KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/10/2021 - Lượt xem: 869
Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị

Hội Nông dân Việt Nam thành lập ngày 14/10/1930, là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; là cơ sở chính trị của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội ra đời với mục đích tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí thức, bảo đảm thực hiện mọi thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong hệ thống chính trị Việt Nam, vai trò của Hội Nông dân thể hiện thông qua mối quan hệ giữa Hội với Đảng Cộng sản Việt Nam, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Thông qua tổ chức của mình, các cấp hội vận động nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân...
Thực tế gần 91 năm phát triển, tiến hành qua 7 kỳ Đại hội, hiện nay, hệ thống Hội Nông dân được tổ chức 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở với gần 10,2 triệu hội viên. Các cấp Hội luôn chú trọng đổi mới nội dung và phương thực hoạt động, từng bước khẳng định vị trí, vai trò, nâng cao uy tín trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội Nông dân có vai trò trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội là chỗ dựa vững chắc để đưa các chủ trương, chính sách tới nông dân; đồng thời tham vấn cho Đảng, Nhà nước những vấn đề cấp bách của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Những năm gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân và hội nông dân, trong đó có Nghị quyết số 26- NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”... Chính phủ ban hành nhiều đề án, chương trình; cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân trong học nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn… Có thể khẳng định, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Do vậy, cùng với việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các cấp Hội đã tham mưu nhiều giải pháp tích cực, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; chú trọng, đổi mới tuyên truyền; chủ động tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác hội và phong trào nông dân; đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng, nâng cao chất lượng giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu, thì nước ta giàu - Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng do Hội Nông dân Việt Nam phát động đã tạo động lực mạnh mẽ đối với hội viên, nông dân trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; vận động nông dân góp công, góp sức, thay đổi tư duy và đồng thuận thực hiện ngày càng có kết quả cao. Xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, “nông dân là chủ thể của quá trình phát triển”, rất nhiều nội dung về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trở thành những vấn đề được cả hệ thống chính trị nước ta quan tâm hướng đến. Với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc, đồng hành của nhiều bộ, ngành, các cấp chính quyền và sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong cả nước, Việt Nam tiến hành thắng lợi công cuộc cơ cấu lại nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đây thực sự là cuộc cách mạng về tư duy của những người nông dân vốn quen với nếp sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ và manh mún của kinh tế hộ gia đình nông dân sang mô hình hợp tác liên kết. Trong 10 năm qua, cả nước đầu tư hơn 2,4 triệu tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế nông thôn. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp liên tục tăng từ 2,8% - 3%, là tốc độ cao của thế giới, với lượng sản xuất hằng năm là 45 triệu tấn thóc, 5 triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn thịt các loại; nhiều mặt hàng đạt sản lượng xuất khẩu lớn như: hạt tiêu, cà phê, cao su; nhiều nông sản hàng hóa có mặt tại các thị trường quốc tế như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Do vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực.
Đối với Hưng Yên, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân bám sát nghị quyết cấp ủy Đảng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; phát huy hiệu quả các loại quỹ và nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia chương trình, đề án, phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; đề xuất, triển khai hiệu quả nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp; sự ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đang đặt ra cho các cấp Hội và hội viên nông dân rất nhiều thách thức. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị”; “…Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đây chính là những chủ trương, định hướng lớn cho hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong thời gian tới.
Để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị nước ta, thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tích cực xây dựng và củng cố tổ chức hội đáp ứng yêu cầu vận động nông dân trong tình hình mới; là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng vận động nông dân. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của giai cấp nông dân, các thành phần kinh tế; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có. Tổ chức tốt các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; đề xuất chủ trương, chính sách phát triển tổ chức, hoạt động của Hội và phong trào nông dân phù hợp yêu cầu phát triển của thực tiễn. Khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ; tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội.
Nguyễn Thị Hồng Vân-Theo Bản tin Thông báo nội bộ
 
Tin liên quan