KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 16/12/2021 - Lượt xem: 135
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!”.
Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Cũng từ sức mạnh đoàn kết đó, để Việt Nam có được vị thế, tiềm lực và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định mục tiêu tổng quát: “Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”. Ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết, cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để vừa phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống đại dịch Covid-19: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, chúng ta đã quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết to lớn của toàn dân tộc; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, trong công cuộc đổi mới hiện nay, chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức, ảnh hưởng tới sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sự phân hóa giàu nghèo; tệ quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy cơ bùng phát trở lại... Lợi dụng tình trạng này, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phải “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Muốn vậy, chúng ta phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các tầng lớp, giai cấp và các thành phần trong xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp cần quan tâm chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đặc biệt, cần sớm hiện thực hóa các chủ trương trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đại đoàn kết dân tộc; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc, cùng nhau hợp sức xây dựng một xã hội đồng thuận vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.
Nguyễn Thị Hồng Vân-Theo Bản tin Thông báo nội bộ
Tin liên quan