Theo Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường, trong năm 2021, các địa phương trong cả nước đã thực hiện chuyển đổi khoảng 117 nghìn héc-ta từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, ngô, lạc, rau, đậu các loại… và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, các địa phương phía bắc thực hiện chuyển đổi khoảng 17,8 nghìn héc-ta; vùng duyên hải Nam Trung Bộ hơn 21,9 nghìn héc-ta và khu vực Nam Bộ hơn 77 nghìn héc-ta.
Điều đáng nói, từ việc chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân. Tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất trồng lúa, nhất là những diện tích trồng lúa kém hiệu quả so với các loại cây trồng khác. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thông qua các kế hoạch và phương án sản xuất.
Trong năm, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi hơn 2,1 nghìn héc-ta đất lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây khác và mô hình lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả cao. Điển hình như mô hình chuyển từ trồng lúa sang trồng hai vụ ớt và một vụ ngô tại huyện Hậu Lộc cho thu nhập 170 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn ba lần trồng lúa; mô hình trồng dưa lê ở huyện Như Thanh cho thu nhập 160 triệu đồng/ha/năm, gấp bốn lần trồng lúa; mô hình trồng rau tại huyện Nông Cống thu nhập cao gấp sáu lần trồng lúa; mô hình trồng đào cảnh tại huyện Quảng Xương cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm, gấp hơn năm lần trồng lúa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2021 toàn tỉnh chuyển đổi từ đất trồng lúa thiếu nước sang cây trồng khác đạt gần 303 ha. Qua thống kê, các loại cây trồng vùng chuyển đổi có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Trong đó, vùng chuyển đổi gần 100 ha dưa hấu từ đất lúa thiếu nước tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh cho thu nhập bình quân từ 120 triệu đồng đến 140 triệu đồng/ha. Trong năm 2021, tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi hơn 2.000 ha cây trồng trên đất không phù hợp hoặc thiếu nước sang các loại cây trồng phù hợp hơn. Qua đánh giá ở những vùng chuyển đổi cho thấy khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, thời tiết cho thu nhập khá cao.
Nông dân Vĩnh Phúc chăm sóc rau su su.
Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng khoai lang giống Nhật Bản tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện được nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, sử dụng phân hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho nên năng suất đạt 30 tấn/ha, lợi nhuận từ 150 đến 170 triệu đồng/ha. Mô hình trồng khoai tây ở huyện Chư Sê năng suất đạt từ 27 đến 30 tấn/ha với giá thu mua 8.200 đồng/kg, lợi nhuận 100 triệu đồng/ha. Mô hình trồng xen cà gai leo trong vườn cà-phê tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê cho năng suất 30 tấn/năm, lợi nhuận từ 40 đến 50 triệu đồng/ha. Đối với các địa phương khu vực Nam Bộ, việc chuyển đổi trên đất lúa không chỉ giúp sử dụng nước tiết kiệm mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên gấp từ 1,5 đến 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.
Mặc dù vậy, theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây trồng khác còn gặp nhiều khó khăn bởi các vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, gây khó khăn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị; một số vùng chuyển đổi chưa có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Hơn nữa, do cơ sở hạ tầng chủ yếu phục vụ sản xuất lúa, việc chuyển đổi sang cây trồng khác chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp; chính sách khuyến khích cho việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi, diện tích chuyển đổi trong năm 2021 đã cho thu nhập khá, nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, lợi nhuận so với trồng lúa từ 4 đến 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm bấp bênh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định dẫn tới chưa khuyến khích người dân đầu tư cho mô hình sản xuất chuyển đổi. Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và nông dân sản xuất cũng là hạn chế lớn trong việc mở rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, trong các cuộc họp tổng kết sản xuất năm 2021 tại khu vực Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, phía bắc, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt để đưa vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng. Đặc biệt, các địa phương cần kết nối và mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho nông dân sản xuất.