Cách đây 5 năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet”. Nghị định này đã bao quát được phần lớn những vấn đề liên quan đến internet, tạo điều kiện cho internet phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Tuy nhiên, những năm gần đây, bên cạnh những mặt tốt, tích cực và lợi thế to lớn mà internet mang lại cho con người, cũng đã xuất hiện nhiều hệ lụy tiêu cực từ internet làm ảnh hưởng xấu đến môi trường văn hóa xã hội và an ninh tư tưởng, an ninh chính trị. Điều đó đòi hỏi phải có một văn bản pháp lý mới thay thế nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về internet, đồng thời tiếp tục tạo động lực mới cho internet phát triển đúng hướng.
Ngày 15 tháng 7 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, trong đó, Chính phủ quy định rõ việc phát hành game online cần tuân thủ những quy tắc nào, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp cung cấp game online lẫn người chơi game.
Nghị định 72 dành 1 chương riêng (chương IV) để quy định về việc lưu hành trò chơi điện tử trên mạng. Theo đó, trò chơi được phân thành 4 loại là G1, G2, G3 và G4. G1 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp. G2 là trò chơi chỉ có sự tương tác giữa người chơi với hệ thống máy chủ; G3 là trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau nhưng không tương tác với máy chủ; G4 là trò chơi được tải về qua mạng và người chơi không có sự tương tác với nhau lẫn với máy chủ. Như vậy G1 là phân loại giành cho các thể loại game online. Nghị định cũng quy định việc cấp phép lưu hành trò chơi G1, theo đó, doanh nghiệp phát hành phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngành nghề cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử qua mạng. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng Việt Nam phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các trò chơi G1 cần có Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp. Để có được giấy phép, về nội dung trò chơi không được phép có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử. Không được có hình ảnh, âm thanh miêu tả hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu bia, hút thuốc, khủng bố; hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em và các hành động có hại hoặc bị cấm khác. Giấy phép cấp cho trò chơi G1 có thời hạn do doanh nghiệp đề xuất nhưng sẽ không quá 10 năm. Ngoài ra, các trò chơi cũng sẽ được phân loại theo độ tuổi của người chơi, việc phân loại sẽ do Bộ Thông tin & Truyền thông quy định cụ thể. Quy định việc quản lý các trò chơi điện tử thông qua các biện pháp cấp phép, phê duyệt nội dung, kịch bản, đăng ký và thông báo cung cấp trò chơi điện tử nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử hoạt động, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người chơi. Bên cạnh đó, phân loại trò chơi theo phương thức cung cấp và sử dụng dịch vụ theo độ tuổi nhằm giúp người chơi lựa chọn trò chơi điện tử phù hợp với lứa tuổi và tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ có thể biết, chọn lựa hoặc giám sát con em mình; bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên khỏi những tác động tiêu cực của trò chơi. Nghị định cũng quy định việc quản lý các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên cơ sở quy định cụ thể các điều kiện hoạt động, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động như: Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; Có Đăng ký kinh doanh điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; Có Biển hiệu “Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng” gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số Đăng ký kinh doanh; Địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng phải cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200 m trở lên; Tổng diện tích các phòng máy của điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng tối thiểu 50m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III; 40m2 tại các đô thị loại IV, V; 30m2 tại các khu vực khác; Đảm bảo đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy; Có thiết bị và nội quy phòng cháy, chữa cháy theo quy định,...
Nghị định 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2013 thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet; bãi bỏ Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14/7/2005 giữa Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quản lý đại lý Internet và Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games).