KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 10/04/2020 - Lượt xem: 166
Nâng cao chất lượng tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới vai trò của kinh tế tư nhân. Trong thư gửi các giới công thương gia Việt Nam ngày 13/10/1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Người cho rằng, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng và mong muốn mọi người cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích nước lợi dân. Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Đảng ta, qua từng giai đoạn phát triển của lịch sử đã xác định vị trí vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Đại hội VI đánh dấu một bước ngoặt trong đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, trong đó xóa bỏ cơ chế tập trung qua liêu bao cấp, với chính sách kinh tế nhiều thành phần đã tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một trong những nhân tố góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Hội nghị 16 của Bộ Chính trị khóa VI cũng như Nghị quyết Trung ương 6 khóa VI xác định “Khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề có lợi cho quốc kế dân sinh”. Đại hội VII tiếp tục làm rõ hơn bằng việc khẳng định vị trí “kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của nhà nước”. Đồng thời, địa vị kinh tế của mỗi người dân được xác định cụ thể “mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”. Và để thực hiện vai trò quản lý của nhà nước đối với kinh tế tư nhân, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VII nhấn mạnh đến việc “bổ sung, sửa đổi thể chế nhằm đảm bảo cho kinh tế tư nhân được phát huy không hạn chế về quy mô và địa bàn trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”. Đại hội VIII tiếp tục khẳng định tính nhất quán lâu dài phát triển kinh tế nhiều thành phần trên cơ sở mọi thành phần kinh tế đều được đối xử bình đẳng, nhà nước tạo mọi điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các doanh nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài. Đại hội IX, quan điểm đã có bước nhìn nhận mới, đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động; liên doanh liên kết với nhau với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Đại hội X, kinh tế tư nhân được xác định chính thức là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô, đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại hội XI, xác định kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội XII nhấn mạnh việc “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”. Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước;

Cùng với việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, Đảng ta cũng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế này. Đó là xây dựng các đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân thành hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, người lao động; tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Để cụ thể hóa chủ trương trên, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn về vấn này, như Quy định số 170-QĐ/TW, ngày 7-3-2013, của Ban Bí thư, quy định “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”; Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW, ngày 30-1-2013, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6-7-2018, của Ban Tổ chức Trung ương, về “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”.  Mới đây nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”.

Xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng chủ trương, đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người lao động tới chủ doanh nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động cũng như chủ doanh nghiệp. Công tác xây dựng tổ chức đảng và đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay đã có 12.088 tổ chức đảng, 182.995 đảng viên trong khối doanh nghiệp tư nhân. Nhiều tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động chấp hành nghiêm đường lối của đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động. sản xuất hơn; Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân và người lao động đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp, thấy được vinh dự khi được vào hàng ngũ của Đảng. Mục tiêu đến năm 2020 của nước ta là có 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 là 1,5 triệu. Đến năm 2030, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đảng viên mới trong loại hình kinh tế tư nhân là hết sức quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nổi bật, trong thời gian qua cho thấy công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân còn tồn tại những hạn chế, yếu kém. Số lượng tổ chức đảng, đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân còn ít, vị trí, vai trò chưa mạnh, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn thấp. Vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn mờ nhạt.  Một số tổ chức đảng hoạt động còn mang tính hình thức, chất lượng sinh hoạt chi bộ chưa cao. Các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân thường có ít đảng viên, nền nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên; kinh phí hoạt động của tổ chức đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, của Ban Bí thư, về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp để họ nhận thấy thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp là cần thiết, tổ chức đảng không cản trở, mà trái lại cùng với doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, cùng hướng tới sự phát triển của doanh nghiệp, xã hội, nâng cao doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, vận động người lao động để họ nhận thức được vào Đảng là nhu cầu tự thân, là niềm vinh dự, phù hợp với mong muốn phát triển của mình, góp phần phát triển doanh nghiệp và của tổ chức.

Thứ hai, cần nghiên cứu quy định tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân là tổ chức đặc thù, khác với tổ chức đảng trong các cơ quan nhà nước như quy định về chế độ sinh hoạt đảng. Nên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân theo hướng gọn, chất lượng, đi vào trọng tâm, trọng điểm. Đảng viên là những người lao động trực tiếp hàng giờ để tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như thu nhập cho bản thân nên bố trí thời gian sinh hoạt chi bộ linh hoạt không ảnh hưởng tới sản xuất...

Thứ ba, các cấp ủy cần tuyên truyền, vận động, ưu tiên phát triển các chủ doanh nghiệp thành đảng viên và là bí thư chi bộ, đảng bộ tại doanh nghiệp tư nhân. Thực tế chứng minh vai rò quan trọng của chủ doanh nghiệp. Ở những doanh nghiệp mà người đứng đầu có trách nhiệm, quan tâm và tâm huyết với sự thành lập và phát triển của tổ chức đảng thì ở đó tổ chức đảng và đảng viên thuận lợi hơn, hoạt động nề nếp và chất lượng hơn.

                                         Đỗ Hữu Nhân

Tin liên quan