KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 07/12/2022 - Lượt xem: 1255
Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong vun đắp giá trị gia đình Việt Nam

Trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên và then chốt trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất của mỗi người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. 

Các đại biểu dự Lễ Khai mạc Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước; xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới cũng tiếp tục khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình...”.
Cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác xây dựng gia đình đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng. Điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể; bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong gia đình ngày càng được khẳng định; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ; gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng của mình; nhiều giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam vẫn không ngừng được duy trì và phát huy… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong bối cảnh kinh tế thị trường theo định hướng XHCN và đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu và rộng, các chức năng của gia đình Việt Nam đang có nhiều biến đổi, tác động đến các giá trị của gia đình.
NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CHỨC NĂNG GIA ĐÌNH TÁC ĐỘNG ĐẾN GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Kinh tế và tổ chức tiêu dùng là chức năng rất cơ bản của gia đình nhằm tạo ra của cải, vật chất, là chức năng đảm bảo sự sống còn của gia đình. Chức năng này bao quát về nhu cầu ăn, ở, tiện nghi, là sự hợp tác kinh tế giữa các thành viên trong gia đình nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình một mặt là quá trình chuyển đổi từ đơn vị sản xuất sang đơn vị tiêu dùng, mặt khác là chuyển đổi từ đơn vị kinh tế tự sản xuất, tự tiêu thụ sang bắt đầu cung ứng ra thị trường. Hiện nay, gia đình vẫn tồn tại với tư cách là một đơn vị kinh tế, song các thành viên trong gia đình theo đuổi các mục đích khác nhau cùng với các hoạt động kinh tế khác nhau; trong đó, mỗi thành viên có một “tài khoản” riêng mà không cùng sản xuất và chung một “nguồn ngân sách” như trong gia đình truyền thống. Với cách hiểu này, biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình đã khiến cho sự thay đổi mục đích và hoạt động sản xuất của các thành viên trong gia đình.
Cùng với sự biến đổi của chức năng kinh tế, chức năng giáo dục và xã hội hóa của gia đình đang có nhiều thay đổi rõ rệt. Nếu trong gia đình truyền thống trước đây, cha mẹ, ông bà là nguồn thông tin, nguồn tri thức quan trọng thu được từ kinh nghiệm sống thì ngày nay, sự phát triển của xã hội thông tin đang làm cho giới trẻ có phần giảm sút niềm tin vào các bài học cuộc đời, các kỹ năng sống mà cha mẹ, ông bà truyền dạy.
Việc quan tâm, chăm sóc giáo dục con cái bị sao nhãng do công việc bận rộn, thời gian dành cho gia đình ngày càng ít đi. Một số gia đình không chú trọng đến giáo dục, hoặc có quan tâm nhưng lúng túng cả về nội dung và phương pháp, cách thức giáo dục trước những biểu hiện “lạc hướng” do tác động của sự “lệch chuẩn” trong giá trị gia đình, giá trị xã hội hoặc do sự nhiễu loạn thông tin… gây ra nhiều hệ lụy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường và tội phạm vị thành niên ngày càng gia tăng.
Chức năng sinh sản, tái sản xuất con người vẫn giữ vai trò quan trọng trong gia đình Việt Nam hiện đại. Mối quan hệ vợ chồng có những lúc, những nơi bị biến đổi theo chiều hướng xấu; sự thủy chung, tình nghĩa, hòa thuận vợ chồng có biểu hiện suy giảm; quan hệ hôn nhân của một số gia đình trẻ trở nên dễ vỡ, do bị chi phối bởi lối sống cởi mở, thực dụng, chạy theo lợi ích vật chất, làm cho tỷ lệ ly hôn có xu hướng gia tăng nhanh trong những năm gần đây.
Ngoài ba chức năng cơ bản trên thì gia đình còn có chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tình cảm và chăm sóc sức khỏe. Đây là chức năng có ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên của gia đình, đặc biệt là tình yêu hạnh phúc lứa đôi. 
Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc gia "Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam - Nhận diện và giải pháp"
Trước tác động của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học và công nghệ, mối quan hệ giữa các thành viên trong một số gia đình đang trở nên lỏng lẻo. Mô hình gia đình ít con, gia đình hạt nhân làm thay đổi mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình, giữa con cái và cha mẹ, ông bà và các cháu. Mối quan hệ giữa cha mẹ, ông bà với con cháu có biểu hiện thiếu gắn kết, do không gian sống và giao tiếp gia đình thu hẹp, nhu cầu, sở thích cá nhân được đề cao. Sự hiếu thuận, quan tâm, tôn trọng và trách nhiệm đối với người cao tuổi dường như mai một.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, đe doạ sự bền vững của gia đình. Bất bình đẳng giới và định kiến giới trong các quan hệ gia đình và xã hội vẫn tồn tại rất nặng nề.
Trong xu thế phát triển mới, quy mô, cấu trúc gia đình có những biến đổi rõ rệt, mô hình gia đình truyền thống đang có sự thay đổi, dịch chuyển, từ gia đình tam tứ đại đồng đường sang gia đình hạt nhân nhằm đảm bảo tốt việc chăm sóc của cha mẹ với con cái. Cùng với đó là sự xuất hiện của kiểu gia đình mới: cha, mẹ đơn thân, ly thân, gia đình đồng tính. Tuy nhiên do thiếu kỹ năng, kinh nghiệm sống dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột trong các gia đình trẻ có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, việc tiếp thu dễ dãi các tư tưởng, trào lưu, lối sống khác lạ đến từ bên ngoài khiến nhiều bạn trẻ không kiểm soát được hành vi, suy nghĩ, có lối sống buông thả, dễ dãi trong quan hệ tình dục, hôn nhân, gây suy giảm sức khỏe, nòi giống, để lại những hệ lụy lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
Trong điều kiện internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những lợi ích mang lại thì mặt trái của nó cũng đặt ra nhiều thách thức với các gia đình. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông, tâm lí nhẹ dạ cả tin, hám lời của người dùng, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.
PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG VUN ĐẮP GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH
Là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, với mạng lưới rộng khắp trên phạm vi cả nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) đã trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Luật Hôn nhân Gia đình năm 1959 và luôn đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện vai trò người mẹ, người vợ, người em và người con gái trong gia đình. Các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trong nhiều thập kỷ qua của Hội đều hướng tới vận động, hỗ trợ phụ nữ gìn giữ, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế được các cấp Hội quan tâm, đẩy mạnh, nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực gắn với vận động phụ nữ thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương và các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, qua đó giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định và ngày càng hạnh phúc hơn, tránh nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội, trở thành nạn nhân bị mua bán hoặc rơi vào nhóm phụ nữ có mong muốn lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế.
Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh với nhiều loại hình. Hoạt động tài chính vi mô được phát triển theo hướng tăng dần tính hiệu quả, hướng đến đăng ký theo luật định, tạo sự chủ động về nguồn lực tài chính của các cấp Hội giúp cho phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thông qua đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua 4 năm triển khai, đã có hơn 8,2 triệu hội viên phụ nữ được truyền thông, hướng dẫn khởi nghiệp, phát triển kinh doanh...
Đẩy mạnh công tác giáo dục gia đình, vun đắp giá trị gia đình  thông qua triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm của Hội; vừa chú trọng đề xuất tạo cơ chế, chính sách, mở rộng huy động nguồn lực xã hội, vừa truyền thông thay đổi hành vi. Kết quả thực hiện các đề án(1) đã có hàng chục triệu bà mẹ và ông bố có con dưới 16 tuổi được tập huấn, trang bị kiến thức, thay đổi hành vi về phương pháp nuôi, dạy con khoa học, theo độ tuổi; hàng triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức về sức khỏe, sinh sản và giáo dục kỹ năng sống...
Hội triển khai Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”(2), với các tiêu chí đều hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện 12/19 tiêu chí nông thôn mới, có tác động tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị gia đình;  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ và cộng đồng; đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình được cải thiện rõ nét; vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao.
Tích cực phối hợp, đầu tư nghiên cứu, xây dựng các Đề án, góp phần cải thiện các vấn đề liên quan tới phụ nữ hướng tới xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững. Từ năm 2017 Trung ương Hội đã đề xuất thành công các Đề án: “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”;  “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025”; Dự án thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; Nội dung “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Điển hình là Câu lạc bộ (CLB) xây dựng gia đình hạnh phúc, mô hình CLB xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng là mô hình phổ biến nhất ở các địa phương, có ý nghĩa tích cực, là cầu nối truyền tải thông tin, giao lưu, chia sẻ vấn đề về giáo dục gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con, kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Các mô hình tư vấn, hỗ trợ hôn nhân, gia đình, an toàn cho phụ nữ và trẻ em được triển khai rộng khắp 63 tỉnh, thành, qua đó bảo vệ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, động viên về tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình; tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, bạo lực gia đình,… góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ổn định an ninh trật tự xã hội. Đặc biệt, mô hình Ngôi nhà bình yên của Trung ương Hội đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho phụ nữ và trẻ em.
Đổi mới, tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.  Hoạt động tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Nội dung tuyên truyền lựa chọn vấn đề ưu tiên gắn với phong trào thi đua, cuộc vận động và chủ đề hàng năm của Hội, những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương, với nội dung thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ và cộng đồng, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ và lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là thu hút được nam giới, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Đẩy mạnh các hình thức truyền thông đa phương tiện thời công nghệ số và tăng cường tính tương tác để truyền tải các nội dung về vun đắp giá trị gia đình một cách hiệu quả... Một số sự kiện lớn, nổi bật có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội mạnh như: Chương trình truyền hình trực tiếp “Mẹ đỡ đầu - yêu thương và sẻ chia”; Giao lưu truyền hình “Hạnh phúc gia đình Việt”; “Ngày hội gia đình yêu thương”; Triển lãm - Tọa đàm “Mẹ - bến đỗ an toàn và bình yên cho con”; “Giấc mơ gia đình”, “Màu hạnh phúc”…
Các cấp Hội tăng cường phối hợp với với các ban, ngành, đoàn thể nhằm tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả tới các tầng lớp phụ nữ, trong đó, nhiều chương trình đã hỗ trợ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. 
Phối hợp tham mưu đề xuất chính sách, đề án, chương trình về lĩnh vực gia đình. Các cấp Hội tích cực tham gia góp ý xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án liên quan đến lĩnh vực gia đình, phụ nữ, trẻ em. Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã có hơn 400 đề xuất chính sách, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch hoạt động. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia soạn thảo và biên tập xây dựng các văn bản liên quan về lĩnh vực gia đình.
Bên cạnh đó, các cấp Hội ngày càng phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; thành lập các tổ công tác, tổ tư vấn hỗ trợ/tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em; tạo mạng lưới tư vấn, hỗ trợ; tăng cường tham vấn chuyên gia; thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em...
PHÁT HUY TỐT HƠN NỮA VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM, GÓP PHẦN VUN ĐẮP GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH VIỆT NAM
Nhằm thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2022-2027, như: 100% cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp Hội được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về “Vun đắp các giá trị gia đình Việt Nam”; hàng năm, mỗi cơ sở Hội, huyện, tỉnh tổ chức được ít nhất 1 hoạt động (truyền thông, biểu dương tôn vinh, hỗ trợ...) để góp phần lan tỏa, giữ gìn và phát huy các giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam…, một số nội dung, giải pháp trọng tâm được Hội LHPN Việt Nam xác định là:
 Một là, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về công tác xây dựng gia đình, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, vun đắp giá trị gia đình trong tình hình mới. Tuyên truyền, phổ biến các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình và trong cộng đồng, giúp mỗi gia đình thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Tập trung thực hiện có chất lượng nội dung “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”  và phối hợp thực hiện các tiêu chí liên quan đến gia đình và bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Tham gia tổ chức thực hiện hiệu quả, trách nhiệm các chỉ thị, chiến lược, chương trình về lĩnh vực gia đình... Định hướng, gợi ý các cấp Hội triển khai nội dung những giá trị gia đình Việt Nam an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tuyên truyền, vận động xây dựng người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
Hai là, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm của Hội. Triển khai sâu rộng, đồng bộ và tạo chuyển biến về chất trong thực hiện các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đổi mới, đa dạng hóa phương thức, các loại hình, sản phẩm truyền thông; chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương tiện truyền thông, thông tin hiện đại để tuyên truyền, giáo dục giá trị truyền thống của gia đình phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, từng đối tượng.
Ba là, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình. Tuyên truyền vận động phụ nữ phát huy nội lực, hỗ trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Tích cực phát triển kinh tế hộ, kinh tế số và chủ động tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế. Phối hợp, mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động, tập trung hỗ trợ các nhóm lao động nữ chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mở rộng kết nối, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ.
Bốn là, chú trọng thực hành giáo dục gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam thời kỳ mới; đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Phát huy tinh thần gương mẫu của các thế hệ đi trước, những tấm gương sáng về đạo đức, tri thức của ông bà, cha mẹ trong giáo dục dạy bảo con cháu. Định hướng năng lực thẩm mỹ, hướng thế hệ trẻ đến những điều tốt đẹp của Chân - Thiện - Mỹ thông qua các phương tiện truyền thông, các xuất bản phẩm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, giáo dục đào tạo. Tổng kết thực tiễn, xây dựng và nhân rộng các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp giá trị gia đình hoạt động hiệu quả.
Năm là, tiếp tục tham gia xây dựng, giám sát, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dựng gia đình và công tác gia đình; chủ động nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các chương trình, đề án, dự án, đề tài khoa học về xây dựng gia đình, vun đắp giá trị gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc./.
 
Nguồn: https://tuyengiao.vn
 ________________________
(1) Các đề án: “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938); “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020” (Đề án 279); “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020” (Đề án 404).
(2) 5 không: Không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên (từ năm 2017 điều chỉnh thành “Không vi phạm chính sách dân số”); không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. 3 sạch: Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

 

Tin liên quan