KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 29/06/2022 - Lượt xem: 136
Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Số ca mắc và những ca chuyển nặng liên tục tăng trong những tháng gần đây tại hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố. Việc thiếu thuốc đặc trị sốc sốt xuất huyết khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh này ở thành phố Hồ Chí Minh càng gặp nhiều khó khăn.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố tăng mạnh kể từ khi bước vào mùa mưa. Nhận thấy sự phức tạp, ngành y tế thành phố đã có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm kìm hãm sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết trước khi bước vào những tháng cao điểm của bệnh này.
Số ca bệnh tăng nhanh
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tính đến tuần 25 (từ ngày 17/6 đến 23/6), thành phố ghi nhận 18.976 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 151,6% với cùng kỳ năm 2021. Số ca nặng là 311 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 25 là 1,6%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tuần 25, thành phố ghi nhận 2.548 ca mắc, tăng 611 ca (31,6%) so với trung bình bốn tuần trước, và ghi nhận một trường hợp chết. Như vậy, số người chết do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay ở thành phố là 10 trường hợp, tăng bảy ca so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần 24.
Tại Bệnh viện quận 8, bác sĩ chuyên khoa II Trần Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện cho biết, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 89 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nhập viện điều trị. "Địa bàn quận 8 có nhiều kênh, rạch dẫn đến công tác rà soát các điểm nguy cơ chưa được toàn diện. Tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, nếu không quyết liệt sẽ tăng số lượng bệnh nhân nhập viện, có thể gây khó khăn cho công tác điều trị", bác sĩ Trần Quốc Hùng cho hay.
Cũng theo bác sĩ Trần Quốc Hùng, nhân lực của bệnh viện đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh sốt xuất huyết, nhưng phần lớn là bác sĩ trẻ, gặp khó khăn trong xử lý những ca bệnh nặng. Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn với bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhằm hỗ trợ trong công tác điều trị các ca bệnh nặng.
Huyện Hóc Môn hiện là một trong những địa bàn "nóng" nhất của Thành phố Hồ Chí Minh về bệnh sốt xuất huyết. Các trường hợp đến khám và điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện trên địa bàn huyện Hóc Môn liên tục tăng trong những tháng gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Chi, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2022, số lượt bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị tại bệnh viện là 995 trường hợp, tăng gần 300% so với cùng kỳ. Hiện, có 46 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện; số giường bệnh có thể lên 60 đến 80 giường nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện tăng lên trong thời gian tới.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tỷ lệ các ca sốc sốt xuất huyết Dengue năm 2022 là 21,22%, tăng gấp đôi so cùng kỳ các năm trước. Tỷ lệ tử vong cũng tăng cao hơn so với các năm trước. Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, so sánh cùng kỳ năm 2019 cho thấy xu hướng bệnh tăng cao từ tháng 4 đến nay, tình hình diễn biến phức tạp hơn các năm trước. Khó khăn hiện nay của đơn vị là nguồn cung ứng thuốc điều trị sốt xuất huyết. Các loại dung dịch sử dụng để điều trị sốt xuất huyết như HES 200, Dextran 40, Dextran 70 và các thuốc vận mạch (như Dopamin) chưa tìm được nguồn cung ứng. Trong khi đó, việc dùng dung dịch cao phân tử HES 130 thay thế để điều trị sốc sốt xuất huyết lại chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấp thuận thanh toán bảo hiểm y tế…
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. 
Cần sự vào cuộc của cộng đồng
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã sớm tham mưu UBND thành phố về đánh giá tình hình bệnh sốt xuất huyết năm nay không giống như những năm trước, có nguy cơ bùng phát cao, từ đó thành phố có những văn bản chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh việc phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, Sở Y tế đã tiến hành tập huấn cho khối dự phòng về xử lý ổ dịch từ tuyến thành phố cho đến trạm y tế và tập huấn cho khối điều trị đối với tất cả các đơn vị công lập và ngoài công lập. Sở Y tế cũng lập đoàn kiểm tra các quận, huyện, tham mưu cho lãnh đạo UBND quận, huyện về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã bàn bạc nhiều giải pháp mới nhằm kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh. Từ kết quả phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, để phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ giao cho ngành y tế mà cần sự vào cuộc của ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở các địa phương, của từng hộ dân, cộng đồng thì mới mang lại kết quả. "Chúng tôi đã kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế để nhấn mạnh ý nghĩa phòng, chống dịch, trong đó có sốt xuất huyết và dịch bệnh khác trong thời gian tới", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng cho hay.
Qua kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết, ngành y tế thành phố nhận thấy bất cập tồn tại lớn nhất đó là các vật chứa có nước, loăng quăng vẫn còn nhiều. Người dân chưa xem phòng, chống sốt xuất huyết là việc làm thường xuyên, là thói quen hằng ngày. Từ thực tế trên, thành phố đã có kế hoạch phát động chiến dịch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đợt tổng vệ sinh được thực hiện từ đầu tháng 7/2022 đến hết tháng 9/2022 và có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình dịch bệnh. Đây là nhiệm vụ căn cơ của thành phố trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nguồn lây bệnh sốt xuất huyết. Song song đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng giám sát hằng tuần việc triển khai tổng vệ sinh tại các quận, huyện, tránh việc các địa phương chỉ làm hình thức.
Để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt kết quả tốt, Sở Y tế thành phố kiến nghị Bộ Y tế có nguồn kinh phí của bệnh viện tuyến cuối trong vai trò chỉ đạo tuyến để tiến hành tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ ở các tỉnh về nhận định và điều trị sốt xuất huyết, hạn chế tình trạng chuyển viện. Bộ Y tế cần có giải pháp giải bài toán thiếu thuốc, dung dịch điều trị sốt xuất huyết; đồng thời cho các tỉnh, thành phố có quỹ dự phòng mua sắm thuốc quý hiếm để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh ■

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan