KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 19/04/2022 - Lượt xem: 138
Nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị

Mô hình chính quyền đô thị sau hơn 9 tháng thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh (bắt đầu từ ngày 1/7/2021 theo Nghị quyết số 131 ngày 16/11/2020 của Quốc hội), đã đem lại hiệu quả, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển mới cho thành phố.  

Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh minh họa: HOÀNG TRIỀU)
Một trong những nội dung trọng tâm của chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh là không tổ chức Hội đồng nhân dân tại 16 quận và 249 phường. Các Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, phường đổi tên thành Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Sau khi sắp xếp, thành phố đã giảm được 64 biên chế cấp quận và 249 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp phường. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đã ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện; Giám đốc các sở, ngành thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý, xây dựng chính quyền số. Bước đầu, bộ máy của mô hình chính quyền đô thị đã nhanh chóng đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả, bảo đảm giải quyết liên tục các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp...
Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, triển khai mô hình chính quyền đô thị còn chậm, chưa tác động nhiều đến đời sống, kinh tế-xã hội của thành phố. Khi tổ chức, thành phố đã gặp khó khăn lớn về số lượng biên chế cán bộ, công chức phường. Theo quy định thì tổng số cán bộ, công chức mỗi phường tối đa không quá 23 người đối với đơn vị hành chính loại 1; trên thực tế chỉ bố trí được bình quân 21 người mỗi phường vì đã giảm hai cán bộ do không còn chức danh Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân chuyên trách cho nên khó đáp ứng được nhu cầu của công việc và công tác quản lý nhà nước hiện nay.
Tại thành phố Thủ Đức, theo quy định, chỉ có tối đa ba cấp phó tại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cho nên khó đáp ứng nhu cầu về nhân sự, nhu cầu giải quyết công việc của địa phương khi Thủ Đức hiện hữu được sáp nhập từ ba quận lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, số lượng công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải giảm lớn cho nên các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn trong công tác sắp xếp công chức, viên chức dôi dư.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Trung ương cho phép bố trí số lượng cán bộ, công chức phù hợp; cho phép thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố để quyết định thêm số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Trong việc phân cấp, ủy quyền, cho phép thành phố mở rộng phạm vi ủy quyền đối với các lĩnh vực then chốt như quản lý đầu tư công; quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý ngân sách; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất...
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, dù thực hiện mô hình nào thì cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân, kể cả giải quyết việc làm và an toàn cho người dân; là một bộ máy hướng về người dân, nhanh chóng hơn, kịp thời hơn, thuận lợi hơn. Khi không còn Hội đồng nhân dân cấp quận, phường, mặt nào đó sẽ tăng cường vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố, cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng như phát huy vai trò giám sát của người dân... Nhưng nếu chỉ thực hiện hình thức, qua loa thì mô hình này sẽ khó phát huy được hiệu quả. 
Ngoài ra, khi triển khai mô hình chính quyền đô thị, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh phải thật quyết tâm, cán bộ phải làm thực chất. Với người dân, điều quan trọng, là việc triển khai thực hiện mô hình ấy có hiệu quả hay không, có giúp mọi nguời dân thuận lợi hơn trong công việc hay không, tin vào cán bộ, tin vào chính quyền hay không.
Để làm được điều này, thành phố phải thật sự quyết tâm, năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ trong bộ máy công quyền phải là những công chức chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, mẫn cán và thân thiện. Họ không chỉ giỏi các kỹ năng quản trị mà còn là người bạn của dân. Mô hình mới phải hơn mô hình cũ, đây là đòi hỏi tất yếu. Nhân dân sẽ sẵn lòng ủng hộ các chính sách, chủ trương, hy sinh lợi ích cá nhân vì tập thể, vì thành phố khi mô hình mới hoạt động thật sự hiệu quả, hợp lòng dân...

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan