QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CỘNG ĐỒNG
Việt Nam đang chứng kiến đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID - 19 với tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn bao giờ hết. Dịch bệnh đã xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố, với tâm điểm là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, gây tổn hại nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và người dân.
Để người có thể tin tưởng, sử dụng an toàn, hiệu quả “vũ khí vaccine” trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, hoạt động tuyên truyền về vaccine phải đi trước một bước. Hoạt động này nhằm thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19, “chinh phục”, xóa bỏ những hoang mang, lo sợ, nghi ngại của người dân về sự an toàn khi sử dụng vaccine.
Khi hiệu quả tuyên truyền được nâng cao, sẽ trở thành “vaccine tư tưởng, tinh thần” thống nhất được ý chí và hành động của toàn dân, quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch. Công tác tuyên truyền không chỉ giúp Việt Nam vượt qua đại dịch mà còn góp phần và “sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng”.(1)
Hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19 ở nước ta hiện nay cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Chú trọng tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Vận động người dân ở trong nước và kiều bào nước ngoài, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp tích cực, tự giác chung tay đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.
Thứ hai, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”, tham gia tiêm chủng đầy đủ khi đến lượt, để đạt được miễn dịch cộng đồng, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Vận động mọi người dân thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vaccine” để đạt hiệu quả phòng, chống dịch hiệu quả, bền vững.
Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đàm phán, mua và cung ứng vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam; nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam; công khai đầy đủ thông tin về việc phân phối, sử dụng các loại vaccine đã được nhập về cho các địa phương trong cả nước. Chú trọng phân tích đầy đủ, cụ thể, tỉ mỉ, sâu sắc về ưu, nhược điểm của các loại vaccine đang được sử dụng, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn sau tiêm chủng, để mỗi người dân yên tâm, tránh tâm lý hoài nghi, dao động, lưỡng lự khi tham gia tiêm chủng.
Thứ tư, tăng cường thu thập thông tin từ dư luận xã hội và mạng xã hội để phát hiện, xử lý kịp thời các tin giả, tin đồn, tin sai sự thật liên quan đến vaccine và hoạt động tiêm vaccine ở Việt Nam.
Cần nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề vaccine để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, cản trở các hoạt động triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 và những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh ở nước ta. Đồng thời, tuyên truyền lan tỏa những tấm gương tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong thực hiện các hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19 ở nước ta hiện nay là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Không một lực lượng nào có thể đứng ngoài nhiệm vụ này để sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, TRÁCH NHIỆM CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN VÀ TOÀN QUÂN
Do đó, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về vaccine phòng dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay, cần triển khai thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19.
Cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19 theo đúng định hướng, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước.
Các cấp, các ngành, các lực lượng tham gia phải bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh COVID-19, tiến độ thực hiện Chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 để xác định mục tiêu, nội dung, cách thức, biện pháp tiến hành tuyên truyền một cách phù hợp. Từ đó, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) triển khai các hoạt động tuyên truyền này.
Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương phải thực sự xung kích, đi đầu trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19, tích cực, chủ động xây dựng các tin, bài, phóng sự, chương trình truyền hình, phát thanh, tọa đàm, giao lưu trực tuyến... liên quan đến vaccine và các hoạt động tiêm chủng. Tăng cường số lượng, chất lượng các phóng viên “thực địa” để đưa tin, phản ánh kịp thời, chân thực, chính xác kết quả hoạt động tiêm vaccine ở các địa phương, nhất là tại các địa phương là tâm dịch.Hai là, phát huy thế trận “chiến tranh nhân dân” trong thực hiện các hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19, trong đó lực lượng nòng cốt là các cơ quan ngôn luận, truyền thông của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Phát huy vai trò của toàn dân trong tham gia thực hiện các hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng dịch COVID-19, gắn tuyên truyền vaccine với hoạt động của các “tổ Covid cộng đồng”, với cuộc sống sinh hoạt của người dân ở các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư. “Thế trận” này phát huy hiệu quả sẽ xóa được những “khoảng trắng”, “vùng trống”, bảo đảm những thông tin về vaccine, về hoạt động tiêm chủng đến được kịp thời với các tầng lớp nhân dân, các địa bàn trên cả nước.
Ba là, tiến hành có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19 trên mạng xã hội.
Với những ưu điểm cung cấp lượng thông tin lớn, có tốc độ lan truyền nhanh, không bị cản trở bởi không gian, thời gian, mạng xã hội là một trong những kênh tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19 hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền này cần được triển khai rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber, TikTok, Lotus... với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương thời gian qua cho thấy, nhiều tổ dân phố, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đã lập nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ thông tin về việc tiêm vaccine đến các thành viên, qua đó, kịp thời giải thích, vận động mọi người cùng tham gia tiêm phòng.
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng và các tầng lớp nhân dân trong phát hiện, xử lý, đấu tranh với những thông tin giả mạo, xuyên tạc về vaccine, lợi dụng vấn đề vaccine để chống phá Đảng, Nhà nước ta, cản trở cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Thông tin giả mạo, xuyên tạc về vaccine đang là vấn nạn đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến vaccine phòng COVID-19 hiện có nhiều luồng thông tin thất thiệt, nhưng chủ yếu xoay quanh một số nội dung như: về sự cần thiết và tính minh bạch Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, về sự cần thiết tiêm phòng vaccine, về tính an toàn của các loại vaccine, về việc phân bổ vaccine, về liệu trình tiêm, đối tượng được tiêm và phản ứng sau tiêm chủng của từng loại vaccine... Đặc biệt, một số đối tượng cơ hội chính trị, chống đối trong và ngoài nước đã tung ra muôn vàn luận điệu xuyên tạc về tình hình triển khai tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam, hòng tạo tâm lý hoang mang trong dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; từ đó gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh ở nước ta. |
Đối diện với tình hình đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thông tin, nhất là thông tin trên mạng xã hội, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi tung thông tin thất thiệt về tình hình vaccine ở Việt Nam.
Mỗi cá nhân cần tỉnh táo khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, cân nhắc trước khi thực hiện các tương tác trên mạng xã hội (như: thích (like), chia sẻ (share) hoặc bình luận (comment)), kịp thời phát hiện, tố giác những thông tin xấu, độc, sai sự thật đến cơ quan chức năng để xử lý.
Đồng thời, lan tỏa, biểu dương, khích lệ những tấm gương điển hình trong công tác phòng, chống dịch nói chung, trong thực hiện các mặt công tác liên quan đến vaccine phòng COVID-19 nói riêng để tạo dư luận tích cực trong đời sống xã hội.
Thực tiễn cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tuyên truyền về vaccine phòng COVID-19, để nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng và có hành vi đúng đắn, bảo đảm sức khỏe và sinh mạng của mỗi người dân.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
-----------------------
(1) Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 30/7/2021.