tiếp tục được đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như tăng cường đội ngũ giáo viên, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa, hỗ trợ xây dựng trường lớp, tổ chức các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt,... Các cấp hội đoàn cần tổ chức các hoạt động phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên người Việt Nam ở nước ngoài, giúp thanh niên nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc rèn luyện, học tập và hướng về quê hương, Tổ quốc.
Hai là, nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động xây dựng cộng đồng, hướng về quê hương, đất nước; chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài.
Các phong trào, các cuộc vận động phải có sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở nước sở tại; sự phối hợp đồng bộ của hội đoàn với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong đó, cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo về chủ trương, định hướng thực hiện; cơ quan đại diện có chính sách, giải pháp phù hợp, hỗ trợ các phong trào, các cuộc vận động và công tác khen thưởng; đồng thời, hội đoàn cũng cần có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để động viên, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động. Mỗi phong trào, cuộc vận động cần xác định rõ nội dung, mục tiêu và thật sự có ý nghĩa thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn; đáp ứng quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài muốn bắt nhịp với hơi thở cuộc sống thực tiễn; đồng thời, triển khai phong trào phải đa dạng, đúng thời điểm và đúng đối tượng, bảo đảm phát huy hiệu quả vai trò to lớn của người Việt Nam ở nước ngoài.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đại diện luôn theo sát định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ các cấp hội đoàn xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến; thường xuyên có giải pháp để nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay có hiệu quả. Các mô hình phải mang lại hiệu quả thực tế, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, nội dung mà các phong trào, cuộc vận động đề ra. Tạo sức lan tỏa từ những mô hình tiêu biểu, với những giá trị nhân văn cốt lõi, như những tấm gương của tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc; có chế độ đãi ngộ để tạo động lực thúc đẩy những cá nhân tiêu biểu đó tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và cho quê hương, đất nước. Lồng ghép các nội dung của phong trào vào các hoạt động khác của các ban, ngành, đoàn thể trong nước; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng phong trào với xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển hài hòa, tiến bộ.
Thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, cuộc vận động; trong đó, phải chủ động đánh giá mức độ phát triển của phong trào để có thể đề ra được những giải pháp phù hợp, phát huy hiệu quả cao nhất của phong trào; đặc biệt là, xác định thời điểm cao trào của phong trào để đưa ra giải pháp thúc đẩy đúng lúc, mang lại hiệu quả cao, hoặc quyết định thời điểm kết thúc khi phong trào đã đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của đợt, giai đoạn phát động. Việc tổ chức cho đồng bào thực hiện phong trào thi đua phải có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các tổ chức, các cơ quan, đơn vị các cấp; sự phối hợp càng đồng bộ, kịp thời thì sự tác động tích cực đến nhân dân càng cao và hiệu quả.
Hội đoàn cần thực hiện tốt việc chăm lo và góp phần bảo hộ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên và người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong những thời điểm cộng đồng gặp nhiều khó khăn; quan tâm đặc biệt tới những địa bàn mà đồng bào chưa có được cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các hội đoàn mới thành lập, nhằm xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống và hướng về quê hương; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm đáp ứng đời sống tinh thần của đồng bào một cách thường xuyên hơn, đi kèm với việc hỗ trợ các trung tâm văn hóa của cộng đồng một cách hiệu quả, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng ở nước sở tại.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài làm việc với các đồng chí trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bổ nhiệm năm 2021 _Ảnh: TTXVN
Ba là, đa dạng hóa các hình thức đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy quyền chủ động, sáng tạo của hội đoàn các cấp trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với đặc điểm nước sở tại.
Đa dạng hóa những hình thức, nội dung tổ chức, tạo mọi điều kiện để đồng bào tham gia nhiều hơn vào các sự kiện chính trị, xã hội lớn của đất nước, gắn bó với cội nguồn, khơi dậy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thu hút được nhiều thế hệ đồng bào ở khắp nơi trên thế giới hưởng ứng. Người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện Đại hội Đảng; góp ý kiến đối với các vấn đề lớn liên quan đến kinh tế - xã hội, chủ quyền lãnh thổ và “quốc kế dân sinh”, các ý kiến đó phải được chuyển tới lãnh đạo cấp cao và các cấp có thẩm quyền. Đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu được tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Các hoạt động phát huy nguồn lực tri thức, kinh tế của đồng bào cần được tiến hành thường xuyên hơn, như hỗ trợ các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam về nước làm việc, tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nhân trong và ngoài nước...
Cùng với các phương thức hoạt động truyền thống, các cấp hội đoàn cần tiếp tục phát huy, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tập hợp, đoàn kết và định hướng hoạt động hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài trên không gian mạng. Tổ chức các phong trào, cuộc thi và coi trọng việc đăng tải rộng rãi các tin tức trên các trang mạng xã hội bằng hình thức trực quan, dễ hiểu, gần gũi, hiện đại. Các cấp hội đoàn phối hợp tổ chức để những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong thanh, thiếu niên và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên trao đổi, đối thoại về những nội dung, lĩnh vực mà cộng đồng quan tâm. Các hoạt động trên không gian mạng là môi trường thuận lợi để đoàn kết, tập hợp giới trẻ, doanh nhân, trí thức và tất cả cộng đồng hướng đến; theo đó, cam kết sử dụng hiệu quả lượng kiều hối, nghiên cứu thành lập quỹ tài chính kiều bào, cam kết các chính sách thuận lợi để thu hút nguồn kiều hối vào các dự án đầu tư, xây dựng ưu tiên, trọng điểm của đất nước.
Tăng cường đoàn kết, gắn bó các tổ chức hội đoàn ngay trong cộng đồng, giúp cộng đồng hội nhập sâu vào nước sở tại và hướng về quê hương. Sinh viên, du học sinh Việt Nam ở các nước chính là cầu nối giữa thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài không nói được tiếng Việt với đất nước. Hội Thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động trong các phong trào, hoạt động văn hóa của cộng đồng, như tổ chức các lễ hội truyền thống, thi viết tìm hiểu về Việt Nam..., giúp thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó và hướng về Việt Nam. Hội đoàn tích cực tham gia xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trong công tác nắm tình hình, mở rộng phạm vi tiếp xúc, đẩy mạnh việc vận động, đấu tranh với các nhóm, cá nhân có tư tưởng thù địch, không vì lợi ích chung của dân tộc, thúc đẩy xu hướng tất cả hướng về quê hương đất nước, chủ động tiếp xúc và đối thoại trực tiếp với một số tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng. Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với người có công, có thành tích nổi bật trong xây dựng cộng đồng và nhiều đóng góp cho đất nước, nhằm động viên kịp thời và tạo sự gắn bó giữa người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và của đất nước.
Bốn là, đổi mới và tăng cường công tác xây dựng tổ chức hội đoàn, công tác cán bộ hội đoàn và chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt, người có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tình hình mới. Tập trung chăm lo củng cố, xây dựng tổ chức hội đoàn vững mạnh; từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ hội đoàn có chất lượng, trưởng thành từ phong trào quần chúng; coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng tổ chức hoạt động đoàn kết, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ hội đoàn.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao tập trung củng cố các hội đoàn truyền thống, khuyến khích các hình thức tập hợp mới. Tổng kết đánh giá việc thí điểm công nhận và tạo điều kiện để các chi hội người Việt Nam ở nước ngoài trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,... xây dựng cơ chế phù hợp, cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Chú trọng, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc đồng hành, định hướng hoạt động của các hội sinh viên, hội lưu học sinh, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Những người Việt Nam sang học tập hoặc đi theo dạng lao động kỹ thuật cao cần được quan tâm, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong việc thu hút và gắn kết người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, vận động để thu hút thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các hội đoàn trong cộng đồng. Hiện nay, nhiều hội đoàn đã được thành lập, nhưng do hạn chế về ngân sách nên nhiều hội còn lúng túng trong các hoạt động. Vì vậy, Nhà nước cần dành một khoản ngân sách nhất định trong việc đào tạo cán bộ, hỗ trợ kinh phí cho hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động; củng cố tổ chức, hỗ trợ để hội đoàn hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước trong tập hợp kiều bào hướng về quê hương, đất nước.
Trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thăm Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám _Nguồn: dantri.vn
Công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phải đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, tổ chức có liên quan. Bảo đảm người Việt Nam ở nước ngoài thống nhất nhận thức về tiêu chí đối với người có uy tín trong cộng đồng; phân định rõ phạm vi, uy tín, ảnh hưởng của người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín trong cộng đồng. Hình thức vận động phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cộng đồng; mở rộng phạm vi vận động, tiếp xúc những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn, lực lượng nòng cốt trong cộng đồng.
Phát huy hơn nữa vai trò của các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân có uy tín, có ảnh hưởng trong cộng đồng, các doanh nhân, chuyên gia, trí thức tiêu biểu trong tập hợp, đoàn kết cộng đồng ở nước sở tại. Phát huy vai trò của hội đoàn, người có uy tín và kiều bào trong việc tư vấn giúp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách và những nội dung có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, làm tốt công tác khen thưởng người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp lớn, xuất sắc cho Tổ quốc và công tác cộng đồng.
Năm là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát của các cấp hội đoàn.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hướng dẫn để thực hiện tốt hơn các thỏa thuận, chương trình phối hợp công tác liên ngành trong thời gian tới. Chương trình phối hợp cần có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động, tập hợp và đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Sự phối hợp bảo đảm tính thống nhất trong hành động một cách chặt chẽ, thường xuyên, liên tục; đồng thời, tăng cường xây dựng quy chế, cơ chế phối hợp, làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhằm tạo tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng thể, thống nhất trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong tình hình hiện nay, cần đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác hội đoàn, vận động người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Hướng nội dung kiểm tra, giám sát vào việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đối ngoại và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị(1); đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát cần được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm minh và phát huy được vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Những đảng viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật thì tiến hành kiểm điểm công khai, dân chủ, để có tính giáo dục và răn đe; không “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh. Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý đảng viên; từ đó, đưa ra những điều chỉnh kịp thời, phù hợp, nhằm giải quyết những vướng mắc cho kiều bào trong quá trình đầu tư, kinh doanh, hợp tác ở trong nước.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác hội đoàn và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác đảng ngoài nước là bộ phận gắn bó hữu cơ của công tác xây dựng Đảng để thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng ở ngoài nước thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Vì vậy, để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác hội đoàn, cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm: 1- Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết có liên quan(2); làm cho mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ các chủ trương của Đảng đối với người Việt Nam ở nước ngoài(3); trong đó, Đảng ta nhấn mạnh, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của hội đoàn trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài; từ đó, lãnh đạo, định hướng hội đoàn theo chủ trương đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, mở rộng vận động những cá nhân có uy tín, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng; 2- Tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức đảng và cán bộ theo nội dung của văn bản có liên quan(4) xác định: Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao theo hướng vừa bảo đảm quy định chung, vừa bảo đảm tính đặc thù, nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở ngoài nước. Tiếp tục củng cố, sắp xếp, bố trí cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đảm đương công việc theo chức năng, nhiệm vụ; 3- Phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên ở ngoài nước trong vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Trong công tác hội đoàn, vận động người Việt Nam ở nước ngoài thì chính những đảng viên, tổ chức đảng ở nước ngoài đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hướng. Bên cạnh chi bộ, đảng bộ tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các đảng viên sinh hoạt trong các đảng bộ bộ phận, chi bộ ở nước sở tại phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, luôn gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững để tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào củng cố địa vị pháp lý, yên tâm công tác, học tập, làm ăn, hội nhập tốt hơn ở nước sở tại; 4- Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng các tổ chức đảng, chi bộ thực sự trong sạch, vững mạnh; tiếp tục rà soát các loại hình chi bộ ngoài cơ quan đại diện. Hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ các loại hình chi bộ, bảo đảm sự thống nhất giữa tổ chức đảng với tổ chức cơ quan đại diện của Việt Nam ở các quốc gia và vùng lãnh thổ; có sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan. Đối với đảng bộ, chi bộ ngoài cơ quan đại diện thì cần tiếp tục củng cố bảo đảm tổ chức chặt chẽ, thực hiện đúng quy định của Đảng đối với các chi bộ lưu học sinh, lao động xuất khẩu, chuyên gia, tự lập nghiệp và phu nhân, phu quân. Tích cực đầu tư, chăm lo xây dựng tổ chức đảng ở những nơi có đông kiều bào Việt Nam sinh sống, nhiều học sinh, sinh viên, lao động xuất khẩu,... Đảng ủy, chi bộ cơ quan đại diện có trách nhiệm giữ mối liên hệ và lãnh đạo chặt chẽ các tổ chức đảng và đảng viên nơi có đông người Việt Nam sinh sống.
Trong tình hình mới, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có tư duy mới và kỹ năng lãnh đạo mới, đề cao trách nhiệm của đảng viên, công chức có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu vị trí việc làm, nhằm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng. Chính vì vậy, thời gian tới cần nâng cao chất lượng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên; đặc biệt là, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan đại diện đối với công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; coi trọng phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở ngoài nước; trong đó, mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cam kết không vi phạm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, XIII của Đảng.
Hướng tới, xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, kỷ cương, thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện, minh bạch, nâng cao vai trò chuyên trách, quản lý nhà nước thống nhất về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, tại các cơ quan đại diện nào có cán bộ chuyên trách cộng đồng hoặc có thành lập ban công tác cộng đồng, thì công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ở đó được triển khai tích cực, chủ động, sáng tạo. Vì vậy, mô hình ban công tác cộng đồng tại các cơ quan đại diện cần được nhân rộng ở các địa bàn, đặc biệt là những nơi có đông người Việt Nam sinh sống. Khi có bộ phận chuyên trách, cùng với việc đào tạo nghiệp vụ công tác kiều vận cho các cán bộ cơ quan đại diện, bồi dưỡng các cốt cán hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, thì công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả thực chất hơn, hiệu quả hơn nữa./.
Nguồn: https://www.tapchicongsan.org.vn
---------------------
(1) Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30-10-2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
(2) Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị khóa IX, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”; Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 19-5-2015, của Bộ Chính trị, “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.
(3) Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”.
(4) Quyết định số 209-QĐ/TW, ngày 26-11-2019, của Bộ Chính trị, “Về việc hợp nhất Đảng bộ Ngoài nước với Đảng bộ Bộ Ngoại giao”, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.