Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng thăm khám cho người bệnh.
Nguyên nhân chính các y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc để chọn việc khác hoặc chuyển từ khu vực y tế công sang y tế tư nhân là do lương thấp, trong khi áp lực công việc ngày càng cao.
Bài toán thu nhập thấp
Hơn 15 năm làm việc ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, kể cả đã được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Ngoại, bác sĩ Lê Minh vẫn “dứt áo” ra đi, xin chuyển sang làm ở bệnh viện tư nhân do thu nhập thấp, không đủ tiền nuôi gia đình. 15 năm làm việc chăm chỉ, cống hiến, ba lần nâng lương trước thời hạn nhưng đến nay, mức lương bác sĩ Minh nhận được chỉ khoảng 8,7 triệu đồng/tháng. Ðể có quyết định đi khỏi nơi mình từng gắn bó nhiều năm, bác sĩ Minh đã phải suy nghĩ, cân nhắc gần một năm.
Bác sĩ Minh chia sẻ: Nghỉ việc nơi gắn bó hơn 15 năm, tôi rất buồn, day dứt. Công việc áp lực, nhiều đêm phải thức trắng chăm sóc bệnh nhân. Cũng nhờ môi trường đó mà mình trưởng thành hơn, lớn dần thêm tình yêu nghề. Tuy nhiên, giật mình nhìn lại với tổng thu nhập hằng tháng không bằng một công nhân tăng ca, không đủ để lo trang trải gia đình và nuôi con ăn học. Do vậy, tôi hy vọng, tỉnh Vĩnh Long nói riêng và ngành y nói chung cần có chế độ đãi ngộ tốt hơn để người thầy thuốc toàn tâm, toàn ý lo cho xã hội được tốt hơn.
Theo báo cáo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, đã có 35 nhân viên y tế làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc từ đầu năm đến nay gần bằng số xin nghỉ và đã nghỉ việc của năm 2021 (38 người). Số lượng nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất là ở Trung tâm Y tế thành phố Vĩnh Long (chín bác sĩ), Bệnh viện Y dược cổ truyền (bốn bác sĩ), còn lại là Bệnh viện đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế.
Nguyên nhân là do chế độ tiền lương không đủ bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình. Chính sách ưu đãi, đãi ngộ cho viên chức y tế chưa hấp dẫn, chưa thật sự giữ chân được đội ngũ y tế. Hiện có sự chênh lệch cao về tiền lương giữa y tế công lập và y tế tư nhân. Vì thế, viên chức y tế, nhất là đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện công đã xin thôi việc để tìm đến các cơ sở y tế tư nhân có chế độ tiền lương cao hơn.
Cũng vì lý do nêu trên nên thời gian gần đây tại Sóc Trăng có nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác, khiến các đơn vị thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Y sĩ Dương Quang Lai, Phó Trưởng Trạm Y tế thị trấn An Lạc Thôn (thị trấn vùng sâu của huyện Kế Sách và cũng là địa bàn xa nhất tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Hiện nay, thu nhập của các y, bác sĩ của đơn vị chỉ có lương, không còn phụ cấp nên rất khó khăn trong cuộc sống. Tại trạm, đã có một y sĩ có hơn 20 năm gắn bó với nghề xin nghỉ việc và một bác sĩ có thâm niên cũng nộp đơn xin nghỉ hưu sớm.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 162 viên chức y tế nghỉ việc, trong đó, có 46 bác sĩ, 43 điều dưỡng, sáu kỹ thuật y, sáu hộ sinh, 17 dược sĩ và 44 nhân viên hành chính. Trong 46 bác sĩ nghỉ việc, có 10 bác sĩ nội khoa, tám bác sĩ ngoại khoa và còn lại là các bác sĩ ở các chuyên khoa khác. Bác sĩ Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thời gian qua, ngành y tế đã tuyển dụng thêm được 191 nhân sự, trong đó có 82 bác sĩ mới được tuyển dụng và dự kiến đến tháng 8/2022 ngành sẽ tiếp nhận thêm 40 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ về công tác, bổ sung thêm nhân lực bác sĩ cho tuyến y tế công lập.
Tuy nhiên, nhân lực nghỉ việc thuộc nhóm nhân lực đã qua đào tạo và có kinh nghiệm, trong khi nhóm mới tuyển dụng cần có thời gian để làm quen công việc. Do vậy, khi số này nghỉ cũng làm ảnh hưởng cục bộ đến hoạt động chuyên môn của một số đơn vị trong tỉnh.
Sáu tháng đầu năm 2022, thành phố Cần Thơ có 111 y, bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc, rải đều ở các tuyến từ thành phố đến cơ sở. Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng và Bệnh viện Huyết học-Truyền máu thành phố Cần Thơ có cùng 17 người nghỉ việc, với khoảng 40% là bác sĩ có chuyên môn cao. Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ có bảy bác sĩ, sáu điều dưỡng, một kỹ thuật viên xin nghỉ việc đều được đào tạo chuyên sâu. Phần lớn các bác sĩ có tay nghề cao chuyển sang y tế tư nhân, nơi có mức lương, chế độ đãi ngộ cao hơn khu vực công lập.
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, các bệnh viện công trên địa bàn thành phố đều giao quyền tự chủ chi thường xuyên (chủ yếu chi lương, phúc lợi). Tuy nhiên, hơn hai năm qua, tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm rất nhiều. Ngoài ra, các bệnh viện lại phải dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 nên doanh thu giảm sâu, không thể tăng phúc lợi, trong khi áp lực công việc lớn nên khó giữ chân được người lao động, nhất là y, bác sĩ có chuyên môn cao.
Bác sĩ Phạm Vi Bằng Vũ, Trạm Y tế xã Phú Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long khám bệnh cho người dân.
Gỡ khó để giữ chân cán bộ y tế
Bác sĩ Trần Văn Dễ, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ cho biết, đơn vị này đã tuyển bổ sung số lượng y, bác sĩ nghỉ việc và tiến hành đào tạo, huấn luyện để đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, với thu nhập thấp và áp lực công việc cao như hiện nay, khó có thể giữ chân đội ngũ y tế đã qua đào tạo của bệnh viện và có nguy cơ nhiều bác sĩ nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư trong thời gian tới.
Vì vậy, bệnh viện báo cáo với Sở Y tế, lãnh đạo thành phố xem xét, bổ sung kinh phí chi thường xuyên, sớm thanh toán chi phí chữa bệnh Covid-19 để bệnh viện có thêm nguồn tiền duy trì hoạt động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long có quy mô 800 giường, thực kê hơn 900 giường nhưng chỉ có 625 cán bộ, nhân viên, đang thiếu hàng trăm viên chức y tế nhưng không tuyển được do mức lương của bác sĩ mới ra trường thấp. Trước tình trạng nêu trên, Vĩnh Long đã đưa ra nhiều giải pháp thu hút bác sĩ về công tác tại tỉnh. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết: Ngành y tế đang xây dựng dự thảo nghị quyết về chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn 2022-2026.
Các ưu đãi được đưa ra là hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt để thu hút nhiều chuyên gia giỏi tại các bệnh viện tuyến trên về chuyển giao các kỹ thuật cao cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên y tế được cử đi đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn phục vụ cho ngành y tế của địa phương, ưu tiên cho nhân viên y tế nữ, người dân tộc... Sở Y tế đang đề nghị cấp có thẩm quyền cho xây dựng nhà ở xã hội để bố trí cho nhân viên y tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc kiến nghị: Bộ Y tế cần sớm đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NÐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Ðặc biệt, cần quan tâm đến đội ngũ nhân viên làm công tác hành chính, công nghệ thông tin. Hiện nay số nhân viên này không có phụ cấp do cơ chế tự chủ không bảo đảm hoạt động nên không có nguồn thu để chi 20% phụ cấp như trước đây. Chính phủ sớm thực hiện chế độ ưu đãi nghề 100% đối với lực lượng làm y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Nghị quyết số 38/NQ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Y tế sớm ban hành và có hướng dẫn các địa phương thực hiện mô hình tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NÐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cho ngành y tế; điều chỉnh, bổ sung giá dịch vụ y tế tại các thông tư quy định về giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ; cấp kinh phí và chỉ đạo ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sớm chi trả dứt điểm các chế độ phụ cấp chống dịch cho nhân viên y tế trong năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022.