KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 20/07/2022 - Lượt xem: 108
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sẽ nâng cao chất lượng tổng kết Đề án, tìm ra nguyên nhân, khắc phục điểm nghẽn, bất cập, đánh giá thực chất, rút ra bài học kinh nhiệm, các cơ sở nghiên cứu có tính khoa học, thực tiễn để tổng kết toàn diện.

Chiều 19/7, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (gọi tắt là BCĐ, TBT Đề án) đã có cuộc họp đầu tiên tại Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án dự và phát biểu chỉ đạo. 
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Cuộc họp.
 Tham dự Cuộc họp còn các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án phát biểu chỉ đạo.
Năm 2008, sau gần 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết 27 về đội ngũ trí thức, Sau gần 15 năm thực hiện, trong nhiệm kỳ khoá XIII này, Ban Chấp hành Trung ương đã giao cho các ban Đảng nhiệm vụ đánh giá, tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 khoá X. Nhiệm vụ của BCĐ, TBT Đề án là tiến hành tổng kết, đánh giá qua 15 năm thực hiện các nội dung của Nghị quyết 27 khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đề xuất các quan điểm mới, giải pháp có tính đột phá xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương tại kỳ họp lần thứ 7, tháng 5/2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, liên minh công - nông - trí là hạt nhân, cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc; cùng với công nhân và nông dân, đội ngũ trí thức được xác định là lực lượng cơ bản trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung trên đã được nêu trong văn kiện của Đảng ngay từ những kỳ đại hội đầu tiên và tiếp tục khẳng định cho tới tận ngày nay.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án nhận định, Nghị quyết 27 ra đời, về cơ bản đã đáp ứng được lòng mong mỏi của đội ngũ trí thức, khẳng định vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; xác định được thực trạng, tình hình và cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng cũng như xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức cho tới năm 2020. Trong thời gian qua, Nghị quyết đã được quán triệt, triển khai sâu, rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị, nhiều nội dung của Nghị quyết đã được triển khai thực hiện mang lại kết quả to lớn trong thực tiễn; đội ngũ trí thức đã tăng nhanh về số lượng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường; Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc. 
Công tác sơ kết, tổng kết Nghị quyết cũng đã được tiến hành nghiêm túc, đúng kỳ hạn và chúng ta cũng đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các Kết luận số 90 năm 2014, Kết luận số 52 năm 2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27. Nhiều chính sách về trọng dụng, đãi ngộ nhân tài của Đảng và Nhà nước đã được ban hành; các hoạt động khen thưởng, động viên, tôn vinh trí thức đã được tiến hành thường xuyên, liên tục với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước…
Bên cạnh những mặt tích cực đã được chỉ ra, nhìn nhận qua thực tiễn thì vẫn còn một số bất cập, hạn chế tồn tại của Nghị quyết 27 trong quá trình thực hiện như: Nhiều nội dung của Nghị quyết còn chậm được cụ thể hoá, thế chế hoá, việc tổ chức thực hiện còn thiếu đồng bộ, ít đột phá. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với đội ngũ trí thức chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển. Sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức vẫn còn chưa xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay…
 Các đại biểu đề xuất những vấn đề cụ thể cần điều chỉnh Đề án cho phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, cùng với nhiệm vụ đánh giá kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 27 và các Kết luận 90, Kết luận 52 của Ban Bí thư về phát triển đội ngũ trí thưc, BCĐ và TBT Đề án sẽ tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương một văn bản mới về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nhằm phục vụ phát triển bền vững đất nước với những mục tiêu, nhiệm vụ tới năm 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng như: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại buổi làm việc các đại biểu đã tập trung trao đổi, góp ý vào bản kế hoạch, lộ trình thực hiện tổng kết của Đề án; dự thảo đề cương báo cáo tổng kết; mục đích, yêu cầu của từng nội dung tổng kết; kế hoạch khảo sát, toạ đàm, hội thảo, hội nghị; phương pháp tổ chức tổng kết đảm bảo hiệu quả. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất mới, vấn đề cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp như: Cần cụ thể, bám sát, bao quát toàn diện Đề án qua 15 năm thực hiện đạt được những gì, rút ra bài học kinh nghiệm, dự báo những tình hình mới trong điều kiện hiện nay của Đề án,…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa hoan nghênh các ý kiến của các thành viên trong Tổ Đề án. Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá các ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, xác đáng, Tổ thư ký sẽ tiếp thu, ghi nhận chỉnh sửa đề phù hợp hơn với tình hình đặt ra hiện nay. Việc tổng kết Đề án cần nâng cao chất lượng tổng kết, tìm ra điểm nghẽn, những nguyên nhân, khắc phục điểm nghẽn, bất cập, bài học kinh nhiệm rút ra, đánh giá thực chất, các cơ sở nghiên cứu có tính khoa học, thực tiễn để tổng kết toàn diện. 
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Tổ thư ký, Tổ giúp việc tập trung tiếp thu ý kiến các đại biểu; tổng hợp đầy đủ, chọn lựa những vấn đề trung tâm, vấn đề mới hiện nay dựa trên tinh thần Nghị quyết; xây dựng kế hoạch đồng bộ, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/
 

 

Tin liên quan