VAI TRÒ CỦA Ý THỨC XÃ HỘI TRONG VIỆC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Đại dịch COVID-19 khởi phát từ cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên bệnh này là COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề, sâu sắc trên phạm vi toàn cầu. Chỉ sau 2 năm bùng phát dịch, toàn thế giới đã có 242 triệu ca nhiễm, và đã cướp đi sinh mệnh của 4.91 triệu người.
Đặc biệt, loại virus gây bệnh này lại liên tục biến chủng. Theo ông Sharon Peacock, giáo sư về sức khỏe cộng đồng và vi sinh tại Đại học Cambridge, Anh cho biết, càng nhiều người nhiễm COVID-19 thì virus Sars-CoV-2 càng có nhiều cơ hội phát triển và đột biến. Khi đột biến, nó lại tăng thêm khả năng tránh hệ miễn dịch và gia tăng tốc độ lây nhiễm. Ngày 14/5/2021, Hội đồng khoa học cố vấn cho Chính phủ Anh đã công bố mô hình dự đoán cho thấy, biến thể virus từ Ấn Độ có mức độ lây nhiễm cao hơn đến 50% so với biến thể được phát hiện tại Anh, mà biến thể ở Anh cũng đã có mức độ lây nhiễm cao hơn khoảng 60-70% so với virus SARS - CoV- 2 phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc hồi đầu năm 2020. Biến chủng Delta từ Ấn Độ vừa qua có tốc độ lây nhiễm cao hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với các dòng trước đây. Mới đây, đã phát hiện biến chủng Lambda tại Peru và Nam Mỹ.
Khi đại dịch xảy ra, đã có những nhận thức và quan điểm rất khác nhau về xử lý dịch bệnh. Trung Quốc, quốc gia đầu tiên có những ca khởi phát đã che dấu, không công bố dịch bệnh; Mỹ và châu Âu không đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của Virut Sars - CoV- 2, coi đó chỉ như bệnh cúm mùa, không cần giữ khoảng cách, kỳ thị với việc đeo khẩu trang, cho rằng, cứ để cho mọi người tự miễn nhiễm; Ấn Độ và các nước châu Phi đã chủ quan, tổ chức các sự kiện đông người như lễ hội, các cuộc vận động chính trị... Hậu quả là sau đó nhiều nước đã và đang phải đối mặt với tình trạng cực kỳ khó khăn trước sự gia tăng của các ca nhiễm bệnh và số người chết hàng ngày. Châu Á hiện là khu vực gia tăng nhiều ca nhiễm.
Qua tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia và ngay tại Việt Nam, có thể thấy rõ rằng virus lây lan hay được kiểm soát đều liên quan đến ý thức và hành vi của con người. Ở những nơi đông đúc nhưng người dân hiểu biết về dịch bệnh, có ý thức phòng bệnh tốt hơn thì sẽ giảm thiểu được những nguy cơ lây nhiễm. Ở Trung Quốc, các thành phố có mật độ dân số rất cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, do thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với các tỉnh Hồ Bắc, Đại Liên, những nơi có mật độ dân cư thấp hơn. Ở các nước châu Âu, khi chính quyền áp dụng lệnh phong tỏa, người dân tự giác đeo khẩu trang và tiêm chủng thì tỷ lệ nhiễm bệnh giảm đáng kể. Song, khi bắt đầu nới lỏng cách ly, mọi người đi lại nhiều hơn thì lập tức số ca nhiễm lại gia tăng trở lại như ở Nga, Pháp.
Ở Việt Nam, khi dịch bùng phát, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Bộ Y tế liên tục phát đi khuyến cáo nhắc nhở người dân tự bảo vệ mình và cộng đồng. Trong tình hình đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, của đội ngũ y bác sĩ, và những nguồn lực vật chất, chúng ta rất cần phải dùng đến sức mạnh của ý thức để cùng đẩy lui dịch bệnh này.
Như vậy, ý thức được đề cập ở đây là sự nhận thức và hành động của cá nhân và cộng đồng để ứng phó trước đại dịch, được xem xét dưới góc độ ý thức xã hội, theo quan điểm duy vật biện chứng.
Ý thức xã hội hay ý thức cá nhân đều nảy sinh từ tồn tại xã hội và phản ánh cơ sở đã sinh ra nó. Mặt khác, ý thức xã hội cũng có tác động mạnh mẽ trở lại tồn tại xã hội. Nếu ý thức là đúng đắn, nó có tác dụng tích cực, thúc đẩy xã hội tiến lên. Ngược lại nếu ý thức đó là sai lầm, thì nó sẽ cản trở, kìm hãm, thậm chí phá hoại những thành quả mà cả cộng đồng đã nỗ lực xây dựng. Trong những trường hợp nhất định, ý thức có sức mạnh đặc biệt, là yếu tố quyết định tạo nên những kỳ tích trước những khó khăn cả về điều kiện vật chất và những giới hạn về sức lực của con người. Qua đó cho thấy, việc phát huy vai trò của ý thức trong bảo vệ cộng đồng và phòng chống dịch là việc làm cần thiết. Thực chất của việc phát huy vai trò của ý thức là tìm ra, khơi dậy, nâng cao ý thức tiến bộ, tích cực trong đời sống xã hội, tạo ra sức mạnh tinh thần cho công cuộc phòng chống dịch hiện nay ở nước ta.
Để ý thức xã hội có tác dụng tích cực với đời sống thì phải đảm bảo rằng ý thức đó là đúng đắn, nghĩa là phản ánh đúng bản chất, quy luật của hiện tượng khách quan; ý thức ấy phải được phổ biến, thâm nhập vào đông đảo quần chúng nhân dân; ý thức đó phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc trong đời sống; tính tích cực, tự giác của chủ thể ý thức (các cá nhân, cộng đồng xã hội và lực lượng đóng vai trò là trung tâm của thời kỳ lịch sử ấy) cũng quyết định mức độ tác dụng của ý thức đến tồn tại xã hội.
Như vậy, khi nhấn mạnh vai trò của ý thức xã hội trong việc phòng chống dịch COVID-19, trước hết chúng ta phải xây dựng nhận thức đúng, phải phát huy tính tích cực, sáng tạo, của ý thức, khai thác những xung lực tích cực từ tính độc lập tương đối của ý thức xã hội, vận dụng đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa ý thức xã hội và ý thức cá nhân. Trên cơ sở đó, tìm con đường, biện pháp phát triển ý thức cá nhân để nâng cao ý thức xã hội, và thông qua ý thức xã hội được phát triển để điều chỉnh ý thức cá nhân, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài ra, khi xem xét ý thức của con người chúng ta nên nhìn nhận ở cả bình diện nhận thức và ứng xử, bởi “chính vì con người quan hệ với khách thể bằng sự hiểu biết, bằng tri thức, cho nên phương thức quan hệ của con người đối với thế giới cũng được gọi là ý thức”(1). Lan tỏa những hành động đúng đắn, cao đẹp, đấu tranh phê phán, loại trừ những hành vi vô ý thức, đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng cũng là việc làm cần thiết.
Nhìn lại chặng đường chống dịch vừa qua, có thể thấy rõ những tác động của dịch bệnh lên ý thức con người, đồng thời cũng thấy rõ những ảnh hưởng của ý thức xã hội, ý thức cá nhân tới cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Đại dịch đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và ý thức phòng chống dịch bệnh dần trở thành ý thức phổ biến trong toàn xã hội. Người dân thích ứng dần với cuộc sống thời dịch: đeo khẩu trang khi ra đường, tiết chế chi tiêu phòng lúc khó khăn, phòng bị trước cho việc phải đi cách ly hoặc phong tỏa. Mọi hoạt động của con người, từ cách đi lại, làm việc, học tập, giao tiếp, ăn uống cho đến các tập quán, truyền thống, thói quen... đều phải thay đổi để phù hợp với với việc “chống dịch như chống giặc” và trạng thái bình thường mới.
Khi dịch bùng phát mạnh, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đã làm việc với cường độ lao động căng thẳng với nỗ lực tột cùng cả về trí tuệ và sức lực để giành giật sự sống cho các bệnh nhân. Nhiều cán bộ chiến sĩ, các tình nguyện viên không quản ngại gian khổ, nguy hiểm tích cực khoanh vùng, truy vết, lập chốt bảo vệ, bố trí cho người đi cách ly và làm công tác tiếp tế, cứu trợ. Chính ý thức được nêu cao đó đã góp phần giúp chúng ta kìm chế được sự phát triển của dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Nha Trang, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh...
Chốt bảo vệ vùng xanh tại Tổ dân phố 12, Khu phố 6, phường Bình Chiểu.
Song, bên cạnh đó vẫn còn những bộ phận, cá nhân ý thức kém gây thêm khó khăn cho công tác chống dịch: Đó là việc thiếu trung thực trong khai báo y tế; không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, chống đối người thi hành công vụ; trốn cách ly; không thực hiện nghiêm các yêu cầu dãn cách hoặc phong tỏa; đưa thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong dư luận và gây sức ép với các lực lượng phòng chống dịch; kích động mâu thuẫn trong cộng đồng, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước… Một số cơ sở y tế lúc đầu còn từ chối tiếp nhận người bệnh đi về từ vùng dịch hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm, để người dân phải di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều, nguy có lây lan lớn hơn. Cùng với đó là sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch từ cấp cơ sở ở một số địa phương cũng đã xảy ra. Nếu như lực lượng cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, quản lý, giám sát được những người từng đi đến vùng có dịch hoặc kết thúc cách ly tập trung về địa phương thì sẽ không bỏ lọt các ca gây lây nhiễm. Ngoài ra, cũng phải nói đến sự thiếu chủ động, thiếu cương quyết chưa linh hoạt trong công tác quản lý ở một số địa phương. Trong quá trình duy trì trật tự xã hội thời dịch, có cán bộ còn cứng nhắc, yếu kém khi xử lý tình huống gây bức xúc trong dư luận...
Tóm lại, thực tế đã cho thấy ý thức tốt hay kém đều tác động trực tiếp đến thành quả phòng chống dịch của toàn xã hội. Để tháo gỡ những cản trở về tư tưởng, ý thức, chúng ta cần lưu ý những chỉ dẫn quan trọng của nghĩa duy vật biện chứng: “Chừng nào hoạt động của con người là có mục đích, tức là hoạt động sống tích cực của nó được dẫn dắt bởi những quan niệm và hiểu biết về những đặc tính hiện thực của các khách thể, thì chừng đó con người thoát khỏi và đối lập với hiện thực khách quan”(2). Khi virus Sars - CoV- 2 còn là cái tất yếu thách thức loài người thì chỉ khi con người nhận thức đúng và chế ngự được nó thì con người mới được tự do. Và, khi chúng ta còn đang cần thời gian để làm được điều đó thì cần phải biết sống an toàn cùng nó. Ph. Ăngghen cũng từng nhấn mạnh: “Nếu như lợi ích đúng đắn là nguyên tắc của toàn bộ đạo đức, thì do đó, cần ra sức làm cho lợi ích riêng của con người cá biệt phù hợp với lợi ích của toàn thể loài người”(3)
[3]. Theo đó, thì rất cần thiết việc kiên quyết thống nhất ý chí, chấp hành theo những nguyên tắc chung của cộng đồng, những tất yếu trong xã hội, để có tự do và an toàn cho tất cả mọi người. Ngoài ra, còn phải kết hợp các biện pháp để đảm bảo cuộc sống, để động viên, khích lệ, đoàn kết, hỗ trợ để ý thức của con người được nâng cao và có nhiều sáng tạo mới.
Trong phòng chống dịch ý thức của cộng đồng, ý thức của mỗi người dân là rất quan trọng. Mỗi người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, tự giác thì sẽ tạo nên thành lũy phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào mỗi gia đình, mỗi địa bàn, tổ chức. Không ai có thể đảm bảo mình sẽ an toàn khi cộng đồng còn nguy cơ lây nhiễm. Chỉ khi cả hệ thống chính trị quyết liệt, toàn dân ủng hộ, chấp hành, thì mới giảm được lây nhiễm trong cộng đồng, tạo thời gian cần thiết cho các bác sĩ, các nhà khoa học có thể cứu chữa người bệnh và khống chế được dịch bệnh. |
NHỮNG GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Để phát huy hơn nữa vai trò của ý thức xã hội trong phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam, cần tập trung vào những biện pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để phát triển ý thức đúng đắn trong toàn xã hội.
Nâng cao nhận thức về dịch bệnh và những biện pháp cần thiết để vượt qua dịch bệnh. Sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức cổ động trực quan để phổ biến rõ cho từng người dân về các nội dung như: sự nguy hiểm, cơ chế lây truyền của virus để chủ động phòng tránh; cách xử lý khi mình hoặc người thân nhiễm bệnh; ở những nơi bệnh viện và các cơ sở y tế đã quá tải người dân có thể tự chăm sóc, điều trị cho cho người thân theo hướng dẫn của y bác sĩ, đối với những người đã từng khỏi bệnh thì sau một thời gian kháng thể với COVID-19 sẽ hết dần, thay vào đó là các gen tái tổ hợp sản xuất kháng thể mới; trong khoảng thời gian này một lượng virus vẫn được sản xuất và người đó vẫn có khả tái dương tính hoặc nhiễm những biến chủng mới; sức đề kháng của cơ thể và sự chăm sóc tốt là những điều kiện quan trọng giúp con người chiến thắng dịch bệnh.
Nâng cao nhận thức về tiêm chủng vaccine để người dân được bảo vệ và cộng đồng được an toàn. WHO đã dự báo, đại dịch COVID-19 sẽ chỉ kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân trên thế giới được tiêm chủng.
Đối với Việt Nam, những diễn biến khốc liệt của dịch bệnh đã làm cho nhiều người hiểu được rằng: muốn an toàn vượt qua dịch bệnh thì vaccine là cứu cánh duy nhất, được tiêm là được bảo vệ. Song, cần khắc phục tình trạng chần chừ, kén chọn vaccine. Cần làm tốt việc tuyên truyền để người dân nhận thức được các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam đều rất tốt, được các tổ chức có thẩm quyền, có uy tín kiểm định rất chặt chẽ và cấp phép. Việc tiêm bao phủ vaccine đủ để có thể miễn dịch cộng đồng là rất cấp thiết và vaccine tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất.
Hiện nay cả nước đã tiêm được hơn 65 triệu liều vaccine, mức độ bao phủ vaccine đã góp phần làm cho số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm vào những ngày gần đây. Song, vẫn phải quán triệt rõ là vaccine khi tiêm vào cơ thể cũng không tạo miễn dịch ngay, hơn nữa còn phải phòng ngừa biến chủng virus SARS - Covi 2, do vậy kể cả khi tiêm chủng đã đảm bảo chỉ tiêu đặt ra thì việc đảm bảo an toàn (thực hiện 5K + 5T) vẫn phải duy trì.
Phải củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chỉ khi nhân dân thực sự tin tưởng vào hệ thống chính trị, tự giác tuân thủ những biện pháp chung thì mới tạo ra sự đồng thuận trong toàn xã hội thì công cuộc chống dịch mới nhanh chóng thành công.
Thứ hai, nâng cao tính tích cực của cá nhân, tổ chức trong phòng chống dịch bệnh.
Nên có những chuyên mục hướng dẫn người dân chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà: Các thao tác sử dụng một số thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh, một số đơn thuốc cho những đối tượng được chỉ định rõ, hướng dẫn người bệnh tập thở để giữ gìn hơi thở cho chính mình... Điều này là hết sức cần thiết bởi ngay ở những nước tiên tiến cũng từng xảy ra tình trạng bất lực của y tế khi quá tải các ca bệnh. Khi đó, bất kỳ một kiến thức, một kỹ năng nào được vận dụng đúng cũng có thể làm giảm các ca tử vong.
Cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư để các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế đẩy mạnh những nghiên cứu về bệnh học, điều chế, thử nghiệm vaccine và thuốc đặc trị, tổng kết kinh nghiệm khám chữa bệnh. Đây là yếu tố quyết định việc có thể chủ động trong dập dịch.
Bài học từ các nước đã bùng phát dịch cho thấy, việc phong tỏa và giãn cách là biện pháp không thể thiếu để cắt đứt đường lây nhiễm, khoanh vùng được các ổ dịch. Nếu không kịp thời, kiên quyết thực hiện biện pháp này thì sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề và phải trả giá đắt bằng chính sinh mệnh con người. Để nâng cao ý thức người dân chấp hành nghiêm thì phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử phạt nghiêm khắc với những hành vi vi phạm. Mặt khác, đại dịch có thể còn lâu dài, phức tạp. Việc áp dụng giãn cách kéo dài cũng đem lại những khó khăn về kinh tế, những bức xúc trong tinh thần của nhiều người, nhất là những người nghèo, người ốm đau, những người phải nghỉ việc không có thu nhập để trang trải cuộc sống. Do đó, rất cần phải phát động tinh thần tương thân tương ái, sự thương yêu, đoàn kết, ý thức sẻ chia, chung tay cùng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Mỗi cá nhân cũng phải liên tục trau dồi tri thức và phát triển bản thân để cho dù phải sống chậm lại nhưng không trì trệ và lạc hậu, luôn sẵn sàng bắt kịp với nhịp sống thời đại khi xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Thứ ba, huy động khả năng sáng tạo, sử dụng tác động tích cực của ý thức để củng cố tồn tại xã hội, xử lý khủng hoảng dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và chính quyền ở các địa phương luôn phải phối hợp chặt chẽ, căn cứ đặc điểm tình hình để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, hiệu quả nhất. Trong thực hiện các chủ trương chung ở từng địa bàn, cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, cương quyết, nhưng không chủ quan, không nóng vội. Giữ vững an ninh lương thực, cố gắng duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là đối với vùng đang phải thực hiện cách ly hoặc dãn cách để ổn định đời sống nhân dân. Động viên, biểu dương, khen thưởng các cá nhân tiêu biểu, các cơ quan, đơn vị, địa phương có những việc làm tốt, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định, làm phát tán mầm bệnh hoặc làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bảo vệ sản xuất, thực hiện mục tiêu kép nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe con người, chỉ khi con người khỏe mạnh thì mới có thể mang lại sức khỏe cho nền kinh tế.
Ý thức của con người nó có đặc tính đặc biệt: nó có tính năng động, sáng tạo, tích cực. Khó khăn, thử thách đặt ra cũng là dịp để ý thức được nâng cao, nở rộ và phát triển để giải quyết tình hình. Công cuộc chống dịch ở Việt Nam đã từng có những phát minh đặc biệt: Cây ATM gạo và trạm ATM oxy của nhà sáng chế Hoàng Tuấn Anh, Siêu thị 0 đồng của các đơn vị quân đội, các tổ chức từ thiện, sáng kiến chia máy ECMO cho 2 người bệnh tại bệnh viện Quân y 175... Để có thêm những công trình như thế, cần phát động các cuộc thi đua động viên, phát huy tiềm năng sáng tạo của ý thức con người để có thêm nhiều phát minh, sáng kiến có ý nghĩa và tác dụng to lớn với cộng đồng.
Trong và cả sau đại dịch, cần phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái, “ lá lành đùm lá rách” và tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Đã có rất nhiều tình nguyện viên, những nhà hảo tâm, những đoàn thiện nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân ngay trong tâm dịch. Song thiết nghĩ nên có những phương thức phù hợp hơn nữa như: Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ COVID-19 cộng đồng… cần làm tốt vai trò là cầu nối để các gói cứu trợ, các đồ thiết yếu đến được tay người nghèo, người già, các nhóm yếu thế trong cộng đồng; Huy động các lực lượng hảo tâm ngay tại địa phương để giúp đỡ những người lao động, học sinh, sinh viên bị kẹt lại ở các khu phong tỏa; Tổ dân phố phối hợp với lực lượng quân đội, công an để hỗ trợ những gia đình có người nhiễm bệnh nhưng cách ly hoặc điều trị tại nhà; Động viên và bù đắp xứng đáng cho những bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh tình nguyện ở lại bệnh viện chăm sóc người bệnh hoặc hỗ trợ các bác sĩ, các nhân viên y tế...
Sự nguy hiểm, biến hóa khôn lường của dịch COVID-19 đang thách thức sự hiểu biết và ý thức cộng đồng của con người. Nhưng bất kỳ loại virus nào xuất hiện sau này đều sẽ phải thua ý thức của loài người khi chúng ta biết phát huy và kết nối trí tuệ - tình thương- trách nhiệm. Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, tình nhân ái và lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, nhất định con người sẽ chiến thắng những thử thách khắc nghiệt của tự nhiên, viết tiếp lên những trang mới của lịch sử loài người. |
Về những nghiên cứu khoa học phục vụ cho công tác phòng chống dịch, trong giai đoạn vừa qua chủ yếu sử dụng khoa học tự nhiên. Cũng cần phải đẩy mạnh những nghiên cứu của khoa học xã hội về vấn đề này, nhất là tham mưu, tư vấn những chủ trương, quyết sách để giải quyết các vấn đề xã hội trong và sau dịch bệnh. Khoa học xã hội sẽ giúp cho việc sử dụng nhân lực và vật lực một cách hợp lý nhất, chọn những phương thức tiến bộ nhất của việc tổ chức và điều hành xã hội trong những điều kiện đặc biệt. Những biến cố từ đại dịch sẽ dẫn đến những thay đổi về tư duy, phong cách làm việc, hình thành nếp sống mới. Xã hội và người dân cũng đang cần hỗ trợ về tri thức, ý thức chính trị, tâm lý, tinh thần. Khoa học xã hội sẽ là lực lượng trực tiếp trong xây dựng văn hóa phòng chống dịch, làm lành mạnh, phong phú hơn tâm hồn của con người, giúp mọi người có sức mạnh, niềm tin, và lạc quan để vượt qua dịch bệnh./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
(1) (2) Từ điển Triết học, Nxb. Tiến bộ và Nxb. Sự thật, 1986, tr.711, 711.
(3) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 1995, t. 2, tr. 199-200.