KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/09/2021 - Lượt xem: 89
Nâng cao hiệu quả tư vấn, phản biện, giám định xã hội của đội ngũ trí thức

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định là một trong những trách nhiệm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) diễn ra sáng 25/12, tại Hà Nội.
Đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị(1). 
Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm và có các chủ trương, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng.Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”(2).
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội được xác định là một trong những trách nhiệm quan trọng của đội ngũ trí thức KH&CN.
Với vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội) được giao trọng trách là đầu mối tổ chức, triển khai, thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội là “xây dựng cơ chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo vệ môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo của trí thức khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong những năm qua, Liên hiệp Hội đã có bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát triển hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố, là môi trường tốt để đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN, bồi dưỡng lòng yêu nước, ý thức chính trị, trách nhiệm công dân trong các tổ chức hội; trở thành địa chỉ tri thức tin cậy của Đảng, Nhà nước trong việc tham mưu những vấn đề lớn về chủ trương, đường lối, chính sách; chủ động đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần củng cố các luận cứ khoa học đối với những chương trình, đề án, dự án lớn.
Nhiệm kỳ 2015-2020, hệ thống Liên hiệp Hội và các hội ngành liên quan đã chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Nhìn chung, các hoạt động đều đạt chất lượng tốt, góp ýkhách quan, thẳng thắn, kịp thời đối với nhiều vấn đề quan trọng, như: chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước; cácdự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội(3); dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng các cấp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, y tế; các dự thảo luật quan trọng(4); những vấn đề nóng cần sự vào cuộc của trí thức KH&CN...
Thực hiện Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội”, thời gian qua, Liên hiệp Hội đã chủ động và tích cực triển khai 37 diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm, đánh giá cao. Diễn đàn vừa là kênh thông tin, vừa là môi trường để trí thức KH&CN có điều kiện phát huy trí tuệ, tâm huyết trong việc đóng góp vào các chủ trương, chính sách, chương trình dự án quan trọng của Đảng và Nhà nước. Thông qua diễn đàn, đội ngũ trí thức đã bày tỏ quan điểm, thái độ trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tham mưu, tư vấn cho các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong công tácquản lý xã hội. Đây là những ý kiến khách quan, khoa học giúp Đảng và Nhà nước nghiên cứu, xem xét trước khi quyết định những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách và các dự án phát triển.
Từ nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay, thực hiện vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) trong giám sát và phản biện xã hội, Liên hiệp Hội đã tham gia ký kết một số chương trình phối hợp giám sát quan trọng như: phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN và Luật KH&CN; phối hợp giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội cũng cử đại diện tham gia các hoạt động theo chương trình phối hợp như: tham gia đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại các địa phương (bình quân mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt 2 tỉnh); tham gia xây dựng kế hoạch và giám sát về giáo dục, về bảo vệ môi trường...
Nhiều hội thành viên của Liên hiệp Hội (Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động...) tham gia chủ trì hoặc là đơn vị nòng cốt trong các đoàn giám sát của MTTQ đối với những vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm, như: giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế tư nhân, giám sát pháp luật về an toàn thực phẩm... 
Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra ngày 2/2/2018, tại Hà Nội.
Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam” diễn ra ngày 2/2/2018, tại Hà Nội.
Có thể nói, trong những năm qua, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật; góp phần thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội...
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã và đang trở thành một kênh thông tin đáng tin cậy, không chỉ đáp ứng nhu cầu của xã hội mà còn góp phần to lớn giúp Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố tham khảo, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong thời gian tới, Liên hiệp Hội xác định những nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực KH&CN quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương, các hội ngành, tổ chức KH&CN trực thuộc vững mạnh.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí của trí thức KH&CN. Theo đó, nội dung thông tin, tuyên truyền tập trung vào những nội dung:
1) Trí thức KH&CN đóng vai trò động lực thúc đẩy việc nâng cao dân trí bằng nỗ lực khai sáng, quảng bá thông tin, phổ biến kiến thức KH&CN, trí thức hóa về KH&CN trong nhân dân và trong đời sống xã hội. Đội ngũ trí thức KH&CN tiên phong thúc đẩy đổi mới tư duy, xây dựng phong cách tư duy khoa học, phát triển lý luận, gây dựng nền học thuật tiên tiến của nước nhà.
2) Trí thức KH&CN có vai trò to lớn trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học cho dân tộc, đặc biệt làđào tạo, gây dựng các tài năng khoa học trong thế hệ trẻ, phát triển những tài năng sáng tạo, có nhân cách trung thực, có hoài bão lớn và bản lĩnh đủ sức xây dựng nền khoa học hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ XXI.
3) Đội ngũ trí thức KH&CN giải quyết những vấn đề KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hoá xã hội, làm chủ những thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới và trong nước, góp sức giải quyết thành công các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KH&CN, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
4) Trí thức KH&CN đem tài năng sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm của mình vào việc xây dựng các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chủ động phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển KH&CN. Đặc biệt, trí thức khoa học xã hội - nhân văn và lý luận góp phần đắc lực vào việc khoa học hoá, hiện đại hoá hoạt động lãnh đạo, quản lý. 
5) Trí thức KH&CN thể hiện vai trò trong tham mưu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ ba, đề cao trách nhiệm, đạo đức trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Bao gồm: 1) Đề cao trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học,tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong hệ thống. 2) Chú trọng thu hút đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau chủ động tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng. 3) Tôn trọng sự tự do sáng tạo của trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan trong những nội dung báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội...
Tôn trọng sự tự do sáng tạo của trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan trong những nội dung báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội...
Thứ tư, thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Bao gồm: 1) Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. 2) Cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn tới các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực KH&CN, xây dựng đội ngũ trí thức, giáo dục, ytế. 3) Chủ động thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, các chương trình, dự án lớn có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là về KH&CN, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. 5) Nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Trong đó có cơ chế giao nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước; cơ chế phối hợp với các cơ quan tham mưu; những quy định liên quan đến tham mưu, đề xuất và các loại hình dự án - công trình - đối tượng thực hiện; cơ chế tài chính... 
Thứ sáu, để thực hiện hiệu quả những nội dung nêu trên, cần phát huy thực chất, mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Đảng Đoàn Liên hiệp Hội để làm cầu nối giữa Đảng với đội ngũ trí thức KH&CN từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nâng cao vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức Việt Nam; nghiên cứu, triển khai chương trình hành động - thực hiện có chất lượng những nội dung đột phá chiến lược đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
____________________
(1) Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.167.
(3) Phản biện Dự án xây dựng Nhà máy Thép Cà Ná (Ninh Thuận); tư vấn, phản biện Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh); về vấn đề sử dụng Amiang trong sản xuất vật liệu xây dựng; tư vấn, phản biện Dự án Mỏ than Đồng bằng Sông Hồng; đánh giá sự cố nhà máy Formosa gây ra đối với khu vực miền Trung; đánh giá các dự án BOT giao thông...
(4) Các dự thảo, dự án về Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Báo chí, Luật Quy hoạch, Luật Khám chữa bệnh,Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng chống thiên tai và Luật đê điều, Luật về Hội…
 
Tin liên quan