KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 14/12/2021 - Lượt xem: 98
Nhiều khoản thu đạt và vượt dự toán

Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 11 tháng trong năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến thì bằng 104,1% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, bằng 164,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ, thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số thu từ thuế, phí nội địa ước đạt 900.567 tỷ đồng, bằng 102,1% so với dự toán, bằng 111,1% so với cùng kỳ năm 2020.
So với dự toán thì có tới 14 trong tổng số 18 khoản thu, sắc thuế bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 91%), trong đó một số khoản thu lớn như: Thu từ khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ước thu đạt 101,6%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 107,8%; Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,7%; tiền sử dụng đất ước đạt 121,5%; tiền thuê đất ước đạt 125,9%. Có 8 trong tổng số 18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu như: khu vực DNNN tăng 13,1%; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài ước tăng 11,1%; Khu vực ngoài quốc doanh ước tăng 25,8%; thuế thu nhập cá nhân ước tăng 7,6%; lệ phí trước bạ ước tăng 6,9%; thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên ước tăng 14,9%...
Số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh đất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho NSNN.
Bên cạnh đó, do thực hiện Nghị định số 126/2020/NÐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, các DN đã tạm nộp trước số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong ba quý đầu năm 2021 (ước tính số thuế TNDN tạm nộp trước khoảng 51.600 tỷ đồng) để bảo đảm không thấp hơn 75% số thuế TNDN dự kiến phải nộp của năm 2021. Nếu loại trừ khoản thu này thì thu thuế phí nội địa bằng 100,5% so với cùng kỳ.
Ðáng chú ý, để hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NÐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021, theo đó thực hiện gia hạn thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2021 cho các DN bị ảnh hưởng và gia hạn thuế GTGT, TNCN năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Ước tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn: 139.190 đơn, trong đó có 119.708 DN, tổ chức và 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn: 92.825 tỷ đồng. Giải pháp này đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong hoạt động chuyên ngành, cơ quan Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế trong đó về công tác thanh tra, kiểm tra: Tính đến ngày 15/11/2021, cơ quan thuế đã thực hiện được 54.884 cuộc thanh, kiểm tra, trong đó kiểm tra được 755.098 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, bằng 132,85% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh, kiểm tra là 38.698 tỷ đồng.
Cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 300 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Truy thu, truy hoàn và phạt 792,798 tỷ đồng; giảm lỗ 2.780 tỷ đồng; giảm khấu trừ 10,61 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.560 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 476,776 tỷ đồng, giảm lỗ 2.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.350 tỷ đồng).
Ðối với công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, ước tính đến thời điểm ngày 30/11/2021, cơ quan thuế thu được 24.300 tỷ đồng tiền thuế nợ, đạt 80,7% chỉ tiêu thu nợ giao. Từ 1/1/2021 đến cuối tháng 11 năm 2021, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền chậm nộp không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 ước đạt 5.220 tỷ đồng.
Lũy kế từ khi Nghị quyết 94/2019/QH14 có hiệu lực đến cuối tháng 11/2021, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội ước đạt 29.375 tỷ đồng. Trong đó xử lý khoanh nợ là 25.874 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền chậm nộp là 3.501 tỷ đồng.
Ðể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ.
Toàn ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NÐ-CP khi hết thời gian gia hạn, tránh việc phát sinh nợ thuế và tiền chậm nộp làm tăng thêm khó khăn về tài chính cho DN. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân theo các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho DN và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu bền vững cho NSNN.
Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Bảo đảm hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Triển khai áp dụng đơn điện tử tại các địa phương, góp phần thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, tiết kiện chi phí cho DN và tạo thuận lợi trong quản lý thuế.
Cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu NSNN, bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các DN, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế; đặc biệt là tại những địa bàn ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, những địa bàn đã mở cửa trở lại, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những DN có rủi ro cao về thuế, những DN thuộc những lĩnh vực được hưởng lợi trong thời gian đại dịch (thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng…).
Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, nhất là trong tháng cuối năm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh qua đó khuyến khích, thu hút đầu tư.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan