KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/07/2020 - Lượt xem: 111
Nhãn lồng Hưng Yên xếp hạng 13/50 trái cây nổi tiếng Việt Nam

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4,5 nghìn ha trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 3,5 nghìn ha, tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên. 

Nhãn Hưng Yên gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6... Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu. Hiện nay, nhãn lồng Hưng Yên đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng dự kiến đạt 50 nghìn tấn quả. Từ nhiều năm nay, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ các địa phương thâm canh, phát triển, xây dựng thương hiệu để mở rộng đầu ra cho trái nhãn, hướng tới các thị trường nước ngoài, như: Đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, xây dựng vùng sản xuất nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, lễ hội nhãn lồng tại thị trường nội địa. Song song với đó là các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mẫu mã bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật. 
Thu hoạch nhãn tại Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (thành phố Hưng Yên)
 
Các hoạt động xúc tiến thương mại mở thêm cơ hội để trái nhãn lồng Hưng Yên tiếp cận với người tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tại thị trường trong nước, tỉnh liên kết với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh… tiêu thụ nhãn theo các kênh phân phối như: Các chợ đầu mối, chợ bán lẻ truyền thống... Năm 2019, tuần lễ nhãn lồng và nông sản tỉnh Hưng Yên tại Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng thủ đô. Tại đây đã tiêu thụ được gần 42 nghìn tấn nhãn với giá bán 30 – 70 nghìn đồng/kg. Riêng nhãn đường phèn được bán với giá 80 – 100 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm nông sản khác như: Hạt sen, long nhãn, mật ong, tinh bột nghệ và nhiều nông sản khác cũng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những ngày này về vùng nhãn Hưng Yên, đâu đâu cũng thấy rộn ràng, người, xe tấp nập đến khảo sát, ký hợp đồng tiêu thụ, thu mua vận chuyển nhãn đi các nơi. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn rộng hàng chục héc ta, cây nào cũng sai trĩu quả, ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên) cho biết: Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng có trên 30ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap đang cho thu hoạch. Năm nay nhãn được mùa, hợp tác xã ước thu khoảng 100 tấn quả. Từ đầu vụ đến nay, hợp tác xã đã thu hoạch 10 tấn quả, xuất bán chủ yếu cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội với giá 30 nghìn đồng/kg. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên nhãn của hợp tác xã cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, đặc biệt là giống nhãn T6.

Trái nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu Nhãn lồng Hưng Yên. Năm nay, tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn quả với nhiều chuỗi sự kiện như: Hội nghị xúc tiến thương mại  tiêu thụ nông sản  - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên; tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; hội thi bình chọn nhãn ngon... 

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã tạo nên mối liên kết nông dân với doanh nghiệp chặt chẽ, bền vững, có sự liên kết “4 nhà”, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng. Qua đó, góp phần đưa trái nhãn lồng Hưng Yên vươn xa ra thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu, nông dân gạt bỏ nỗi lo “được mùa rớt giá”.
Nguồn: baohungyen.vn
 
Tin liên quan