Ngày 20/11/2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Xuất bản. Luật có 6 chương, gồm 54 điều thay thế Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2008/QH12.
Theo đó, những quy định chung của Luật Xuất bản năm 2012, cùng một số nội dung nghiêm cấm trong hoạt động xuất bản được bổ sung thêm các hành vi như: Xuất bản mà không có đăng ký, không có quyết định hoặc không có giấy phép xuất bản; thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ hoặc nhập khẩu trái phép. Đây là những quy định được luật hoá sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động xuất bản trong tình hình hiện nay.
Đối với lĩnh vực xuất bản: Quy định thêm tiêu chuẩn chức danh của tổng giám đốc, ngoài những quy định khác thì có ít nhất 03 năm làm một trong các công việc biên tập, quản lý xuất bản hoặc báo chí, quản lý tại cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn chức danh tổng biên tập được quy định phải có chứng chỉ hành nghề biên tập, có ít nhất 03 năm làm công việc biên tập tại nhà xuất bản hoặc cơ quan báo chí và các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Luật cũng quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản. Theo đó, ngoài việc được đứng tên trên xuất bản phẩm, được từ chối biên tập những tác phẩm mà nội dung có dấu hiệu vi phạm và chịu trách nhiệm trước giám đốc nhà xuất bản và trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn định kỳ về kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tổ chức. Đặc biệt, biên tập viên có trách nhiệm không được để lộ, lọt nội dung tác phẩm, tài liệu xuất bản trước khi phát hành làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Luật quy định riêng Điều 20 cho việc cấp, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập.
Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang rất bất cập cho cơ quan quản lý Nhà nước thì nay Luật cho phép tổ chức, cá nhân được liên kết với nhà xuất bản để xuất bản đối với từng tác phẩm được quy định trong luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành xuất bản phẩm chủ động trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản trong liên kết xuất bản và trách nhiệm của đối tác liên kết.
Việc cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của các cơ quan, tổ chức về cơ bản gồm những quy định trước đây và điểm mới trong Luật Xuất bản lần này là cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xuất bản phải nộp lệ phí thẩm định nội dung tài liệu cho cơ quan cấp phép xuất bản. Trong hồ sơ, cùng với đơn đề nghị cấp giấy phép phải kèm theo ba bản thảo thay vì hai bản thảo như trước đây, nếu là tài liệu để xuất bản điện tử, phải lưu toàn bộ nội dung vào thiết bị số và đối với tổ chức nước ngoài tại Việt Nam phải có giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (quy định trước kia là 10 ngày) cơ quan quản lý nhà nước phải cấp giấy phép, trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Lĩnh vực in xuất bản phẩm: Ngoài những quy định về hoạt động; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm; điều kiện nhận in xuất bản phẩm, các quy định về in gia công xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thì Luật Xuất bản năm 2012 quy định riêng Điều 35 “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở in xuất bản phẩm”. Điều này quy định rất rõ trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ sở in trước pháp luật về hoạt động in xuất bản phẩm của mình.
Lĩnh vực phát hành: Cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trước khi hoạt động phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước, đây là một trong những điểm mới quy định tại Luật Xuất bản lần này và phải đảm bảo các điều kiện sau: Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Đối với các cơ sở phát hành là các hộ kinh doanh cần đảm bảo các điều kiện như: Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm và không phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu theo các quy định trước đây, việc cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép nhập khẩu thì tại Luật Xuất bản năm 2012 phân quyền thêm cho cửa khẩu nhập khẩu được giải quyết thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm. Theo đó, việc gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể nộp tại cơ quan quản lý xuất bản hoặc làm thủ tục, hồ sơ tại cửa khẩu nhập khẩu. Đây cũng là điểm mới về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhập khẩu xuất bản phẩm.
Điểm lưu ý trong Luật Xuất bản năm 2012 là việc xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử được quy định rất cụ thể ở một chương (chương VI). Bởi đây là hình thái mới của hoạt động xuất bản. Các nội dung quy định về xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử cơ bản đã bao quát các đối tượng, hình thức, điều kiện trách nhiệm và quyền hạn tham gia thực hiện và phát hành xuất bản phẩm điện tử, điều chỉnh các hoạt động phát sinh trong thực tiễn, có tính dự báo, tính khả thi cao hơn để điều chỉnh hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Luật Xuất bản 2012 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, đây là nền tảng pháp lý quan trọng, sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong xuất bản - lĩnh vực được coi là có tác động mạnh tới nhận thức xã hội.